Chúng ta thường nghe nói câu Tâm bệnh và luận theo quy nạp ngũ hành là sợ thì hại thận, vui mừng thì hại tâm, lo lắng thì hại tỳ, giận dữ thì hại can, buồn thì hại phế. Tiếp theo đưa ra pháp điều trị các chứng bệnh có liên quan đến các tạng phủ, vệ vinh khí huyết, huyệt vị kinh lạc, tinh khí thần ... để lấy lại cân bằng cho cơ thể, kèm theo lời khuyên cho việc giải quyết Tâm bệnh là bệnh nhân nên điều hoà tâm lý, giữ thăng bằng các cảm xúc, tình cảm để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ ... Như vậy việc chữa trị của chúng ta mới là ở phần ngọn ( nơi cơ thể - các tạng phủ, vệ vinh khí huyết, huyệt vị kinh lạc, tinh khí thần .. ) còn phần gốc ( Tâm bệnh ) thì thật là chưa đưa ra pháp chữa thoả đáng vậy. Chúng ta chữa các bệnh cho cơ thể bệnh nhân có thể thành công trong một giai đoạn, nhưng cái gốc là Tâm bệnh vẫn còn đó thì chả mấy người bệnh đó lại rơi vào vòng xoáy của nghiệp bệnh.
Tâm bệnh là thế nào đây ? Một vấn đề mông lung và nan giải vì nói đến cái Tâm thì đã là quá trừu tượng rồi, mà quá trừu tượng thì rất khó nắm bắt cách thức hoạt động của Tâm, cái nguyên nhân gây ra Tâm bệnh và pháp chữa như thế nào ? Khi người bệnh cứ dấy lên sự lo âu hay giận dữ hận thù, nóng nảy vội vàng, ghen ghét đố kỵ ... chúng ta khuyên họ hãy bình tĩnh, điều hoà được không ? Xin thưa với các quý vị rằng chỉ có thể được trong chốc lát, thậm chí không thể được vì trong họ cái duyên khởi tạo nên thứ tình chí đó cứ ngùn ngụt che mờ trí huệ nơi họ, quyết dẫn dắt họ theo nghiệp quả đã định. Dứt ra khỏi tình trạng đó ư, có thể cả đời người không thể thoát hoặc có thể đến thời điểm duyên nghiệp viên thành, đó cũng chính là nghĩa thọ nghiệp khổ của con người chúng ta. Cái thời điểm duyên nghiệp viên thành ở đây thật rộng lớn và vi diệu theo thuyết nhân quả bởi chỉ một nhân tố rất nhỏ của sự vật hiện tượng cũng có thể làm con người ta ngộ ra được cái Tâm mình đang lạc lối như thế nào, hoặc gặp được pháp vi diệu, hoặc có thể phải trả giá bằng tiền bạc, sinh mạng, bằng bệnh tật ...
Xin thưa với quý vị, tôi đây là một con người bình thường, sống theo cuộc sống đời thường dân dã, không danh vọng, chức tước, tiền bạc thì chả dư giả ( chỉ tạm trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình trong cuộc sống đạm bạc thường ngày ), có điều thường đọc sách vở, chép ghi và ngẫm ngợi, tâm thường hướng tới việc thiện, tránh xa việc ác, đố kỵ, tham lam. Tôi cũng có thời gian dài may mắn thăm lễ chùa Hương hàng năm, và rồi thật may mắn trên con đường Tâm đạo là khi suy diễn sự sống chết và tò mò tìm hiểu cái ta là ai thì được dẫn dắt đến với Phật Pháp. Đến với Phật Pháp, bản thân tôi thấy luận về Pháp thật mông mênh, sách về kinh Phật, luận bàn thật vô lượng không kể hết, nhưng sau thời gian dài đọc ngẫm tôi cảm nhận và ý thức được rằng đạo Phật là đạo diệt khổ ban vui, giúp chúng sinh thoát kiếp khổ. Phần lý thuyết chính là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo còn phần thực hành là thiền quán ( Tứ Niệm Xứ ), tự nhận thấy rằng đạo Phật như là một môn khoa học về Tâm trong một sự trừu tượng bao hàm tất thảy mọi sự vật hiện tượng thuộc về thuyết nhân quả.
Khi thực hành thiền quán ( Tứ Niệm Xứ ), mặc dù bản thân chỉ ở mức sơ khai chưa đạt đến tầng sơ thiền, nhưng tôi cảm nhận rõ rằng Tâm có những quy luật có thể nhận thấy rõ là những lo âu, buồn, vui, ganh ghét, đố kỵ, tức giận ... ( thất tình chí ) được khởi lên trong Tâm ta theo một cách thức dẫn dắt, lôi kéo ý chí và ý thức của chúng ta, rồi từ đó điều khiến cơ thể ta hành động. Quá trình này diễn biến rất nhanh khiến bình thường chúng ta không nhận ra, chỉ đến một mức nào đó trong luyện tập thiền quán chúng ta sẽ nhận thấy điều này. Ngoài những thứ thuộc thất tình chí còn có nhiều thứ khởi lên trong tâm ta từ các giác quan ( âm thanh, mùi vị, cảm giác, hình ảnh ... ), hay ảo giác, hồi ức, vọng tưởng, một điều gì đó như ta đã từng trải qua ... Tất cả những thứ này và thất tình chí ta gọi chung là duyên khởi. Các duyên khởi này tự xuất hiện trong Tâm, nhiều lúc ý chí chúng ta không kiềm soát và kiềm chế nổi bởi mức độ và tần suất của nó, nó khiến cơ thể chúng ta hành động để tạo nghiệp và chỉ khi tạo nghiệp rồi thì ý chí của chúng ta mới lại được các duyên khởi khác dẫn dắt để ngộ ra sự sai lầm hay sự đúng đắn của các hành động trước đây.
Cũng qua luyện tập thiền quán tôi cảm nhận được cách thức mà thiền Tứ Niệm Xứ xoá bỏ được những duyên khởi dấy lên nơi Tâm, đó chính là quán niệm. Với phương thức niệm tên tất cả những gì chúng ta thấy, cảm nhận thấy chính là ta bắt ý chí, ý thức chúng ta nắm bắt những duyên khởi dấy lên ở Tâm ta và như vậy không còn chỗ trống để chúng ta chuyển ý nghĩ sang hành động của cơ thể, đương nhiên như vậy thì nghiệp quả được dẫn dắt từ Tâm sẽ không viên thành và cơ thể chúng ta sẽ được nghỉ ngơi. Chuỗi nghiệp quả bị cắt đứt sẽ kéo theo các duyên khởi dấy lên từ Tâm sẽ dần bị đoạn trừ. Dần dần Tâm ta ít các duyên khởi dấy lên và đến một thời điểm nảo đó khi ý chí chúng ta nắm bắt và niệm song hành với bất kỳ một duyên khởi nào dấy lên trong Tâm sẽ dẫn tới trạng thái Tâm tĩnh lặng ( định Tâm ). Với cách thức như vậy thì thiền Tứ Niệm Xứ chính là pháp chữa Tâm bệnh mà không vị thuốc cũng như pháp chữa nào khác hiệu nghiệm hơn.
Cũng qua những chia sẻ ở trên, bản thân tôi cho rằng chúng ta hầu như ai cũng có Tâm bệnh, bởi chưa loại trừ hết tham sân si, chưa xoá bỏ hoàn toàn thất tình chí, vậy đều có Tâm bệnh và đều có nguy cơ khiến Thân bị bệnh bởi Tâm dẫn dắt Ý, Ý điều khiển Thân, Thân hành động. Trường hợp đạt trạng thái Tâm tĩnh lặng ( định tâm ) hoặc cao hơn nữa ta cũng phải luôn luôn tu tập và phòng chữa bệnh vì môi trường quanh ta xâm nhập vào các giác quan, bộ phận cơ thể từng giây, từng phút khiến tấm thân ta bị hư hoại dần mòn rồi đến lúc huỷ hoại ... vậy nên về cơ thể thì cõi Phật vẫn trong cõi sinh diệt.
Ngày chủ nhật dông dài, kẻ dân dã này có đôi phút khua môi múa mép, có gì mạo phạm mong các bậc cao minh soi xét mà bỏ quá cho vì sở học và thực hành đạo Phật còn nông cạn, hiểu biết về mọi mặt còn nhiều thiếu sót. Cũng mong sự chỉ giáo của tất cả mọi người ! Chân thành cám ơn !
Chú giải:
1/ Tứ Niệm Xứ - là pháp thiền nguyên thuỷ mà Phật đã chỉ dạy, sau đó được các Phật tử lưu truyền đến ngày nay. Thường gọi tắt là Thiền quán hay Thiền Phật.
2/ Thất tình chí - là bẩy trạng thái tình cảm của con người ( vui mừng, giận dữ, thương yêu, buồn đau, lo nghĩ, sợ hãi, ghét ). Có sách nói "Thất tình" là: Hỷ - Nộ - Ưu - Tư - Bi - Khủng - Kinh. "Hỷ" là vui vẻ, sung sướng; "nộ" là tức giận; "ưu" là u sầu, buồn bã; "tư" là tư lự, lo nghĩ, "bi" là đau buồn, đau thương; "khủng" là sợ hãi; "kinh" là kinh hãi, sửng sốt quá mức. Trong Đông y, "thất tình chí" được sử dụng để chỉ 7 loại "tình chí" (tình cảm, tinh thần) - có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật. Có sách nói thất tình chí gồm: hỷ, nộ, ái, ố, uý, ưu, bi. Sách Tam tự kinh viết thất tình chí là: hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục ( vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét, ham muốn )
3/ Tham sân si - là 3 phạm trù thuộc về Tâm của đạo Phật ( tham lam, sân hận, si mê ).
4/ Quán niệm - là quán sát và niệm. Quán sát là dùng cái ý chí, trí tuệ của mình để quan sát, theo dõi các cảm nhận, cảm giác, tâm tưởng ... xuất hiện ở môi trường xung quanh tác động vào ta, ở trong thân thể ta, ở trong tâm ta. Niệm là đọc tên nội dung tương ứng với các cảm nhận, cảm giác mà bản thân quán sát được, niệm là cách đọc mà không thành tiếng, không mấp máy môi ( đọc trong đầu ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét