04 tháng 1 2016

Bàn về pháp bổ và pháp tả qua y văn của cổ nhân


Thiên " căn kết " trong sách Linh Khu ( hay là thiên thứ 5 sách Hoàng đế Tố Vấn Linh Khu Kinh, hoặc bài 5 quyển hạ linh khu thiên trong sách Hoàng đế nội kinh ) có viết:
Hoàng đế hỏi:
- Hình thể con người khoẻ mạnh hay hư yếu, những biểu hiện ra bên ngoài về bệnh tật của con người có khi phù hợp với nhau, nhưng có khi lại trái ngược với nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt được trong khi điều trị ?
 Kỳ Bá đáp:
- Nếu nhìn những biểu hiện ra bên ngoài của người bệnh có triệu chứng bất túc, trong khi thế bệnh đang mạnh, đó là biểu hiện của tà khí đang thắng chính khí, thì phải mau mau dùng pháp tả để trừ tà khí. ( trường hợp 1 )
- Nếu nhìn bên ngoài của người bệnh có vẻ như khoẻ mạnh, mà một tạng phủ nào đó bị bệnh khiến cho cơ năng của tạng phủ đó bị suy nhược, thì phải mau mau dùng pháp bổ để phục hồi cơ năng của tạng phủ bị bệnh. ( trường hợp 2 )
- Nếu nhìn người bệnh có biểu hiện không được mạnh khoẻ, mà bệnh tình cũng có biểu hiện không mạnh lắm, đó là biểu hiện cả âm, dương đều bất túc, thì không được dùng kim châm để trị liệu. Nếu dùng kim châm để trị liệu thì sẽ khiến cho người bệnh vốn đã hư yếu sẽ bị hư yếu thêm, như thế sẽ khiến âm dương cạn kiệt, khí huyết hư hao thêm, ngũ tạng trống không, gân héo, tuỷ khô ... người già phải chết, cho du là thanh niên đi nữa thì cũng khó mà hồi phục. ( trường hợp 3 )
- Nếu nhìn người bệnh thấy khoẻ mạnh mà thế bệnh có vẻ yếu, không mạnh lắm, thì đó là biểu hiện của âm và dương đều hữu dư, vậy nên khẩn cấp công tả bệnh tà để điều lý hư thực. ( trường hợp 4 ) 
Tóm lược lại là bệnh hữu dư thì nên tả, bệnh bất túc thì nên bổ.
( Đoạn y văn trên trích trong tập " Nội ngoại thương biện hoặc luận " của danh y Lý Đông Viên )
..........................................
Lời bàn của tại hạ tôi ( kẻ hậu học nông nổi mong muốn các bậc y sư tham gia đàm đạo để thấu lý cổ nhân nên dại dột đưa ra lời bàn này, mong quý vị lượng thứ và giáo huấn. Tại hạ thật hoan hỷ và cảm kích với những lời chỉ dạy của các y sư ! ):
* Trong đoạn y văn Kỳ Bá trả lời Hoàng đế có những thắc mắc cần diễn giải như câu tóm lược cuối là " bệnh hữu dư thì nên tả, bệnh bất túc thì nên bổ ", vậy tại sao ngay ý đầu tiên trong câu trả lời thì Kỳ Bá lại nói dùng pháp tả để trừ tà khí cho trường hợp bệnh nhân đang có triệu chứng bất túc " ? Phải chăng có sự lầm lẫn trong việc dịch nghĩa, hay ý tứ cổ nhân có điều gì khác ? Theo tôi ở đây không có gì là sai ở việc dịch nghĩa, nhưng nghĩa diễn giải chưa thấu có thể do dịch hết nghĩa thì rất dài dòng, tôi xin bổ sung nhưng ý phân tích của mình như sau: 
- " Bệnh nhân có triệu chứng bất túc, trong khi thế bệnh đang mạnh, đó là biểu hiện của tà khí đang thắng chính khi ... " sẽ luận ngay được rằng ở đây là tà khí thực, cũng có nghĩa rằng tà khí đang lấn át chính khí hay gọi là tà khí thực ( có câu: tà khí thực, chính khí hư ). Còn chính khí ở đây đang thua tà khí, nhưng trong trường hợp này Kỳ Bá có ý nói là chính khí không hư mà chỉ bị bất túc ( bị o ép, bị cản trở, bị ảnh hưởng ) do tà khí xâm phạm. Vậy nên trường hợp bệnh nhân trong ý này cần dùng phép tả là vậy ( tả cái tà khí thực ).
- Các trường hợp 2 và 3 thì đều thuộc chứng bất túc do hư, và hư thì bổ.
- Trường hợp 4, ở đây ý nói chính khí của người bệnh đang ở cái thế thắng tà khí, nhưng không đủ mạnh để đuổi bỏ, trừ bỏ được tà khí ( giống như trường hợp 1, nhưng tà khí ở đây có phần yếu hơn một chút ). Pháp tả được đưa ra ở đây để đuổi tà khí dựa trên nền tảng chính khí đầy đủ, mạnh mẽ ( có phần hữu dư do lệch lạc, ảnh hưởng bởi tà khí ).
Qua một số ý phân tích trên, tôi nhận thấy thời hậu thế sau này đã quy pháp bổ tả theo hư thực ( hư thì bổ, thực thì tả và tà khí thực, chính khí hư ) thì có phần dễ hiểu hơn khi cổ nhân vừa quy vào chứng hữu dư, bất túc và vừa luận theo hư, thực của chính khí và tà khí.

26 tháng 12 2015

Khẩu quyết cho hàn nhiệt


NHIỆT THƯƠNG KHÍ TẮC CỐT TIÊU CÂN HOÃN
HÀN THƯƠNG HÌNH TẮC CÂN LUYẾN CỐT THỐNG
                                   Dịch nghĩa:
Nhiệt tổn thương khí khiến xương tiêu mòn, gân lỏng lẻo
Hàn tổn thương hình khiến gân co rút xương đau đớn 

23 tháng 12 2015

Cây quýt gai ( gai tầm xoọng )




Cây gai tầm xoọng có tên khác là độc lực, quýt gai, quýt rừng, cam trời. Thuộc họ Rutaceae. Cây bụi nhỏ, lá mọc so le, thân có gai dài, lá dày cứng có tinh dầu. Hoa màu trắng, quả tròn khi chín có màu đen. Toàn cây có tinh dầu thơm mùi quýt. Quả xanh chứa chất nhầy. Các bộ phận khác có vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, không độc. Ở nông thôn mỗi khi luộc ốc, người ta dùng gai của cây này để khêu ruột ốc. Vì loại gai này dài sắc và có độ cứng thích hợp. Toàn cây được dùng làm thuốc. Ở Trung Quốc có tên gọi tửu bính lặc.
Theo y học cổ truyền, gai tầm xoọng là vị thuốc chữa phong thấp, có trong các bài thuốc lưu truyền dân gian. Dùng toàn cây thái nhỏ sao vàng hạ thổ sắc uống. Kết quả rất tốt cho nên đã được truyền cho nhau, nó trở thành phương thuốc quý trong dân gian. Ngoài công dụng đó ra, gai tầm xoọng còn có tác dụng chữa ho, chữa rắn cắn, chữa sâu răng, làm tan được huyết bầm huyết ứ, thông hoạt kinh lạc, trừ tà, giảm đau nhức…
Theo kinh nghiệm cây này dùng tươi tốt hơn dùng khô. Có thể dùng độc vị hoặc phối hợp cùng những vị khác thành bài. Điều trị phong tê thấp thì kết hợp với tục đoạn, thổ phục linh, ngải diệp. Điều trị ho đau họng, kết hợp với cát cánh, trần bì, tang diệp. Chống viêm tiêu ứ thì kết hợp với bồ công anh, hồng hoa, tô mộc…
Theo y học cổ truyền, gai tầm xoọng là vị thuốc chữa phong thấp. Dùng toàn cây thái nhỏ sao vàng hạ thổ sắc uống. Kết quả rất tốt cho nên đã được truyền cho nhau, nó trở thành phương thuốc quý trong dân gian. 
Một số ứng dụng trên lâm sàng:
Các khớp sưng đau, đi lại khó khăn, toàn thân mệt mỏi: 
gai tầm xoọng 25g sao vàng hạ thổ, sắc uống.
 Hoặc gai tầm xoọng 16g, thổ phục linh 16g, tục đoạn 12g, ngải diệp 12g, đương quy 12g, kê huyết đằng 12g, thiên niên kiện 10g, quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần/ngày.
Cần gia giảm theo chứng trạng của người bệnh:
– Đau lâu ngày, cơ thể gầy yếu da xanh, gia đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 12g.
– Đau ngực khó thở, gia hắc táo nhân 16g, lạc tiên 16g, hạt muồng (sao) 16g.
-Ăn uống kém, tiêu hóa trì trệ, gia bạch truật 12g, trần bì 12g, biển đậu 16g.
– Đau vai cổ, một bên cánh tay khó cử động: gai tầm xoọng sao vàng hạ thổ 20g, nam tục đoạn 20g, tang chi 12g, rễ cúc tần 12g, kinh giới 12g, quế 10g, thiên niên kiện 10g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Có thể kết hợp với bài thuốc chườm: ngải diệp 50g, rễ lá lốt 15g. Hai thứ sao rượu,  gói vào miếng vải, chườm tại chỗ. Khi thuốc nguội, sao lại và chườm tiếp.
Khớp gối đau nhức: có biểu hiện xơ cứng, hạn chế vận động: gai tầm xoọng sao vàng hạ thổ 20g, cát căn 16g, huyết đằng 12g, đương quy 12g, tục đoạn 12g, phòng phong 12g, tế tân 10g, quế 10g, đơn hoa 12g, chích thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Công dụng: trừ thấp giảm đau, thông kinh hoạt lạc. Nếu bệnh nhân là người cao tuổi, ít ngủ, gia hắc táo nhân 16g, hạt muồng  (sao) 12g, bạch linh 12g.
Ho hen, khó thở, đau họng mắc đờm: gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ) 16g, cát cánh 12g, trần bì 12g, mạch môn 12g, đại táo 6 quả, tang bạch bì 16g, hoàng kỳ 12g, mơ muối 12g, cam thảo 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Kiêng cua ốc, cá tươi, thịt gà.
Ho kéo dài do biến chứng của cảm cúm: gai tầm xoọng 16g, tế tân 12g, kinh giới 12g, mạch môn 16g, cát cánh 12g, bách bộ 12g, trần bì 12g, thục địa 12g, huyền sâm 10g, xa tiền thảo 16g, rau má 20g, lá xương sông 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Trẻ em ho gà: gai tầm xoọng (dùng lá) 6g, hoa đu đủ đực 6g, cát cánh 6g, lá tía tô 6g, trần bì 6g, tang bạch bì 6g. Đổ nước 300ml, sắc lấy 100ml, chia 3 – 4 lần cho trẻ uống trong ngày.
Ho khan do phế nhiệt: gai tầm 16g, thiên môn 12g, tang diệp 20g, xa tiền thảo 20g, lá xương sông 20g, lá đinh lăng 20g, rau má 24g, bạch linh 10g, mơ muối 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Phụ nữ bị bế kinh: đau bụng dữ dội, bụng dưới căng đầy, da mặt nóng nổi mụn: gai tầm xoọng (sao vàng hạ thổ) 24g, ích mẫu 16g, đương quy 12g, tô mộc 16g, trạch lan 16g, đan sâm 16g, kê huyết đằng 12g, hương phụ 12g, quế 8g.  Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Uống nóng.
Dùng trị bệnh thận hư:Thành phần:
Gai tầm xoọng : 20g, Cây mực: ………. 20g, Cây nổ: …………. 20g, Cây muối:………. 20g
Sắc với 1,5 lít nước uống trong ngày


( Nguồn: sưu tầm trên internet )

Cây thanh táo chữa gân xương


Cây thanh táo còn gọi là thuốc trặc, tần cửu, có tên khoa học Justicia gendarussa L. f. (Gendarussa vulgaris Nees), thuộc họ Ô rô - Acanthaceae. Cây thanh táo là loài cây nhỏ mọc hoang hay thường được trồng làm cảnh, làm hàng rào. Cây cao 1-1,5m. Thân cành non màu xanh hoặc tím sẫm. Lá mọc đối, hình mác hẹp, có gân chính tím, không lông. Trên mặt lá thường có những đốm vàng hoặc nâu đen do một loài nấm gây nên. Hoa mọc thành bông ở ngọn hay ở nách lá về phía ngọn bao bởi nhiều lá bắc hình sợi. Ðài 5, hợp ở gốc cao 3-5mm. Tràng màu trắng hay hồng có đốm tía, chia 2 môi. Nhị 2, bao phấn 2 ô. Quả nang hình đinh, dài 12mm. Bộ phận dùng: Toàn cây - Herba Justiciae, thường gọi là Tiểu bác cốt. Theo Đông y, cây thanh táo có vị cay, tính ấm; có tác dụng nối gân tiếp xương, tiêu sưng giảm đau. Rễ có vị hơi chua cay, tính bình có tác dụng hoạt huyết, trấn thống, làm lợi đại tiểu tiện, tán phong thấp. Vỏ rễ và vỏ thân có tác dụng gây nôn. Lá có tác dụng sát trùng. Thường được dùng trị gãy xương, sái chân, phong thấp viêm khớp xương. Rễ dùng chữa vàng da, giải độc rượu, còn trị viêm thấp khớp, bó gãy xương, trật khớp. Liều dùng 15-20g cây khô, dạng thuốc sắc. Vỏ rễ, vỏ thân sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa tê thấp. Rễ và cành lá có thể dùng tươi giã đắp các vết thương chỗ sưng tấy và bó gãy xương. Còn dùng tán bột rắc trừ sâu mọt. 
Sau đây là một số bài thuốc có vị thanh táo:
 - Chữa bong gân sai khớp: 
Thanh táo 20g,
 lá diễn tươi 50g; 
cốt toái bổ, 
xuyên tiêu, mần tưới mỗi vị 20g.
 Sắc uống lúc còn ấm, mỗi ngày 1 thang. 
Bên ngoài dùng lá thanh táo, lá ngải cứu, lá diễn dùng tươi, lượng bằng nhau. Giã nhỏ đắp ngày 2 lần. 
- Chữa ho, sốt, mồ hôi trộm: 
Rễ thanh táo, miếp giáp, địa cốt bì, sài hồ mỗi vị 10g;
 đương quy, tri mẫu mỗi vị 5g;
 thanh tao, ô mai mỗi vị 4g. 
Sắc uống trong ngày. 
- Viêm tinh hoàn (dái sưng đau, một bên sa xuống):
 Rễ thanh táo, rễ sưng, rễ bấn trắng, rễ vạy đỏ, mỗi vị một nắm, sắc uống. 
- Chữa sản phụ máu xấu đưa lên choáng váng, mắt mờ: 
Thanh táo, mần tưới, cỏ màn chầu, mỗi vị 20g, sắc uống. 
- Chữa phong thấp, tay chân tê bại: 
Rễ thanh táo, dây chiều, rễ hoàng lực, rễ gai tầm xoọng, mỗi vị 20g; 
cốt khí củ, thiên niên kiện mỗi vị 10g. 
Sắc uống ngày 1 thang. 
- Chữa vết lở, vết thương nhiễm độc chảy máu không dứt hay nhọt lở thối loét, khó kéo miệng: 
Lá thanh táo và lá mỏ quạ lượng bằng nhau, rửa với nước muối, giã nhỏ, đắp rịt, thay thuốc hằng ngày. 
Trong uống nước sắc bạch chỉ nam, kim ngân hoa, bồ công anh, mỗi vị 1 nắm và ăn rau sống hằng ngày,
 sau một tuần lễ sẽ có kết quả. 
Chú ý, cây thanh táo có độc nhẹ, người bệnh nên tham khảo ý kiến của các lương y danh tiếng.... 
Đọc thêm tại: http://nongnghiep.vn/thanh-tao-noi-gan-tiep-xuong-nhung-doc-nhe-post138119.html | NongNghiep.vn


22 tháng 12 2015

Bàn về pháp " Hư thì bổ mẹ, thực thì tả con "


DN:Các bác cho hỏi nguyên tắc chữa bệnh " hư thì bổ mẹ thực thì tả con". Tại sao phải theo nguyên tắc này ạ. Sao ko tả và bổ trực tiếp luôn
 YHCTXL: Lên google cho nó cặn kẽ
DN: Ko có bác ah. E tìm rồi
YHCTXL: Nói một cách dễ hiểu
Hư có nghĩa là thếu hụt cần phải bổ sung
Thực có nghĩa là thừa cần phải bỏ bớt (tả)
 TMH: Con mà hư nếu bổ chắc khó vực dậy ( do nó đang hư ) vậy dùng cách bổ mẹ để dẫn sự nuôi dưỡng từ mẹ sang con sẽ đạt kết quả tốt hơn. Thực thì tả con tức là lúc đó mẹ thực, khi mẹ thực thì cái sinh dưỡng sẽ mạnh mẽ khiến con sẽ cũng bị thái quá theo, pháp chữa ở đây ko đánh ( tả ) vào mẹ mà lại tả con là để tránh can thiệp không đáng vào mẹ, đồng thời giảm bớt sự thái quá ở con mà tự mẹ sẽ bớt cái thực đi.
DN: Bác lý giải bổ mẹ thấy dễ hiểu. tả con thì cháu thấy rất có lý nhưng ko hiểu sao cháu thấy vấn đề tả con như vậy thì vẫn gượng ép
TMH: Đấy là pháp tránh tả vào tạng phủ đang có vấn đề mà, tả con của nó để tự kéo rút cái vấn đề của mẹ nó. Ví dụ tạng can hỏa vượng nó sẽ thúc đẩy Tâm sinh hỏa thì pháp chữa là tả cái hỏa ở tạng Tâm, pháp này sẽ kéo theo hỏa của tạng can sẽ được rút bớt. Đại khái luận nôm na là vậy, mời các lương y chỉ giáo !
DN: trong bổ mẹ có bao giờ xuất hiện trường hợp con thì hết hư nhưng mẹ lại do bổ mà thành thực không bác
 DN:cháu chợt có ý nghĩ thế này: Phải chăng cơ thể con người vốn là âm dương ngũ hành cân bằng. Khi có bệnh tức là mất cân bằng, cơ thể vốn dĩ có khả năng tự điều chỉnh để cân bằng lại. Vai trò của người thầy thuốc là thúc đẩy, hỗ trợ sự điều chỉnh đó. Vìvậy nguyên tắc "hư thì bổ mẹ thực thì tả con" cũng như " lấy âm dẫn dương, lấy dương dẫn âm".. đều không can thiệp trực tiếp vào nơi bị bệnh vì nó vốn dĩ yếu rồi, ta sẽ can thiệp vào nơi khác để dẫn dắt giúp đỡ cơ thể tự hồi phục lại.
TMH: Đó là cái khoa học mà rất nhân văn của y lý đông y
TMH: Còn bổ quá khiến mẹ lại thành thực thì có lé cái này lại liên quan đến nhiều vấn đề vì cái gì thái quá đều ko tốt, vậy nên cần phải theo dõi bn để điều chỉnh phương thang cho phù hợp với tiến triển bệnh tật. Mình cũng nghĩ nôm na mà viết vậy thôi.

16 tháng 12 2015

Học thuyết thiên nhân hợp nhất

( Trích bài giảng lý luận y học cổ truyền - trường đại học y Hà Nội )
ĐỊNH NHĨA
Học thuyết thiên nhân hợp nhất nói lên giữa con người và môi trường tự nhiên, môi trường xã hội luôn luôn có mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Con người thích nghi, chế ngự thiên nhiên và xã hội sẽ sinh tồn và phát triển.
Trong đông y học người xưa đã áp dụng học thuyết này để làm kim chỉ nam cho các phương pháp dưỡng sinh, phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe, tìm ra nguyên nhân sinh bệnh và đề ra phương pháp chữa bệnh một cách toàn diện.

NHÂN TỐ TỰ NHIÊN, XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI

1/ Hoàn cảnh tự nhiên: ( khí hậu + thời tiết + địa lý + tập quán sinh hoạt )
- Khí hậu, thời tiết: đề cập đến lục khí ( phong - hàn - thử - thấp - táo - hỏa ) trong 4 mùa ( xuân - hạ - thu - đông )
- Vị trí địa lý: đồng bằng, miền núi, trung du, miền nam, miền bắc ...
- Tập quán sinh hoạt: phong tục, tín ngưỡng, món ăn truyền thống, cách thức lao động sản xuất, cách nuôi dạy con cái, định canh, du canh du cư, ... Ảnh hưởng tới từng con người trong xã hội.

2/ Hoàn cảnh xã hội: ( chính trị + kinh tế + văn hóa xã hội )
- Chính trị: có phân chia giai cấp, tàn dư xã hội cũ, tranh giành quyền lực, đảng phái ảnh hưởng tới cuộc sống của từng con người, từng cộng đồng và đất nước.
- Kinh tế: điều kiện kinh tế giàu, nghèo, mức sống cao thấp ....
- Văn hóa: các tập tục, tư tưởng, môi trường sống trong gia đình ... ảnh hưởng đến cuộc sống và tư duy của con người.
Các yếu tố trên gây ra các tác nhân ảnh hưởng tới tâm lý xã hội, là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh thuộc nội thương tình chí, bệnh về thể chất, cơ thể ...

CON NGƯỜI LUÔN THÍCH ỨNG VỚI HOÀN CẢNH TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI
Thời tiết, khí hậu, địa lý, tập quán, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội luôn ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe cũng như tinh thần con người, có thể theo su hướng có lợi hoặc có hại cho sức khỏe con người. Con người cần thích nghi với hoàn cảnh, chế ngự và cải tạo tự nhiên, xã hội để sinh tồn và phát triển. 
Muốn vậy con người cần có sức khỏe, tinh thần thoải mái, vững vàng. Chính khí dồi dào, cơ năng thích ứng của cơ thể với môi trường luôn luôn tạo quân bình ( cân bằng ) giữa các mặt âm, dương, khí huyết, tinh thần, tân dịch ...

ỨNG DỤNG TRONG Y HỌC

1/ HTTNHN chỉ đạo phòng bệnh chủ động: 
- Cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống con người một cách khoa học, đảm bảo môi trường cân bằng, hữu ích
- Chủ động rèn luyện cơ thể: thể dục, thể hao, dưỡng sinh, khí công, thiền ...
- Điều hòa Tâm tính, rèn Tâm, sửa tính cho hài hòa với môi trường xã hội
- Cải tạo, thay đổi hoặc hủy bỏ những tập quán lạc hậu, hủ lậu ... Xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

2/ HTTNHN chỉ đạo phòng bệnh thụ động
- Ăn uống sinh hoạt điều độ
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân 
- Sinh hoạt, lao động phù hợp vối sức khỏe, tuổi tác

3/ HTTNHN chỉ đạo nội dung của nguyên nhân sinh bệnh và vai trò của cơ thể với việc phát sinh bệnh:
- Trong tự nhiên có lục khí ( phong hàn thử thấp táo hỏa ) là nguyên nhân gây ra các bệnh ngoại cảm, khi trở thành tác nhân bệnh lục khí gọi là lục tà hay lục dâm.
- Trong xã hội con người có gây ra những yếu tố và tâm lý gọi là thất tình chí ( vui giận buồn lo nghĩ kinh sợ ) là nguyên nhân gây ra các bệnh nội thương.
- Con người là thực thể sống trong môi trường tự nhiên và xã hội luôn có khả năng để cân bằng với những thay đổi của môi trường sống, trường hợp tự bản thân cơ thể có những chuyển biến không tốt sẽ bị các tác nhân từ môi trường xâm phạm và sinh bệnh. Thường gọi là chính khí hư thì tà khí xâm phạm. 

4/ HTTNHN chỉ đạo nội dung, phương pháp chữa bệnh một cách toàn diện:
Kết hợp tất cả các phương pháp, cách thức lấy lại quân bình, bình hòa giữa nội bộ cơ thể con người và con người với môi trường xung quanh ( tự nhiên và xã hội )
- Nâng cao chính khí
- Tâm lý liệu pháp
- Dự phòng điều trị: Dưỡng sinh, khí công, thiền, thái cực quyền ...
- Ăn uống, bổi dưỡng, thực dưỡng 
- Dùng thuốc đông dược, tây dược,
- Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, diện chẩn, khí công y đạo ...
Thường chú trọng nâng cao chính khí của cơ thể ( bổ phần hư yếu ) rồi mới đến tấn công vào tác nhân gây bệnh.


13 tháng 12 2015

Cà gai leo


Link: http://tuelinh.vn/ca-gai-leo-155
Cà gai leo
1- Tên khác:
Cà vạnh, Cà cườm, Cà quánh, Cà quýnh.
2- Tên khoa học:
 Solanum hainanense hoặc Solanum procumbens Lour., họ Cà (Solanaceae).
 Cây mọc hoang nhiều nơi trong nước ta.
3- Bộ phận dùng:
Rễ (Thích gia căn), dây (Thích gia đằng)
4- Thành phần hoá học chính:
Rễ có alcaloid, tinh bột, flavonoid. Dây có alcaloid.
5- Công dụng:
Cây được dùng trị phong thấp, sâu răng, đau nhức các đầu gân xương, cảm cúm, ho, ho gà, dị ứng. Còn dùng trị rắn độc cắn, giải độc rượu, bia, chống say tàu xe.
Hiện nay Cà gai leo đã được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng điều trị viêm gan do virus, xơ gan và ung thư gan.
6- Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 16-20g dưới dạng thuốc sắc.
7- Một số đề tài nghiên cứu về cây cà gai leo
Cà gai leo được PGS.TS Phạm Kim Mãn, TS Nguyễn Thị Minh Khai – Viện dược liệu trung ương nghiên cứu từ những năm đầu của thập kỷ 90. Viện Dược liệu TW đã có 2 đề tài cấp nhà nước, 4 luận án tiến sỹ, nhiều luận văn nghiên cứu về Cà gai leo.

Trong báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cấp nhà nước “Điều trị hỗ trợ bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn tính thể hoạt động” bằng thuốc từ  Cà gai leo do viện dược liệu trung ương chủ trì đã đi đến kết luận: Thuốc từ cà gai leo có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng lâm sàng (mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, nước tiểu vàng, da và niêm mạc vàng); men gan (transaminase) và billirubin về bình thường nhanh hơn các nhóm chứng; sau điều trị những biến đổi các marker của siêu vi viêm gan B là rõ rệt tại các bệnh viện 103, 108, 354. Tỷ lệ âm tính với HBsAg đạt 23,3%, chuyển đảo huyết thanh 37,8%; 62,9% có HBVDNA < 5 copies/ml. Thuốc không gây một tác dụng ngoại ý nào trên lâm sàng và xét nghiệm. Các kết quả từ những nghiên cứu đều đi đến một kết luận Cà gai leo chính là đối trọng của Viêm gan siêu vi và là dược liệu có tác dụng làm âm tính siêu vi mạnh nhất hiện nay.

Đề tài cấp Nhà nước KHCN 1105 “Nghiên cứu thuốc từ cà gai leo làm thuốc chống viêm và ức chế sự phát triển của xơ gan” do TS. Nguyễn Thị Minh Khai cũng được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Theo kết quả nghiên cứu: Cà gai leo có tác dụng chống viêm và ức chê sinh tổng hợp colagen ở một số tổ chức mô liên kết.

Luận án do Nguyễn Thị Bích thu thực hiện cũng kết luận: dạng chiết toàn phần của Cà gai leo làm giảm trọng lượng u trên mô hình u thực nghiệm 42,2% và làm giảm hàm lượng colagen gan trên mô hình xơ gan là 27,0%. Kết quả đã chứng minh glycoalcaloid là hoạt chất chính có tác dụng ức chế sư phát triển của xơ gan, chống viêm, bảo vệ gan trong cao toàn phần của cà gai leo. Đã nghiên cứu phát hiện những tác dụng dược lý mới của Cà gai leo như tác dụng trên hệ miễn dịch, trên tế bào ung thư cũng như thử tác dụng trên gen gây ung thư của virus và gen ức chế ung thư P53 và Rb. Cho đến thời điểm này Cà gai leo là dược liệu duy nhất được chứng minh là kìm hãm và ngăn chặn xơ gan phát triển.

Cây thuốc nam trên sân thượng ngày 11.12.2015

 Cây lược vàng 

 Cà gai leo

 Phèn đen và dạ ngọc minh châu

 Cây dành dành 

Cây hoa hòe 

10 tháng 12 2015

Pháp chữa Tâm bệnh theo danh y Tuệ Tĩnh


Pháp chữa Tâm bệnh theo danh y Tuệ Tĩnh
Tuệ Tĩnh gọi là phép chữa bệnh tình chí
1/ Lo nghĩ, ưu tư quá sinh bệnh lấy giận mà chữa
2/ Mừng vui quá sinh bệnh lấy sợ hãi mà chữa
3/ Tức giận sinh bệnh lấy thương xót mà chữa
4/ Lo lắng sinh bệnh thì lấy mừng vui mà chữa
5/ Sợ quá sinh bệnh lấy lo nghĩ mà chữa
6/ Lo nghĩ sinh bệnh lấy sợ mà chữa
7/ Thương nhớ quá sinh bệnh lấy ghét mà chữa

07 tháng 12 2015

Bạch hoa xà thiệt thảo


Bạch hoa xà thiệt thảo tuy là vị thuốc mới được biết đến nhưng thường có mặt trong các bài thuốc giải độc, chữa bệnh về gan.
1. Mô tả:
Bạch hoa xà thiệt thảo, còn gọi với nhiều tên khác như xà thiệt thảo, mục mục sinh châu thảo, dương tu thảo, xà châm thảo, bạch hoa thập tự thảo, dịch kinh thảo, nam địa châu, tán thảo, trúc diệp thảo...
Trong cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS Đỗ Tất Lợi gọi loại cỏ này là cây lưỡi rắn, tên khoa học là Oldenlandia diffusa (Willd).
Ở Trung Quốc, cây này mọc nhiều ở các vùng tây nam và đông nam, được thu hái vào mùa hè và mùa thu. Ở Việt Nam, GS Đỗ Tất Lợi cho rằng cây này được tìm thấy nhiều ở các đường ray tàu hỏa hoặc những nơi ẩm thấp.
Bach hoa xà thiệt thảo là loài cỏ nhỏ, mọc bò lan sống hàng năm. Thân màu nâu nhạt, tròn ở gốc, thân non có bốn cạnh, mang rất nhiều cành.
Lá hình mác thuôn, dài khoảng 1,5 – 3,5 cm, rộng 1 – 2 mm, nhọn ở đầu, màu xám, dai, gần như không có cuống, lá kèm khía răng cưa ở đỉnh. Hoa mọc đơn độc, hoặc từng đôi ở nách lá.
Hoa nhỏ có 4 lá đài hình giáo nhọn, ống đài hình cầu. Tràng gồm 4 cánh hoa, 4 nhị dính ở họng ống tràng. Quả bế, bầu hạ, còn đài, hình cầu hơi dẹt ở 2 dầu, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ, có góc cạnh.
2. Tác dụng dược lý

KHOA ĐÔNG Y, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108
THẠC SỸ - BÁC SỸ HOÀNG KHÁNH TOÀN
Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, không độc, đi vào 3 kinh tâm, can và tỳ. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc. Dùng để trị chứng ho do phế nhiệt, viêm họng, viêm ruột thừa, kiết lỵ, sốt cao, hoàng đản, viêm khoang bụng, các chứng ung nhọt, rắn cắn...
Cũng theo BS Hoàng Khánh Toàn, bạch hoa xà thiệt thảo có những tác dụng dược lý như sau:
- Kháng khuẩn tiêu viêm:
Trên thực nghiệm ngoài cơ thể tác dụng không rõ ràng, riêng với tụ cầu vàng và trực khuẩn lỵ có khả năng ức chế nhẹ nhưng với nồng độ dịch chiết cao có thể ức chế được cả trực khuẩn mủ xanh và thương hàn.
Trên thỏ thực nghiệm gây viêm ruột thừa, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng phát huy khả năng chống viêm, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống võng mạc nội mô và hoạt lực của đại thực bào.

- Cải thiện công năng miễn dịch của cơ thể:
Nghiên cứu thực nghiệm trên chuột cho thấy bạch hoa xà thiệt thảo có thể tăng cường năng lực hoạt động của ConA và LPS đối với phản ứng tăng sinh của tế bào lách, nâng cao năng lực hoạt động của tế bào lympho T và B.
- Chống ung thư:
Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy bạch hoa xà thiệt thảo có khả năng ức chế tế bào ung thư, nhất là ung thư máu, nhưng trên cơ thể động vật thì tỏ ra không có phản ứng rõ rệt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tác dụng này của bạch hoa xà thiệt thảo mang tính không đặc hiệu.
- Tác dụng chống viêm gan và công năng tương tự như corticoid.
3. Tác dụng giải độc, chữa bệnh về gan:
Bạch hoa xà thiệt thảo tuy là vị thuốc mới được biết đến nhưng thường có mặt trong các bài thuốc giải độc, chữa bệnh về gan.
Trong cuốn "Dược học cổ truyền" do Bộ môn Dược học cổ truyền, trường Đại học Dược Hà Nội biên soạn có xếp loại cỏ này vào nhóm thảo dược giải độc.
Nghiên cứu còn cho thấy bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý gan mật liên quan đến virut viêm gan B.
Theo BS Hoàng Khánh Toàn, các nhà nghiên cứu thuộc Viện y học Hồ Nam số 2 (Trung Quốc) đã dùng bạch hoa xà thiệt thảo 312,5g, hạ khô thảo 312,5g, cam thảo 156,25g chế thành 500ml siro, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 25ml, liệu trình trị liệu 28 ngày.
Chiết xuất này dùng để chữa cho 72 bệnh nhân bị viêm gan cấp tính thể hoàng đản, đạt kết quả khỏi 45 bệnh nhân (62,5%), có hiệu quả 100%.
Các bài thuốc sử dụng bạch hoa xà thiệt thảo để phòng và chữa bệnh về gan như sau:
- Bài thuốc trị viêm gan, vàng da: Bạch hoa xà thiệt thảo 40g, hạ khô thảo 40g, cam thảo 16g. Ba thứ rửa sạch, sắc lấy nước đặc, chế thành xi rô để uống trong ngày. 
- Bài thuốc bảo vệ gan, lợi mật: Bạch hoa xà thiệt thảo, Hạ khô thảo, Cam thảo tỉ lệ 2 - 2 - 1 sắc uống.

29 tháng 11 2015

Giảo cổ lam


Các nhà khoa học đã thừa nhận rằng trong giảo cổ lam có hơn 100 loại saponin cấu trúc triterpen kiểu damaran, trong đó có nhiều loại giống với nhân sâm và tam thất.
1. Mô tả:
Giảo cổ lam hay còn gọi là ngũ diệp sâm, thất diệp đảm, Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino, họ bầu bí Curcubitaceae. Ở Nhật Bản cây này được gọi là cây trường sinh, Trung Quốc gọi là Jiaogulan, sâm nam.
Cây còn có nhiều tên thể hiện sự quý hiếm như ngũ diệp sâm, sâm phương nam, cây cỏ thần kỳ…
Giảo cổ lam có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá. Cây cái và cây đực riêng biệt. Lá kép có hình chân vịt.
Cụm hoa có hình chuỳ, nhiều hoa nhỏ màu trắng, cánh hoa rời nhau xoè hình sao, bao phấn dính thành đĩa, bầu có 3 vòi nhuỵ.
Quả khô có hình cầu, đường kính khoảng 5 – 9 mm, khi chín có màu đen.


2. Quá trình phát hiện cây quý:
Giảo cổ lam được coi là một dược liệu đầu vị quý ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển hạ, năm 1639, của Trung Quốc.

Năm 1976, Nhật Bản tình cờ phát hiện giảo cổ lam khi nghiên cứu một bộ lạc sống trên núi cao có tuổi thọ bình quân 98 tuổi. Họ phát hiện ra, người dân nơi đây dùng loại cây này chế biến thành trà và bào chế thành thuốc để tăng cường sức khỏe.
Các nhà khoa học Việt Nam cũng phát hiện giảo cổ lam ở vùng núi Phanxipăng, Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Theo nghiên cứu, giảo cổ lam Việt Nam có chất lượng tương đương với giảo cổ lam của Nhật Bản và Trung Quốc.
3. Dược tính của giảo cổ lam:
NGUYÊN HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘIGIÁO SƯ, TIẾN SĨ PHẠM THANH KỲ:
Giảo cổ lam làm hạ cholesterol toàn phần trong máu, làm tăng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng của cơ thể… Ngoài ra, hoạt chất gypenosid trong loại thực vật này giúp kìm hãm sự phát triển của khối u vì cơ chế giải độc mạnh và giúp điều chỉnh những rối loạn chuyển hóa ở cấp tế bào. (Theo VNExpress)
Các nhà khoa học đã thừa nhận rằng trong giảo cổ lam có hơn 100 loại saponin cấu trúc triterpen kiểu damaran, trong đó có nhiều loại giống với nhân sâm và tam thất. Nhờ đặc tính này mà giảo cổ lam còn được gọi là ngũ diệp sâm.
Tuy nhiên, giảo cổ lam có ưu thế hơn nhân sâm là có tới 80 loại trong khi nhân sâm chỉ có 20 loại.
Giảo cổ lam chứa nhiều Flavonoid, là hoạt chất có tác dụng sinh học cao, chống lão hóa mạnh. Ngoài ra, nó chứa nhiều acid amin tan trong nước, nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng như Zn, Fe, Se.
Những nghiên cứu về giảo cổ lam trên người và động vật đều cho thấy những kết quả rất đáng kinh ngạc.
Giảo cổ lam có tác dụng ức chế tăng cholesterol 71% theo phương pháp ngoại sinh và 82,08% theo phương pháp nội sinh, do đó, nó có tác dụng giảm mỡ máu rất mạnh.
Thử nghiệm trên chuột còn cho thấy giảo cổ lam có tác dụng tăng lực tới 214,2%. Với tác dụng tăng lực như trên, các vận động viên của Trung Quốc và Nhật Bản thường sử dụng giảo cổ lam trước các cuộc thi đấu và họ gọi loại cây này là Doping thiên nhiên.
Những người dân ở vùng núi cao thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc thường xuyên uống cây này và họ thường sống trên 100 tuổi.
Những công dụng chính của giảo cổ lam được kể đến như sau:
– Giúp bình ổn huyết áp, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa sơ vữa mạch, các tai biến về tim, mạch, não.
– Chống lão hóa, ngăn ngừa stress, giúp ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc.
– Ngăn ngừa ung thư não, phổi, dạ dày, thận, vú, tử cung, da, tuyến tiền liệt, tuyến giáp. Ngoài ra giảo cổ lam giúp bệnh nhân sau phẫu thuật, chiếu tia xạ, truyền hóa chất ăn ngủ tốt, mau hồi phục sức lực.
– Làm giảm đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, giúp giảm các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.
– Bảo vệ tế bào gan rất mạnh trước sự tấn công của các chất gây độc, làm tăng tiết mật và làm tăng đáp ứng miễn dịch tế bào khi chiếu xạ hoặc gây độc tế bào bằng hóa chất…
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Văn Sung – Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học: “Việc tìm thấy chất phanosid hạ đường huyết mạnh, gypenosid chống u và bây giờ là adenosin tốt cho tim mạch chứng minh chất lượng giảo cổ lam Việt Nam rất tốt.
Đây là loại cây đặc biệt rất cần được bảo vệ và phát triển thành những thuốc quý phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”.


Xem chi tiết: http://xuangiao.com/cay-co-than-ky-giup-nguoi-nhat-song-tho-co-nhieu-o-viet-nam.html#ixzz3sqyieG5z

26 tháng 11 2015

Sưu tầm bài thuốc chữa Thận suy, thận hư, thận nhiễm mỡ

Bài thuốc nam này đã cứu mạng được rất nhiều người do mắc chứng nan y về thận, đây là bài thuốc rất quí, bí truyền của gia đình, nhưng cuối cùng thì tôi quyết định “giải mã” với suy nghĩ cứu người là trên hết.

Những cây làm nên bài thuốc nầy cũng dễ tìm :

1- Rễ cây Chuối tiêu(chuối hờn, chuối già hương) ( Tên khoa học:Musa spp. họ Musaceae) ( Có hoặc không)

2- Rễ cây Dừa ( cây Dừa- Tên khoa học :Cocos nucifera L. họ Palmae )

3- Rễ cây Cau ( Cây cau-tên khoa học Areca catechu L. họ Palmae )

4- Rễ / lá của cây Lá Gai (Tên khoa học: Boehmeria nivea L.;(Urtica nivea L.) Họ Gai Gaud Urticaceae

5- Rễ cây Dứa (Gọi là cây dứa dại- Không phải cây Thơm);Tên khoa học: Pandanus odoratissimus L.f. (P. tectorius Park. ex Z.), thuộc họ Dứa dại – Pandanaceae.

6- Vỏ rễ hoặc vỏ thân cây Dâu tằm ( Cây Dâu-tên Khoa học Morus alba L họ Moraceae )

7- Vỏ rễ hoặc vỏ thân cây Sung-Có thể dùng vỏ thân cây sung ( Ficus glomerata Roxb.Var.chittagonga )

8- Vỏ rễ hoặc vỏ thân cây Ngái- Khó tìm thì dùng vỏ thân cây ngái ( Tên khoa học:Ficus hispida L. f.,họ Dâu tằm Moraceae)

9- Cây Tầm gửi ( không có tầm gửi trên cây bưởi, cây dâu tằm thì có thể dùng tầm gửi trên cây mít) ( tầm gửi dâu-tên Khoa học Ramulus loranthi, Họ Loranthaceae)

10-Cây Bìm bìm khu chén ( họ bìm bìm- Convolvulaceae )

11-Cây Nàng nàng ( tên khoa học Callicarpa cana L. họ Verbenaceae ) ( còn gọi là cây trứng ếch,..)

12-Cây Sả ( tên khoa học Cymbopogon nardus Rendl họ Lúa Gramineae )

13-Cây Thạch xương bồ ( tên khoa học Acorus gramineus Soland họ Araceae )

14-Cây Rau răm ( tên khoa học Polygonum odoratum Lour họ Polygonaceae ) (dành cho người bệnh nhưng kém tiêu hóa)

15-Cây Mã đề -Tên khoa học : Plantago asiatia L. Họ Plantaginaceae

16- Râu bắp ( ngô )-tên khoa học Stigmata maydis/ của cây Zea mays L họ Gramineae ( Nếu không đúng vụ thì cũng có thể không dùng)

17- Vỏ quả bưởi (bòng) Tên khoa học Citrus maxima, họ cam quit

Thêm : bệnh nhân Nam thêm Vỏ quít – bệnh nhân Nữ thì thêm Cỏ cú

(Bởi có câu : Nam bất thiểu Trần bì – Nam không thể thiếu vỏ quit .Nữ bất ly Hương phụ- Nữ không nên xa Cỏ cú)

Nên thu hái thuốc vào lúc trời nắng , nếu thu hái buổi sáng thì lấy phần phía đông, buổi chiều thì lấy phần phía tây.

Thu hái xong rửa sạch thái nhỏ,sao vàng khử thổ (có thể phơi khô để dành) . 

Mỗi loại dùng khoảng từ 15-30 gr (tươi) nếu đã phơi hay sấy khô thì ít hơn (từ 5 đến 10gr) 

Tùy theo bệnh nặng nhẹ, nguyên nhân bệnh, trẻ hay già, nam hay nữ… mà người làm thuốc gia giảm cho phù hợp để làm thành một thang thuốc sắc uống hàng ngày.

Sau ba ngày (đến 10 ngày với bệnh lâu năm) sẽ thấy hiệu nghiệm ! Tuy nhiên để chữa dứt điểm bệnh cần phải điều trị một thời gian cho bệnh dứt hoàn toàn

Trong trường hợp nhiễm độc kim loại nặng dùng bài thuốc nầy để điều trị thì rất tốt.

Đối với những bệnh nhận suy thận đã chuyển sang giai đoạn chạy thận có thể dùng bài thuốc nầy để chữa trị tiếp tục, hiệu quả đã được kiểm chứng thực tế.

Các loại thảo dược đã được đề cập trong bài thuốc đều là các cây có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm thức ăn ,thức uống cho người nên rất an toàn cho người sử dụng.

Món ăn bài thuốc cho người bệnh thân.

* Canh đậu phộng và tỏi

- Tác dụng: kiện tỳ, khử thấp, tiêu thũng, giải độc, thích hợp cho người bị phù thũng do bệnh thận, tỳ hư thấp thanh, triệu chứng thường thấy: tứ chi nặng nề, chi dưới sưng phù, ăn uống không ngon, tinh thần mệt mỏi, khó tiểu

- Nguyên liệu: đậu phộng hạt 150g, tỏi lớn 100g.

- Cách làm: Đậu phộng rửa sạch. Tỏi lột vỏ, rửa sạch. Cho cả 2 vào nồi đất, thêm vào lượng nước thích hợp, dùng lửa lớn nấu sôi, bớt lửa hầm đến khi đậu phộng mềm rụt, nêm gia vị là được.

- Món này chia ra dùng hết trong ngày.

* Cháo phục linh, đậu đỏ

- Tác dụng: hỗ trợ điều trị hội chứng bệnh thận

- Nguyên liệu: phục linh 25g, đậu đỏ 30g, táo lớn 10 quả, gạo 100g.

- Cách làm: Ngâm đậu đỏ nửa ngày, vớt ra rửa sạch, cùng phục linh, táo và gạo nấu cháo.

- Món này ăn thay cơm sáng và tối, nên ăn nóng.

* Cháo đậu đỏ, rễ tranh

- Tác dụng: hỗ trợ điều trị bệnh thận

- Nguyên liệu: rễ tranh tươi, đậu đỏ, gạo mỗi thứ 200g.

- Cách làm: Rễ tranh rửa sạch, bỏ vào nồi thêm vào lượng nước thích hợp nấu lấy nước bỏ bã. Gạo và đậu đỏ vo sạch, đổ nước rễ tranh vào nấu cháo.

- Món này chia 3 - 4 lần ăn hết trong ngày.

* Cháo ngô, đậu cô ve, táo

- Tác dụng: hỗ trợ điều trị hội chứng bệnh thận

- Nguyên liệu: hạt ngô, táo lớn mỗi thứ 50g, đậu cô ve 25g.

- Cách làm: Đậu cô ve rửa sạch, cắt đoạn nhỏ, cùng với ngô và táo nấu cháo.

- Món này mỗi ngày ăn 1 lần.

22 tháng 11 2015

Bàn về Tâm bệnh


Chúng ta thường nghe nói câu Tâm bệnh và luận theo quy nạp ngũ hành là sợ thì hại thận, vui mừng thì hại tâm, lo lắng thì hại tỳ, giận dữ thì hại can, buồn thì hại phế. Tiếp theo đưa ra pháp điều trị các chứng bệnh có liên quan đến các tạng phủ, vệ vinh khí huyết, huyệt vị kinh lạc, tinh khí thần ... để lấy lại cân bằng cho cơ thể, kèm theo lời khuyên cho việc giải quyết Tâm bệnh là bệnh nhân nên điều hoà tâm lý, giữ thăng bằng các cảm xúc, tình cảm để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ ... Như vậy việc chữa trị của chúng ta mới là ở phần ngọn ( nơi cơ thể - các tạng phủ, vệ vinh khí huyết, huyệt vị kinh lạc, tinh khí thần .. ) còn phần gốc ( Tâm bệnh ) thì thật là chưa đưa ra pháp chữa thoả đáng vậy. Chúng ta chữa các bệnh cho cơ thể bệnh nhân có thể thành công trong một giai đoạn, nhưng cái gốc là Tâm bệnh vẫn còn đó thì chả mấy người bệnh đó lại rơi vào vòng xoáy của nghiệp bệnh.
Tâm bệnh là thế nào đây ? Một vấn đề mông lung và nan giải vì nói đến cái Tâm thì đã là quá trừu tượng rồi, mà quá trừu tượng thì rất khó nắm bắt cách thức hoạt động của Tâm, cái nguyên nhân gây ra Tâm bệnh và pháp chữa như thế nào ? Khi người bệnh cứ dấy lên sự lo âu hay giận dữ hận thù, nóng nảy vội vàng, ghen ghét đố kỵ ... chúng ta khuyên họ hãy bình tĩnh, điều hoà được không ? Xin thưa với các quý vị rằng chỉ có thể được trong chốc lát, thậm chí không thể được vì trong họ cái duyên khởi tạo nên thứ tình chí đó cứ ngùn ngụt che mờ trí huệ nơi họ, quyết dẫn dắt họ theo nghiệp quả đã định. Dứt ra khỏi tình trạng đó ư, có thể cả đời người không thể thoát hoặc có thể đến thời điểm duyên nghiệp viên thành, đó cũng chính là nghĩa thọ nghiệp khổ của con người chúng ta. Cái thời điểm duyên nghiệp viên thành ở đây thật rộng lớn và vi diệu theo thuyết nhân quả bởi chỉ một nhân tố rất nhỏ của sự vật hiện tượng cũng có thể làm con người ta ngộ ra được cái Tâm mình đang lạc lối như thế nào, hoặc gặp được pháp vi diệu, hoặc có thể phải trả giá bằng tiền bạc, sinh mạng, bằng bệnh tật ... 

Xin thưa với quý vị, tôi đây là một con người bình thường, sống theo cuộc sống đời thường dân dã, không danh vọng, chức tước, tiền bạc thì chả dư giả ( chỉ tạm trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình trong cuộc sống đạm bạc thường ngày ), có điều thường đọc sách vở, chép ghi và ngẫm ngợi, tâm thường hướng tới việc thiện, tránh xa việc ác, đố kỵ, tham lam. Tôi cũng có thời gian dài may mắn thăm lễ chùa Hương hàng năm, và rồi thật may mắn trên con đường Tâm đạo là khi suy diễn sự sống chết và tò mò tìm hiểu cái ta là ai thì được dẫn dắt đến với Phật Pháp. Đến với Phật Pháp, bản thân tôi thấy luận về Pháp thật mông mênh, sách về kinh Phật, luận bàn thật vô lượng không kể hết, nhưng sau thời gian dài đọc ngẫm tôi cảm nhận và ý thức được rằng đạo Phật là đạo diệt khổ ban vui, giúp chúng sinh thoát kiếp khổ. Phần lý thuyết chính là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo còn phần thực hành là thiền quán ( Tứ Niệm Xứ ), tự nhận thấy rằng đạo Phật như là một môn khoa học về Tâm trong một sự trừu tượng bao hàm tất thảy mọi sự vật hiện tượng thuộc về thuyết nhân quả.
Khi thực hành thiền quán ( Tứ Niệm Xứ ), mặc dù bản thân chỉ ở mức sơ khai chưa đạt đến tầng sơ thiền, nhưng tôi cảm nhận rõ rằng Tâm có những quy luật có thể nhận thấy rõ là những lo âu, buồn, vui, ganh ghét, đố kỵ, tức giận ... ( thất tình chí ) được khởi lên trong Tâm ta theo một cách thức dẫn dắt, lôi kéo ý chí và ý thức của chúng ta, rồi từ đó điều khiến cơ thể ta hành động. Quá trình này diễn biến rất nhanh khiến bình thường chúng ta không nhận ra, chỉ đến một mức nào đó trong luyện tập thiền quán chúng ta sẽ nhận thấy điều này. Ngoài những thứ thuộc thất tình chí còn có nhiều thứ khởi lên trong tâm ta từ các giác quan ( âm thanh, mùi vị, cảm giác, hình ảnh ... ), hay ảo giác, hồi ức, vọng tưởng, một điều gì đó như ta đã từng trải qua ... Tất cả những thứ này và thất tình chí ta gọi chung là duyên khởi. Các duyên khởi này tự xuất hiện trong Tâm, nhiều lúc ý chí chúng ta không kiềm soát và kiềm chế nổi bởi mức độ và tần suất của nó, nó khiến cơ thể chúng ta hành động để tạo nghiệp và chỉ khi tạo nghiệp rồi thì ý chí của chúng ta mới lại được các duyên khởi khác dẫn dắt để ngộ ra sự sai lầm hay sự đúng đắn của các hành động trước đây.
Cũng qua luyện tập thiền quán tôi cảm nhận được cách thức mà thiền Tứ Niệm Xứ xoá bỏ được những duyên khởi dấy lên nơi Tâm, đó chính là quán niệm. Với phương thức niệm tên tất cả những gì chúng ta thấy, cảm nhận thấy chính là ta bắt ý chí, ý thức chúng ta nắm bắt những duyên khởi dấy lên ở Tâm ta và như vậy không còn chỗ trống để chúng ta chuyển ý nghĩ sang hành động của cơ thể, đương nhiên như vậy thì nghiệp quả được dẫn dắt từ Tâm sẽ không viên thành và cơ thể chúng ta sẽ được nghỉ ngơi. Chuỗi nghiệp quả bị cắt đứt sẽ kéo theo các duyên khởi dấy lên từ Tâm sẽ dần bị đoạn trừ. Dần dần Tâm ta ít các duyên khởi dấy lên và đến một thời điểm nảo đó khi ý chí chúng ta nắm bắt và niệm song hành với bất kỳ một duyên khởi nào dấy lên trong Tâm sẽ dẫn tới trạng thái Tâm tĩnh lặng ( định Tâm ). Với cách thức như vậy thì thiền Tứ Niệm Xứ chính là pháp chữa Tâm bệnh mà không vị thuốc cũng như pháp chữa nào khác hiệu nghiệm hơn.
Cũng qua những chia sẻ ở trên, bản thân tôi cho rằng chúng ta hầu như ai cũng có Tâm bệnh, bởi chưa loại trừ hết tham sân si, chưa xoá bỏ hoàn toàn thất tình chí, vậy đều có Tâm bệnh và đều có nguy cơ khiến Thân bị bệnh bởi Tâm dẫn dắt Ý, Ý điều khiển Thân, Thân hành động. Trường hợp đạt trạng thái Tâm tĩnh lặng ( định tâm ) hoặc cao hơn nữa ta cũng phải luôn luôn tu tập và phòng chữa bệnh vì môi trường quanh ta xâm nhập vào các giác quan, bộ phận cơ thể từng giây, từng phút khiến tấm thân ta bị hư hoại dần mòn rồi đến lúc huỷ hoại ... vậy nên về cơ thể thì cõi Phật vẫn trong cõi sinh diệt. 
Ngày chủ nhật dông dài, kẻ dân dã này có đôi phút khua môi múa mép, có gì mạo phạm mong các bậc cao minh soi xét mà bỏ quá cho vì sở học và thực hành đạo Phật còn nông cạn, hiểu biết về mọi mặt còn nhiều thiếu sót. Cũng mong sự chỉ giáo của tất cả mọi người ! Chân thành cám ơn !

Chú giải:
1/ Tứ Niệm Xứ - là pháp thiền nguyên thuỷ mà Phật đã chỉ dạy, sau đó được các Phật tử lưu truyền đến ngày nay. Thường gọi tắt là Thiền quán hay Thiền Phật.
2/ Thất tình chí - là bẩy trạng thái tình cảm của con người ( vui mừng, giận dữ, thương yêu, buồn đau, lo nghĩ, sợ hãi, ghét ). Có sách nói "Thất tình" là: Hỷ - Nộ - Ưu - Tư - Bi - Khủng - Kinh. "Hỷ" là vui vẻ, sung sướng; "nộ" là tức giận; "ưu" là u sầu, buồn bã; "tư" là tư lự, lo nghĩ, "bi" là đau buồn, đau thương; "khủng" là sợ hãi; "kinh" là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, "thất tình chí" được sử dụng để chỉ 7 loại "tình chí" (tình cảm, tinh thần) - có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật. Có sách nói thất tình chí gồm: hỷ, nộ, ái, ố, uý, ưu, bi. Sách Tam tự kinh viết thất tình chí là: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục ( vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét, ham muốn )
3/ Tham sân si - là 3 phạm trù thuộc về Tâm của đạo Phật ( tham lam, sân hận, si mê ).
4/ Quán niệm - là quán sát và niệm. Quán sát là dùng cái ý chí, trí tuệ của mình để quan sát, theo dõi các cảm nhận, cảm giác, tâm tưởng ... xuất hiện ở môi trường xung quanh tác động vào ta, ở trong thân thể ta, ở trong tâm ta. Niệm là đọc tên nội dung tương ứng với các cảm nhận, cảm giác mà bản thân quán sát được, niệm là cách đọc mà không thành tiếng, không mấp máy môi ( đọc trong đầu ).
5/ Duyên khởi - là tên gọi chung cho các cảm nhận, cảm giác, tâm tưởng xuất hiện khi quán sát.