Hiển thị các bài đăng có nhãn LÊ HỮU TRÁC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LÊ HỮU TRÁC. Hiển thị tất cả bài đăng

04 tháng 9 2021

Cứu người trong một số tình huống nguy cấp theo cụ Lê Hữu Trác

 ( Nội dung được viết trong quyển Hải Thượng y tông tâm lĩnh, tập vệ sinh yếu quyết, mục 14 - Điều dưỡng bệnh nhân - Sách của cụ Lê Hữu Trác )

...................

Ngoài cách chữa trị thông thường

Cũng nên biết cách đề phòng lúc nguy

Cứu người bổ ngã tường đè

Bỗng dưng chết ngất, cần dè chuyển lay

Động di khí loạn nguy ngay

Dần dà khí huyết phục hồi thì hơn

Cứu người bị bỏng lửa hun

Chớ nên ngâm lạnh đắp bùn mà nguy

Trong uống thanh bổ tâm tỳ 

Mật ong, thuốc bỏng bôi thì đỡ ngay

Phạm phòng ngừng thở đôi khi

Khuyên người phụ nữ để y trên mình

Chớ vì xấu hổ mà kinh

Lăn xuống thì chết vô tình sát phu

Cứu người chết đuối bến đò

Chớ nên dốc thẳng chồng giò lên trên

Nước đè thì khí tuyệt liền

Chỉ cần nằm chếch nước bèn chảy ra

Cứu người trúng nắng đường xa

Chớ nên uống lạnh mới là được yên

Cho nằm chỗ ướt không nên

Chườm nóng vào rốn dần dần tỉnh ra

Gọi là mấy phép phòng ngừa

Ta nên hiểu biết để cho đỡ lầm

...



12 tháng 2 2020

Phòng chống dịch bệnh theo cụ Lê Hữu Trác

       ( Đại dịch corona đang hoành hành, nhân tiện xem lại cuốn Hải Thượng y tông tâm lĩnh của cụ Lê Hữu Trác thấy có bài viết của cụ liên quan đến cách phòng chống dịch của người xưa bèn trích đăng lên đây để quý vị tham khảo ).
Bài thuốc đáng lưu ý của cụ Lê Hữu Trác được ghi trong “ Vệ sinh yếu quyết ca “ thuộc quyển Hải Thượng y tông tâm lĩnh:

“ Hễ khi ôn dịch phát ra
Dự phòng uống tỏi, bạc hà, lá thông
Nữ thanh, bục dục nên dùng
Lại hun Bồ kết, đàn hương trong nhà
Có dịch thì chớ lân La
Cần nên nút mũi khi ra ngoài đường
Dùng bông bọc tỏi, hùng hoàng
Khi thăm người bệnh lại càng không quên
Chuyện trò đối diện chớ nên
Về nhà tẩy uế mới yên trong lòng
Trong nhà người bệnh ở cùng
Chớ nên chung chạ đồ dùng phòng lây
Nhất là lao trái truyền thi
Đề phòng truyền nhiễm trường kỳ mới yên
....
Ngăn ngừa ôn độc phát ban
Thạch cao, nút áo, lá Chàm uống ngay
Thấp ôn tê mỏi chân tay
Đau lưng nghẹt mũi bệnh này ít lo
Cần nên mặc ấm ăn no
Uống đơn: Hương phụ, tía tô, Trần bì
Phong ôn phát sốt li bì
Cát căn, kinh giới uống thì cũng qua ... “




Lời bàn của tại hạ:
* Cặp đôi cát căn và kinh giới là hai vị thuốc giải biểu, phối hợp giữa tính ấm và mát. Kết hợp này giúp cơ thể bên trong thì thanh mát, bên ngoài thì khu trừ tà khí. Cát căn còn có tác dụng thư cân giúp người bệnh giảm đau mỏi cơ thể.
* Cặp ba thạch cao, nút áo, lá chàm là sự kết hợp các vị thuốc có tính thanh mát, đại hàn cùng tiêu giải độc. 
Theo sách " dược tính ca quát tứ bách vị " thì Thạch cao vị cay, ngọt, tính rất lạnh ( tân cam đại hàn ), thanh nhiệt ở khí phận, thực hỏa ở phế vị mà trừ phiền khát, kiêm giải nhiệt ở cơ biểu. Chứng thực nhiệt ở khí phận phế vị thì coi là vị thuốc được chọn đầu tiên.
Vị thuốc nút áo ( cây cúc áo ) theo sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi thì cây có vị cay, tê. ( không nói đến tính dược ), được dùng chữa các bệnh như đau đầu, chữa đau răng, khử khuẩn, các bệnh về họng và răng lợi.
Lá chàm ( chế ra vị thuốc thanh đại ): theo " dược tính ca quát tứ bách vị " thì vị mặn, tính hàn tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, thường chữa huyết nhiệt phát ban, can nhiệt kinh phong, giải độc. Chủ trị nhiệt độc ở phần huyết.
Kết hợp 3 vị thuốc trên sẽ hạ nhiệt mạnh khi cơ thể bị tà khí tấn công sâu vào tạng phủ, đặc biệt giúp trị nhiệt độc phần huyết phận, khí phận giúp phế, tâm, can hồi phục, tiêu giải nhiệt độc ra khỏi cơ thể. 
Lưu ý: Chỉ dùng kết hợp ba vị thuốc này khi tà khí đã xâm nhập vào phần lý ở thể thực chứng, không được dùng khi tà khí đang ở phần biểu. Không dùng cho người có bệnh mạn tính (  tăng huyết áp, huyết áp thấp, tiểu đường, thận suy yếu, gut, tỳ vị hư hàn, dương hư, bẩm tố hoả tiên thiên suy yếu, suy giảm miễn dịch, suy yếu tuyến giáp… )
* Vị thuốc Hùng hoàng là vị thuốc có độc tố mạnh, theo sách " dược tính ca quát tứ bách vị " thì thuốc dùng cho ngoại khoa, chữa trị mụn nhọt, ghẻ lở, hắc lào, sâu bọ cắn, rắn rết căn, sát trùng ..., dùng với liều lượng cực nhỏ trong phạm vi nhỏ và thời gian ngắn để tránh nhiễm độc qua da, khuyến cáo không dùng cho người có thai. Theo Tây y thì Hùng hoàng chứa độc tố khuyến cáo không dùng.


25 tháng 3 2016

Hư tỳ vị bổ thận tâm


Tỳ thổ hư thì bổ thận hỏa
Nguyên dương là Tâm quân hỏa của hậu thiên thuộc kinh thủ thiếu âm sinh Túc dương minh vị thổ là con
Tướng hỏa của tạng thận thuộc kinh túc thiếu âm sinh túc thái âm tỳ 

 ( Trích câu thứ 33, thiên tạng phủ trong chương y hải cầu nguyên, sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh )
 

27 tháng 1 2016

Đông chí nhất dương sinh, hạ chí nhất âm sinh

" Qua tiết đông chí thì nhất dương đã sinh ra rồi, tiết trời đáng lẽ phải ấm dần, tại sao tháng chạp lại rét nhiều và có băng tuyết ?. Tiết hạ chí nhất âm đã sinh rồi, tiết trời đáng lý mát dần, tại sao trong tiết tam phục lại nóng nực dữ dội ?. Đó là do các khí sắp đến dồn đuổi, thì cái khí đã hết nhiệm kỳ phải rút lui ngầm mà không thể thấy rõ được. Bởi vì dương phục ở dưới mà dồn đuổi âm lên trên hay âm thịnh ở trong dồn đuổi dương ra ngoài vậy "
( Hải Thượng y tông tâm lĩnh, tập y gia quan miện, thiên âm dương ) 


08 tháng 7 2015

HƯ THỰC trong y hải cầu nguyên của Hải Thượng Lãn Ông



Y hải cầu nguyên / Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh
Thiên: HƯ THỰC

Tà khí mà xâm phạm vào được tất là do chính khí hư. Tà khí mà lưu lại không đi là bệnh thuộc thực. Nội kinh nói: hư là chính khí hư, thực là tà khí thực.

Chứng thực thì nói sảng, chứng hư thì nói lắp.

Phàm mọi bệnh ăn vào thì tạm yên, tất nhiên là chứng hư.

Người khỏe mạnh không có bệnh tích, người hư yếu thì có bệnh tích. ( tích o đây là tích trệ )

Thũng là chứng thực do ở huyết, phù là chứng thực do ở khí.

Chứng hư hai gò má đỏ là do âm hư ở dưới bức dương lên trên.

Bệnh ở ngoại vào phần nhiều là do chứng hữu dư, bệnh ở trong sinh ra phần nhiều là chứng bất túc.

Hữu dư là khách bệnh, bất túc là chủ bệnh.

Tổn thương do ăn uống là chứng hữu dư, tổn thương do làm lụng, nhọc mệt là chứng bất túc.

Chứng nhức đầu liên quan đến thực ( lục dâm tà khí xâm phạm, hỏa uất xong lên thì dùng phép giải biểu, thanh nhiệt ), chứng váng đầu liên quan đến hư ( nguyên dương suy yếu khiến âm hỏa bốc lên thì dùng phép trợ dương chế âm )

Tỳ hư thì sinh đi tả, vị hư thì sinh nôn mửa.

Tỳ hư thì phát nóng, vị hư thì sợ lạnh.

Bệnh ở tỳ phần nhiều là hư, bệnh ở vị phần nhiều là thực.

Hạ bộ hư thì quyết lạnh, thượng bộ hư thì choáng váng.

Cần xem xét nguồn gốc của bệnh khiến mất cân bằng cơ thể theo hướng phần nào hư ( âm, dương ) để luận hàn nhiệt cho đúng khi kê đơn thuốc.

Chứng rất thực nhưng có hiện tượng suy yếu nếu dùng lầm thuốc bổ sẽ sinh thêm bệnh. Bệnh rất hư nhưng có hiện tượng khỏe mà dùng lầm thuốc tả sẽ làm chết oan. Thà dùng lầm thuốc bổ mà bị thêm bệnh còn hơn dùng nhầm thuốc tả là hết cách chữa, ấy là ý dạy bảo của Lê Hữu Trác vậy.





07 tháng 7 2015

KHÍ HUYẾT trong Y hải cầu nguyên của Hải Thượng Lãn ông


Y hải cầu nguyên ( Hải Thượng Lãn ông / Y tông tâm lĩnh ) 
Thiên:  KHÍ HUYẾT 

Khí làm hướng đạo cho huyết.

Huyết là ngọn của khí, khí là gốc của huyết.

Huyết là tinh của thủy cốc, lớp lớp hoá sinh ra, song thực tế là nó sinh hoa sở tỳ, thống quản ở Tâm, tàng trữ ở Can, gạn lọc ở Thận và tưới tắm cho toàn thân.

Thanh khí ở dưới thì sinh ra ỉa chảy, trọc khí ở trên thì sinh ra đầy trướng.

Khí không có thủy không hoá được, tinh không có khi không vận hành được.
( tuyên thông phế khí với thông điều thủy đạo là hai chủ tính của tạng phế và tạng thận liên quan đến nhau ).

Phế đưa khí ra, thận thu khí vào, cho nên phế chủ khí, thận là gốc của khí.

Khí huyết không điều hoà thì ngưng kết lại mà làm ung nhọt.

Người ta khi nằm thì huyết trở về can.

Khí không có huyết thì khí tán mà không có sự thống quản
Huyết mà không có khí thì huyết ngưng lại mà chẳng lưu thông.

Tỳ vị là cha của khí huyết, tâm thận là mẹ của khí huyết, can phế là nơi cư trú của khí huyết.

Khí huyết con người cũng nhu nguồn suối, nhiều thì chảy khắp, ít thì ưa trệ, cho nén khí thịnh thì không ứ trệ.

Vinh huyết hư thì tê dại
Vệ khí hư thi không cử động

Khí bị hư thì tê dại. huyết bị hư thì cứng đờ ( ngoài da bị đau là tê dại, trong gân không mềm dẻo là cứng đờ ).

Khí bị hư thì đau, huyết bị hư thì sưng. ( khí thuộc hỏa, hình thuộc huyết, đau thì tổn thương khí, sưng thì tổn thương huyết )

Huyết thực khí hư thì thể vóc dễ béo, khí thực huyết hư thì thể vóc dễ gầy.

Bệnh khát thường phát sinh ở huyết hư.

Trung khí không đầy đủ thì nước giải biến màu.

Khí thượng bộ không đầy đủ thi đầu ngả nghiêng, mắt bị lác.

Khí hư không liễm nạp được nguyên dương ở trung cung, huyết hư không tiếp nhận được thận hỏa ( Long hỏa ) ở hạ tiêu, đều là chứng nhiệt.

Khí thịnh mà người lạnh là do thương hàn, khí hư mà người nóng là do thương thử.

Huyết suy thì hình thể liệt yếu, huyết bại thi hình thể hủy hoại, cho nên xương cốt có chỗ nào hư yếu thì thấy ngay bại liệt một bên.

Huyết có thừa thì hay giận, huyết không đủ thi hay sợ.

Khí có thừa tức là hoả, khí không đủ tức là hàn.

Mửa thời hại khí, xổ thời hao huyết
Khí hư thì hồi hộp đánh trống ngực, huyết hư thì hay kinh sợ.

Trong huyết không có khi thì bệnh thấy buông xuôi rã rời, trong khí không có huyết thì bệnh thấy co quắp run giật.

Khí thực thì nhiệt, khí hư thì hàn.

Khí nhiều thì huyết dễ đưa lên, huyết ít thì hỏa dễ bốc  cháy.

Đại trường có huyết thì nhuận, mất huyết thì táo.

Bị mất huyết thi không có mồ hôi
Bị mất mồ hôi thì không có huyết.

Khí thoát thì mắt không sáng.

Huyết thoát thi sắc mặt trắng bợt mà không nhuần nhã. Khí hư thì sắc trắng bệch có vẻ trong và nổi gân trơ xương trông có vẻ hàn lạnh. Huyết hư thì sắc trắng khô có vẻ đục như màu thiếc, màu tro, có thể tưởng tượng là nhợt nhạt.

Khí hành thì huyết hành, dương vong thì âm cũng thoát, âm vong thì dương cũng bại.

Chính khí với tà khí không thể đứng chung nhau, phải có một thắng một bại.

Bách bệnh đều không nằm ngoài phạm vi âm dương khí huyết.













04 tháng 7 2015

ÂM DƯƠNG trong Y hải cầu nguyên ( Hải Thượng Lãn Ông )

 

Y hải cầu nguyên
( sơ lược những điều căn bản ) 
Thiên thứ nhất: ÂM DƯƠNG

Dương là căn bản của sự sống
Âm là cơ sở của sự chết

Dương đạo thực âm đạo hư

Âm ở trong để giữ gìn cho dương
Dương ở ngoài để bảo vệ cho âm

Thần yên tĩnh thì âm sinh trưởng
Hình thể lao nhọc thì dương cang thịnh

Dương chứng phần nhiều hay mừng
Âm chứng phần nhiều hay giận

Dương suy không thở ra được
Âm suy không hít vào được

Dương bị bệnh thì không cúi xuống được
Âm bị bệnh thì không ngửa lên được

Dương thịnh thì trừng mắt 
Âm thịnh thì nhắm mắt

Dương thinh thì chảy máu mũi
Âm thịnh thì tiểu tiện khó đi

Bệnh dương thì đi lên, hết mức thi trở xuống
Bệnh âm thì đi xuống, hết mức lại trở lên

Dương khí không đưa lên được gọi là cách
Âm khí không giáng xuống được gọi là ế ( nghẹn )

Khí dương suy yếu phần trên thì thành hàn quyết
Khí âm suy yêu ở phần dưới thì thành nhiệt quyết

Bệnh thuộc âm phát chậm, khỏi chậm
Bệnh thuộc dương phát nhanh, khỏi nhanh

Bệnh ở phần dương thi buổi sáng yên
Bệnh về phần âm thi ban đêm yên

Chứng dương hư thì nặng về buổi tối
Chứng âm hư thì nặng về buổi mai

Dương không đầy đủ thì hàn thấp ngưng đọng
Âm không đầy đủ thì hỏa nhiệt bốc sôi

Âm hư không thắng được dương thi mạch nhanh và mạnh, dồn lại thi phát cuồng
Dương hưu không thắng được âm thì năm tạng tranh nhau mà chín khiếu chẳng thông

Dương hư sinh ngoại hàn
Âm hư sinh nội nhiệt

Dương thịnh sinh nóng ở ngoài
Âm thịnh sinh lạnh ở trong

Phát sốt sợ lạnh là chứng ở phần dương
Không sốt sợ lạnh là chứng ở phần âm

Nóng rét qua lại là âm dương tranh thắng
Dương không đầy đủ thì rét trước nóng sau
Âm không đầy đủ thì nóng trước rét sau

Dương tác hoá nhiệt, nhiệt thì hại khí 
Âm tà hoá hàn, hàn thì hại hình

Dương bốc vượt lên thi nóng tựu phát ra
Âm suy yếu sinh chứng đổ mồ hôi trộm

Khí âm lấn len vào phần dương thì sợ lạnh
Khí dương hãm xuống vào phần âm thi phát nóng

Dương sinh nhiệt, nhiệt thì nới giãn
Âm sinh hàn, hàn thi co rút

Khí dương quá thừa thì minh nóng không có mồ hôi
Khí am quá thừa thì mình rét mồ hôi ra nhiều

Âm hư cực độ thì dương phát quyết lạnh
Dương hư cực độ thì am táo

Khí âm ít, khí dương nhiều nên mình nóng đầy và bực bội
Khí dương ít, khí âm nhiều nên mình rét lạnh như ơn trong nước ra

Tự đổ mồ hôi là chưng dương hư
Đổ mồ hôi trộm là chứng âm hư

Mồ hôi nóng thuộc dương
Mồ hôi lạnh thuộc âm

Tà vào trong dương thì phát cuồng
Tà vào trong âm thì phát tê

Tà va chạm với dương thi phát điên
Tà va chạm với âm sinh ra câm

Dương nhập vào âm thì yên tĩnh
Âm xuất ra dương thì giận dữ

 Bệnh âm phát ở xương
Bệnh dương phát ở thịt

Sốt sợ lạnh, chứng từ dương
Không sốt sợ lạnh, chứng từ âm

Bệnh dương phát về mùa đông
Bệnh âm phát về mùa hè

Âm không thắng dương, mạch nhanh mạnh
Dương không thắng âm, tắc chín khiếu

Dương thiếu rét trước, nóng sau
Âm thiếu nóng trước, rét sau





09 tháng 10 2014

Chân âm và chân dương ( Y tông tâm lĩnh )


Tâm là dương hỏa, thận là âm hỏa
Chân âm là huyết ở trong Tâm
Chân dương là mệnh môn ở trong thận
Gốc của dương hỏa ( TÂM ) là ở Thận ( dưới đất )
Gốc của âm hỏa ( THẬN ) là ở Tâm ( trên trời )
Quân hỏa chỉ có một là Tâm chủ
Tướng hỏa có hai là ở Thận tượng là rồng, ở Can tượng là sấm
Rồng và sấm đều ở trong hồ gọi là long hỏa và lôi hỏa
Mệnh môn hoả là long hoả là rồng lặn dưới đáy bể
Đáy biển lạnh quá, rổng nổi lên kèm theo sấm gọi là long lôi hoả


( Diễn giải ý của Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh, Huyền tẫn phát vi )

28 tháng 1 2014

Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông và ngày Tết

Giữ gìn sức khỏe ngày Tết theo lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông

Nói về sức khỏe của con người, Hải Thượng Lãn Ông xác định: tinh thần và thể chất được luôn luôn khang kiện thì sẽ tận hưởng tuổi thọ ngoài 100. Từ thế kỷ 18, Hải Thượng Lãn Ông đã đúc kết những kiến thức cơ bản về sức khoẻ cho người dân thường:
1. Về tâm sinh lý con người cũng cần phải điều độ, thư thái vì:
Tức giận quá sẽ hạn can
Vui mừng quá hại tâm
Buồn lo quá hại phế
Kinh sợ quá hại thận
Suy nghĩ quá hại tỳ.

2. Về ăn uống:
Vệ sinh ăn uống trước tiên
Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng
Thức ăn dùng phải có chừng.
Ăn nhiều tán khí, biết phòng mới hay
Các vị mặn, nồng, đắng, cay
Ăn nhiều sinh bệnh chẳng sai đâu mà
Đắng nhiều hại phế, khô da
Mặn nhiều tâm lạnh, máu đà phải ngưng
Quá chua can động rút gân
Qua cay chai thịt, môi quăn hại tỳ
Ngọt nhiều cũng chẳng ích gì
Tỳ chen thận yếu, xương tê, tóc cằn”.

“Vừa chừng gia vị thì nêm
Hễ người táo nhiệt chớ quên kiêng dùng”

“Muốn cho ngũ tạng được yên
Bớt ăn mấy miếng nhịn thèm hơn đau
Ăn no thì chớ gội đầu”

“Luận về trầu thuốc rượu chè
Từng dùng thiết đãi bạn bè vui thay”.

Ăn uống điều độ, đúng cách sẽ khiến cho bạn có tuổi thọ cao và tinh thần làm việc tốt

Ông đả phá hút thuốc vì:
“Hút vào uất hoả hôi mồm
Họng khô, phổi ráo, tích đờm, sinh ho
Khí hao huyết tụt chẳng ngờ
Ung thư, kết hạch, nguy cơ có ngày.
Hại nhiều lợi ít rõ thay”.

Còn uống rượu thì sao?
Khi uống rượu:
“Rượu nồng tính nóng hơi cay
Dở chua, dở ngọt vị hay lạ thường.
Uống vào tai mặt đỏ bừng
Tâm thần rung động, bàng hoàng nói năng
Cường dương, trúng đởm chi bằng

Nhưng  uống rượu nhiều khi có hại:
“Rượu say mê muội tinh thần
Khiến người làm bậy, làm càn hại thay...”

“Say nhiều nôn mửa, bỗng dưng mê trầm
Hơi men nung nấu can tâm
Đau đầu thở huyết, họng sưng, mắt mờ
Biến sinh cước khí, ung thư
Phế suy, tâm hoảng, gan khô, da vàng
Lâu ngày thấp nhiệt huân chung
Biết nên vị thống, trường phong gân mềm”.

Tóm lại:

“Rượu làm khí lực hao mòn”. Hải Thượng Lãn Ông khuyên dùng rượu để sao tẩm thuốc, ngâm rượu thuốc,... Uống ít thì có thể tốt cho sức khoẻ nhưng uống nhiều sẽ rất có hại.

Với tấm lòng nhân ái, Hải Thượng Lãn Ông luôn “Mong đời người không có bệnh”. Phòng bệnh có rất nhiều biện pháp, nhưng cái gần gũi là ăn uống và sinh hoạt thì lại ít được quan tâm.

Ngày Tết đã cận kề, vui là điều quan trọng nhưng chúng ta hãy chú ý đến sức khoẻ ngay từ việc ăn uống. Một cơ thể khoẻ mạnh là cơ thể không có bệnh tật.


12 tháng 12 2013

Trị liệu pháp của Lãn Ông và một số danh y Trung Hoa


Sưu tầm tại Link: http://lehuutrac.edu.vn/nghien-cuu-ve-y-thuat-cua-hai-thuong-lan-ong.html
Nói đến trị liệu pháp (thérapeutique, principes thérapeutiques), tức là đề cập đến một vấn đề hết sức bao quát của y học. Vì thế, trong khuôn khổ một bài báo chúng ta không thể nào đi vào được hết các chi tiết. Chúng ta chỉ có thể phác họa ít nhiều nét đại cương, ít nhiều đường lối chính yếu của các danh y, ngõ hầu soi sáng cho chúng ta một phần nào trên con đường khảo sát Đông y. Chính vì thế mà trước hết xin quý vị lượng thứ cho sự sơ lược của bài này.

A. TRỊ LIỆU PHÁP CỦA ÍT NHIỀU DANH Y TRUNG HOA
1. Trước hết, tưởng cũng nên nhắc lại rằng Đông y đã được xây nền đắp tảng trên bộ Nội Kinh.
Nội Kinh gồm hai quyển:
          - Tố Vấn gồm 81 chương.
          - Linh Khu gồm 81 chương, nói về châm cứu.
Tuy sách như là thuật lại lời đàm thoại giữa Hoàng Đế (2696-2598 tcn) với Kỳ Bá, nhưng có lẽ sách chỉ được viết ra khoảng 1000 năm trước công nguyên. Có người lại cho rằng bộ Nội Kinh được viết khoảng thế kỷ 4 tcn.[13]
Bộ Nội Kinh cho chúng ta các khái niệm về cơ thể học, bệnh lý học, và trị liệu pháp (thérapeutique).
Về phương diện bệnh lý học (pathogénie) chẳng hạn, Nội Kinh đã chia nguyên nhân sinh bệnh thành hai loại:
a. Ngoại cảm, do lục dâm: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa.
b. Nội thương, do sự thương tổn của khí huyết, tạng phủ, Âm Dương, gây ra bởi:
          - Thương thực.
          - Lao lực.
          - Sắc dục.
          - Thất tình (hỉ, nộ, ưu, tư, bi, kinh, khủng).[14]
Tuy nhiên Nội Kinh không đưa ra một phương thuốc nào nhất định và chỉ chuyên chú về châm cứu.
2. Đời nhà Chu, ta còn thấy hai triết thuyết về bệnh lý:
- Triết thuyết thứ nhất cho rằng bệnh tật sinh ra là do nhị khí Âm Dương trong người không được điều hòa.
- Triết thuyết thứ hai cho rằng bệnh tật sinh ra do ngũ hành trong người không được quân bình.
Tuy nhiên, trước đời nhà Hán (thế kỷ 2 tcn) thì phương pháp trị liệu nằm gọn trong các khoa:
- Châm (acupuncture).
- Cứu (moxa).
- Án ma (kinésithérapie, massage).
3. Mãi đến đời Hán, Trương Trọng Cảnh (đỗ tiến sĩ năm 163 đời Hán Linh Đế) mới mở một tân kỷ nguyên cho nền y học Trung Hoa.
Ông khảo sát các bệnh theo bệnh trạng (manifestations cliniques) tìm căn do bệnh tật, định phương pháp trị liệu bằng thuốc men. Ông viết hai quyển về y học là:
- Thương Hàn luận.
- Kim quỹ.
Trương Trọng Cảnh chủ trương rằng tà khí xâm nhập vào cơ thể con người do 6 Kinh từ ngoài vào trong (từ biểu vào ) theo thứ tự sau đây:
(1) Thái Dương kinh (Thủ thái dương, Tiểu tràng kinh, Túc thái dương, Bàng quang kinh)
(2) Dương Minh kinh (Thủ dương minh, Đại tràng kinh, Túc dương minh, Vị kinh)
(3) Thiếu Dương kinh (Thủ thiếu dương, Tam tiêu kinh, Túc thiếu dương, Đởm kinh)
(4) Thái Âm kinh (Thủ thái âm, Phế kinh, Túc thái âm, Tì kinh)
(5) Thiếu Âm kinh (Thủ thiếu âm, Tâm kinh, Túc thiếu âm, Thận kinh)
(6) Quyết Âm kinh (Thủ quyết âm, Tâm bào lạc kinh, Túc quyết âm, Can kinh)
Tổng quát mà nói:
* Bệnh ở kinh Dương, thuộc Dương, Biểu (ngoài), Nhiệt và Thực, cho nên có thể dùng những thuốc:
Công, như phát hãn (làm cho ra mồ hôi) hoặc bằng bài Ma hoàng thang[15] hoặc Quế chi thang[16] (bệnh ở Thái Dương kinh).
Hạ (cho đi xông) bằng bài Thừa khí thang[17] (bệnh ở Dương minh kinh).
- Hoặc Hòa hoãn bằng bài Tiển sài hồ thang[18] (bệnh ở Thiếu Dương kinh).
* Bệnh ở các kinh Âm thuộc Âm, Lý (bên trong), Hàn và Hư, vì thế phải dùng thuốc Ôn bổ như:
Tứ nghịch thang (tăng sức nóng)(bệnh ở Thiếu Âm kinh).[19]
Lý trung thang (bệnh ở Thái Âm kinh).[20]
Đương qui tứ nghịch thang (bệnh ở Quyết Âm kinh).[21]
Trương Trọng Cảnh được coi là một vị thánh y của Trung Quốc. Ông đã để lại 113 phương (ordonnances magistrales) và 397 y án (schémas de traitement).
Trần Tu Viên (khoảng 1803), trong thiên Cổ kim y luận, cho rằng Trương Trọng Cảnh đã biết mọi phương pháp chữa bệnh:
- Công (médication agressive)
- Bổ (médication tonique)
- Ôn (médication réchauffante)
- Lương (médication rafraîchissante)
Lại biết:
- Tiên công hậu bổ.
- Tiên bổ hậu công.
- Hàn nhiệt kiêm thi.
- Công bổ tịnh dụng, v.v.
Mọi lương y sau này chỉ khai thác được một khía cạnh nào đó của Trương Trọng Cảnh mà thôi.
4. Sau Trương Trọng Cảnh, bẵng đi một thời gian khá lâu, không ai đưa ra được một chủ xướng gì mới mẻ. Mãi đến đời nhà Kim, Nguyên (1206-1368) mới thấy có những danh y xuất hiện, đưa ra những chủ xướng mới mẻ. Đời Kim Nguyên có 4 danh y mà đời sau gọi là Kim Nguyên tứ đại gia [22] hay «Trương, Lưu, Lý, Chu, tứ tử». Đó là:
- Lưu Hoàn Tố, t71c Thủ Chân (giữa khoảng 1115-1260).
- Trương Tông Chính, tức Trương Tử Hòa (1155-1260)
- Lý Cảo, tức Lý Đông Viên (1179-1251)
- Chu Chấn Hanh, tức Chu Đơn Khê (1281-1358)[23]
a. Lưu Hoàn Tố, tự Thủ Chân (giữa khoảng 1115-1260).
Lưu Hoàn Tố chủ trương rằng các bệnh sinh ra trong người vì Nhiệt thịnh. Vì thế ông chủ trương dùng các vị thuốc hàn lương. Ngoài ra ông cũng dùng các loại thuốc:
- Thổ (vomitifs)
- Hạ (laxatifs ou purgatifs)
- Hãn (diaphorétiques)
Lưu Thủ Chân còn chủ trương rằng Âm Dương, Ngũ hành , Ngũ vận là nguyên nhân sinh ra bệnh tật.
Sau này Trương Giới Tân (1563-1640) đã đả kích Lưu Thủ Chân và cho rằng các môn thuốc hàn lương của ông chỉ có ích cho những người Trung Hoa ở phương Bắc, khoẻ mạnh, chứ không thích hợp những người Trung Hoa ở phương Nam, yếu hơn.[24]
b. Trương Tòng Chính, tự Tử Hòa (1155-1260).
Trương Tử Hòa chủ trương rằng các bệnh sinh ra là do tà khí bên ngoài đột nhập vào cơ thể, nên cần phải trừ khử bằng các thuốc công, hạ (médication diaphorétique, émétissantes, purgatives, laxatives). Ông đặc biệt ưa dùng thuốc hạ (purgatifs).
c. Lý Cảo, tự Đông Chi, hiệu Đông Viên (1179-1251)
Lý Đông Viên cho rằng các bệnh sinh ra là do sự mất quân bình giữa Tì (-) và Vị (+); Vì thế, ông chuyên môn bổ Tì. Chính ông đã sáng chế bài Bổ trung ích khí thang.
d. Chu Đơn Khê, tự Ngạn Tu, hiệu Chấn Hanh (1281-1358)
Chu Đơn Khê chủ trương rằng các bệnh sinh ra là do ăn uống thiếu chất bổ dưỡng. Ông lại cho rằng  trong người Âm thường bất túc, Dương thường hữu dư. Vì thế ông chuyên bổ Âm.
5. Đến đời Minh (1368-1644), ta lại thấy y học chia ra thành nhiều phái:
a. Công hạ phái. Phái này chủ trương như Trương Tử Hòa xưa rằng nên dùng các loại thuốc công, hạ.
b. Dưỡng Âm phái. Phái này theo chủ thuyết của Chu Đơn Khê, dùng các thuốc bổ âm.
c. Ôn bổ phái. Phái này do các lý thuyết gia sau đây lãnh đạo:
- Tiết Dĩ, tự Lập Trai (khoảng 1500-1560)
- Trương Giới Tân, tự Huệ Khanh, hiệu Cảnh Nhạc (1563-1640)
Ôn bổ phái chủ trương: Dương khí trong người chính là sinh khí, khó được và dễ mất, vì thế phải dùng thuốc ôn bổ để dưỡng Dương kh, chứ không được dùng những thuốc hàn, lương.
Tóm lại ta thấy các danh y Trung Hoa:
a. Người thì lưu tâm đến tà khí và chỉ chuyên dùng thuốc công, hạ để trừ khử.
b. Người thì lưu tâm đến cơ thể con người, và cho rằng các bệnh sinh ra là do Âm Dương nhị khí không điều hòa, hoặc Tì, Vị mất quân bình cho nên:
          - Hoặc chủ trương bổ Âm (bổ thận thủy, bổ huyết)
          - Hoặc chủ trương bổ Dương (bổ thận hỏa, bổ khí)
          - Hoặc chủ trương bổ Tì.
Vì thế đã có nhiều người tóm tắt trị liệu pháp của Trung Hoa  bằng bốn chữ Công, Lương, Ôn, Bổ.

B. TRỊ LIỆU PHÁP CỦA LÃN ÔNG
Những nguyên tắc trị liệu của Lãn Ông hết sức sáng suốt và vững vàng. Trong quyển Y hải cầu nguyên nơi chương Hư Thực, ông viết đại khái như sau:
«Các bệnh nội thương càng ngày càng tăng, vì phong hóa suy đồi, tiết khí trở nên ô trọc hơn. Con người bị ảnh hưởng ngoại cảnh, càng ngày càng trở nên yếu đuối.
«Vì thế thời cổ người ta dùng các bài thuốc công phạt như Ma hoàng, Thừa khí.
«Thời trung cổ, người ta đổi phương lược, và dùng những thuốc vừa bổ vừa tả như Sâm tô thang, Nhân sâm bại độc tán.
«Sau này, Lý Đông Viên lại sáng chế ra các bài:
          - Bổ trung ích khí
          - Nhân sâm dưỡng vinh thang, chỉ gồm toàn vị bổ.
«Các cách trị liệu ấy, theo đà thời gian, đều có kết quả, chứng tỏ rằng cơ thể con người ngày một suy yếu hơn.
«Cho nên ngày nay những thuốc công, hạ ít được dùng, trái lại, các thuốc ôn bổ ngày một được dùng nhiều hơn.» [25]
Tuy nhiên các bệnh do ngoại thương, ngoại cảm. các bệnh thực chứng không phải là không có.
Như vậy phải có những tiêu chuẩn chính xác để phân biệt thực chứng do ngoại cảm với hư chứng do nội thương, để mà tùy nghi tả(trong trường hợp thực chứng) hay bổ (trong trường hợp hư chứng).
Lãn Ông cho ba tiêu chuẩn sau đây:
          + Xem tạng người bệnh nhân mạnh yếu ra sao.
          + Xem mạch mạnh yếu ra sao.
          + Xem bệnh diễn biến ra sao.
1. Xem tạng người bệnh nhân mạnh yếu ra sao.
Lãn Ông viết trong Châu Ngọc Cách Ngôn như sau:
«Quan hình dĩ bẩm nhược bẩm cường, xác kỳ vi hư vi thực nhi trị.» (Xem hình sắc để nhận biết người yếu hay người mạnh, để xác định là hư chứng hay thực chứng mà trị.)
Ông bình tiếp:
«Những người bẩm thụ phong hậu, tuổi trẻ, sức mạnh, khí huyết đầy đủ, xương thịt cân xứng, nếu lỡ có đau yếu thì nên lấy thực chứng mà trị.