Chúng ta, những người không theo được đủ các đạo hạnh và thực hiện đây đủ được các pháp nhà Phật khi nghe nói tới cảnh giới Đắc Đạo, hay sự Giác ngộ, Giải Thoát, cõi Niết Bàn sẽ nghĩ ngay đến một cảnh giới cao siêu, thần thánh và Vĩnh Hằng của các vị Phật, Thánh. Nhưng khi đứng trên góc độ con người bình thường với tư duy về một thế giới vật chất hiện hữu để suy ngẫm về một con người đã tu tập và đạt tới cảnh giới đó sẽ nhận ra một điều rằng: đã là con người thì vẫn phải tuân theo quy luật bất biến của tự nhiên: sinh ; già ; bệnh ; chết bất kể đó là người thường hay một vị Phật. Vậy cảnh giới cao kia thực sự là gì khi mà thân xác con người không thể tồn tại Vĩnh hằng ở thế gian này ?
Với sự cảm nhận những sự vật và quy luật của một kẻ phàm phu sống trong thế giới đương thời này, tại hạ xin được mạo muội giãi bày những phân tích của mình về sự giác ngộ và giải thoát mà Đức Phật đã nói đến từ xa xưa.
Thân và Tâm - Hai nhân tố nói đến trong sự giải thoát của đạo Phật.
Con người chúng ta khi đang sống ở thế gian này gồm hai thành phần CƠ THỂ và LINH HỒN ( TÂM )
CƠ THỂ, được cấu tạo bởi vật chất là các tế bào và một phần mơ hồ chưa xác định được theo thế giới vật chất đó là những suy nghĩ, tưởng tượng, cảm xúc … gọi nôm na là TINH THẦN ( linh hồn ); theo nhà Phật thì hai phần trong con người đó là Thân và Tâm.
THÂN chúng ta như là một cỗ máy, nhưng nó vô cùng tinh vi và kỳ diệu. TÂM chúng ta lại là một thực thể vô hình còn vi diệu hơn nữa. Thân và Tâm của mỗi người được gắn kết với nhau tạo thành một con người duy nhất không có bản sao chép tương tự trong thế giới loài người.
THÂN là sự hiện diện của con người trong thế giới vật chất, còn TÂM là một … luồng sinh khí để vận hành, dẫn hướng cho những hoạt động của thân.
Thân là cỗ máy chứa đựng tâm, hoạt động theo sự dẫn hướng của tâm; Tâm nương tựa, ẩn náu ở nơi thân, chi phối mọi hoạt động, biến đổi nơi thân.
Những dẫn dắt đến với tại hạ về Thân:
Ở đây tại hạ không nói đến những điều tinh vi và kỳ diệu của cấu tạo cơ thể con người ( THÂN - lĩnh vực này loài người chúng ta cũng chỉ mới khám phá được một phần rất nhỏ của những bí ẩn mà tạo hoá đã tạo ra ) mà tại hạ muốn nói đến những liên quan của Thân với Tâm trong cảnh giới giác ngộ và giải thoát.
Thân có ý nghĩa và giá trị như thế nào với sự giác ngộ và giải thoát của con người ?
Thân là một cỗ máy chứa đựng tâm và thực hiện, truyền đạt những dẫn dắt từ tâm với thế giới bên ngoài của con người. Thân vô thường theo Phật Pháp là sự quán chiếu và nói lên sự thật về cái không Vĩnh hằng của thân. Thân sẽ bị hủy hoại và tan biến theo thời gian. Hiện loài người chúng ta chưa có một phương cách nào để có thể duy trì được sự Vĩnh hằng của thân. Thân là một cỗ máy vật chất được tạo thành bởi các tế bào sống, và như chúng ta đã biết thì tế bào sống cần năng lượng mà năng lượng thì không tự nhiên sinh ra và mất đi, chúng ta phải cung cấp năng lượng cho cơ thể để nuôi các tế bào. Vậy là chúng ta có sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng để nuôi cơ thể, đây cũng là ngọn nguồn của những nỗi khổ mà con người phải gánh chịu; “ có thân thì có khổ, có khổ mới nên thân “; hay như trong chuyện Kiều:
“ Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần, phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao “
Rồi thân hủy hoại theo quy luật sinh lão mệnh tử, bao đau đớn, khổ nhọc với tấm thân của con người.
Nhưng những nỗi khổ con người gánh chịu về Thân vẫn chỉ là cái hữu hình có thể nhìn thấy. Thân già, bệnh gây ra những nỗi khổ phản hồi tới tâm những đau đớn và bao buồn khổ. Cũng có những niềm vui nơi Thân tạo cho tâm bao hứng khởi và hưng phấn, mong muốn, … rồi lại đau khổ vì không thỏa mãn được những mong muốn đó. Tất cả những điều đó khiến chúng ta cứ ngỡ một cái ta duy nhất Thân Tâm trong cơ thể. Thực chất Thân và Tâm có rất nhiều sự cách xa.
Thân sẽ tuân theo quy luật vô thường sinh già bệnh chết, bất luận chúng ta là ai và sự giải thoát trong đạo Phật về thân là biết thân vô thường, biết thân có sinh có diệt là lẽ thường để giải thoát sự bám víu nơi thân. Khi biết được sự vô thường của thân thì chúng ta đã đến được với giải thoát về thân. Từ sự sinh diệt trở thành không sinh không diệt trong quy luật vô thường của thân. Nhưng thân lại là nơi chứa đựng tâm, một cái tâm có thể chưa được giải thoát. Thân là một phương tiện, một ngôi nhà cho tâm trú ngụ. Có thể một tấm thân kiếp này và rất nhiều kiếp nữa cũng chưa đủ để gánh vác tâm đến bến bờ giải thoát.
Quy luật của Tâm:
1- Biến đổi không ngừng
Đó là cái tâm vô thường, luôn biến đổi trạng thái: vui, buồn, giận, hận, mơ mộng, bình thản, lo âu, hồi hộp, hoảng sợ, …. Gọi là hỉ nộ ái ố.
2- Chịu sự ảnh hưởng của các giác quan
Con người có nhiều giác quan: xúc giác ( cảm nhận mọi vật qua tiếp xúc bề mặt ); vị giác ( cảm nhận vị qua miệng, lưỡi ); thính giác ( cảm nhận âm thanh qua nghe ở Tai ); thị giác ( cảm nhận hình ảnh, ánh sáng qua đôi mắt ); khướu giác ( cảm nhận mùi hương qua mũi); còn một số giác quan đặc biệt mà rất hiếm người có được như giác quan về tâm linh, cảm nhận xuyên không gian, thời gian …
3- Ghi nhận những cảm giác từ thân một cách tự nhiên và chủ động. Khi ghi nhận chủ động sẽ dẫn tới điều phối thân và khắc phục những lỗi phát sinh nơi thân.
Đây là một phần rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng của thân, là mối quan hệ tương hỗ và gắn kết giữa tâm với thân, một quy luật của tâm đã được con người chúng ta phát hiện và khai thác để chữa bệnh, luyện dưỡng sinh, phát huy các khả năng của thân ( thiền động, yoga, luyện các phép thần thông, luyện khí công, pháp luân công, thiền chữa bệnh của thân … )
4- Có những vọng tưởng, trạng thái bất chợt xuất hiện rồi lại mất đi ( trực giác hay còn gọi là giác quan thứ sáu là một phần nhỏ trong quy luật này của Tâm ).
Đây là một điểm đặc biệt của tâm. Nó như một luồng sinh khí từ suối nguồn xâm nhập vào tâm ta từng phút giây, từng bối cảnh thay đổi cảm nhận được từ các giác quan ( sát na ), nó hòa quện cùng những dữ liệu được đưa đến từ các giác quan hoặc tự phát ra để dẫn hướng đến từng suy nghĩ, hành động của chúng ta. Luồng sinh khí này đưa đẩy cuộc đời chúng ta đến những cảnh giới khác nhau, mở ra những chân trời tốt đẹp mới hoặc vùi dập chúng ta xuống nhiều tầng địa ngục.
Suối nguồn này chính là những chủ thể tạo ra sự biến đổi không ngừng của tâm. ( Chính những luồng sinh khí này đã dẫn dắt tôi viết ra những dòng chữ mà quý vị đang đọc đó ).
5- Ghi nhận những biến đổi của Tâm một cách tự nhiên và chủ động. Khi ghi nhận một cách chủ động sẽ dẫn đến trạng thái tĩnh lặng của tâm ( điều phục và định tâm ).
Đây là một quy luật tối quan trọng của tâm để giúp chúng ta tiến tới một cảnh giới cao hơn và có thể gọi là giải thoát vậy.
Thân và Tâm như thế nào khi con người được giải thoát ( giác ngộ hay đắc đạo )
Với nhà Phật, các giáo lý không nói nhiều đến thân trong thiền định lúc chứng đắc ( đạt cảnh giới giải thoát ). Có một số nội dung về quán thân, chúng ta cảm nhận được nội dung chủ yếu quán về quá trình sinh, lão, bệnh, tử, quán về các bộ phận cấu tạo lên cơ thể ( nhưng mơ hồ do thời đó con người chưa biết nhiều đến các bộ phận, cấu tạo của cơ thể ). Quán cảm thọ về các cảm nhận về thân của tâm: nóng, lạnh, run, mỏi mệt, đau đớn, ngứa, xót …
Tất cả những nội dung trên gọi chung là pháp quán thân vô thường.
Đã là con người thì thân xác vô thường, vẫn phải tuân theo quy luật của tự nhiên đó là sinh lão bệnh tử. Kể cả những con người tu hành đắc đạo, những người đã giác ngộ hay như Phật Thích Ca cũng vậy. Vậy nên giáo lý nhà Phật chỉ coi thân là ngôi nhà chứa tâm trong cõi tạm. Sự giải thoát mà Phật nói đến trong những thuyết giảng của mình chỉ về phần Tâm trong con người.
Vậy là khi con người đắc đạo ( giải thoát ) thì thân xác vẫn bị hủy diệt theo thời gian với quy luật tự nhiên. Còn Tâm chúng ta đã được giải thoát, đoạn diệt khỏi khổ đau, không bị luân hồi trói buộc và sẽ tồn tại ở một nơi nào đó, một thế giới mà người thường chúng ta chưa bao giờ thấy, cảm nhận được.
Sao mà phải giải thoát và giải thoát cái gì ? Giải thoát khỏi cái gì ?
Điều cốt tủy của đạo Phật là nhận diện được cái khổ, nguyên nhân của khổ, cách cái khổ vận hành, cách diệt khổ ( thoát khổ- hay còn gọi là giải thoát ). Quy luật về khổ có sẵn trong thế giới loài người và muôn vật, Phật là người đã tìm ra và diễn giải cho chúng ta biết, hướng dẫn cho chúng ta cách để con người chúng ta giải thoát khỏi nó.
Cuộc sống con người chúng ta có khổ có vui. Vui là sung sướng tấm thân, đạt được những mong muốn về công danh, tài lộc, yêu đương, … . Khổ là ốm đau, già bệnh, chết đi, hay buồn sầu bi ai, thù hận ghen ghét, thất bại không toại nguyện ước muốn, … .
Vui lại là nguyên nhân của khổ bởi điều vui ta mong muốn khi không đạt được sẽ sinh ra khổ. Ví dụ: mong muốn luôn khoẻ mà bệnh tật ập đến sẽ thấy khổ buồn; mong muốn công việc thành công khi gặp thất bại sẽ thất vọng, buồn; khi muốn người khác nghe theo mình mà họ không nghe thì sinh tức giận …
Một chuỗi những điều bất toại nguyện trong khi mong muốn của con người không ngừng gia tăng do tâm tham luôn phát sinh và dẫn dắt.
Sao mà phải giải thoát ? Bởi con người chúng ta bị vùi dập, trói buộc trong khổ đau. Thoát khỏi khổ đau là chúng ta tiến tới giải thoát, mọi ràng buộc trong bể trầm luân được cởi trói cho cuộc sống thư thái.
Vậy khi mà tâm cứ chồng chất thêm những hỉ nộ ái ố của đời thì thì sao để thoát ra đây. Thân cũng chất chồng thêm sự già đi, luyến ái sâu thêm, đau yếu, bệnh tật xâm nhập … làm sao không khổ đây. Phật ngộ ra con đường đó, con đường của giới - định - tuệ. Thực hành thiền và giữ giới ( tránh tham dục, sân si ).
…………. ( còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét