4/1/16

Bàn về pháp bổ và pháp tả qua y văn của cổ nhân


Thiên " căn kết " trong sách Linh Khu ( hay là thiên thứ 5 sách Hoàng đế Tố Vấn Linh Khu Kinh, hoặc bài 5 quyển hạ linh khu thiên trong sách Hoàng đế nội kinh ) có viết:
Hoàng đế hỏi:
- Hình thể con người khoẻ mạnh hay hư yếu, những biểu hiện ra bên ngoài về bệnh tật của con người có khi phù hợp với nhau, nhưng có khi lại trái ngược với nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt được trong khi điều trị ?
 Kỳ Bá đáp:
- Nếu nhìn những biểu hiện ra bên ngoài của người bệnh có triệu chứng bất túc, trong khi thế bệnh đang mạnh, đó là biểu hiện của tà khí đang thắng chính khí, thì phải mau mau dùng pháp tả để trừ tà khí. ( trường hợp 1 )
- Nếu nhìn bên ngoài của người bệnh có vẻ như khoẻ mạnh, mà một tạng phủ nào đó bị bệnh khiến cho cơ năng của tạng phủ đó bị suy nhược, thì phải mau mau dùng pháp bổ để phục hồi cơ năng của tạng phủ bị bệnh. ( trường hợp 2 )
- Nếu nhìn người bệnh có biểu hiện không được mạnh khoẻ, mà bệnh tình cũng có biểu hiện không mạnh lắm, đó là biểu hiện cả âm, dương đều bất túc, thì không được dùng kim châm để trị liệu. Nếu dùng kim châm để trị liệu thì sẽ khiến cho người bệnh vốn đã hư yếu sẽ bị hư yếu thêm, như thế sẽ khiến âm dương cạn kiệt, khí huyết hư hao thêm, ngũ tạng trống không, gân héo, tuỷ khô ... người già phải chết, cho du là thanh niên đi nữa thì cũng khó mà hồi phục. ( trường hợp 3 )
- Nếu nhìn người bệnh thấy khoẻ mạnh mà thế bệnh có vẻ yếu, không mạnh lắm, thì đó là biểu hiện của âm và dương đều hữu dư, vậy nên khẩn cấp công tả bệnh tà để điều lý hư thực. ( trường hợp 4 ) 
Tóm lược lại là bệnh hữu dư thì nên tả, bệnh bất túc thì nên bổ.
( Đoạn y văn trên trích trong tập " Nội ngoại thương biện hoặc luận " của danh y Lý Đông Viên )
..........................................
Lời bàn của tại hạ tôi ( kẻ hậu học nông nổi mong muốn các bậc y sư tham gia đàm đạo để thấu lý cổ nhân nên dại dột đưa ra lời bàn này, mong quý vị lượng thứ và giáo huấn. Tại hạ thật hoan hỷ và cảm kích với những lời chỉ dạy của các y sư ! ):
* Trong đoạn y văn Kỳ Bá trả lời Hoàng đế có những thắc mắc cần diễn giải như câu tóm lược cuối là " bệnh hữu dư thì nên tả, bệnh bất túc thì nên bổ ", vậy tại sao ngay ý đầu tiên trong câu trả lời thì Kỳ Bá lại nói dùng pháp tả để trừ tà khí cho trường hợp bệnh nhân đang có triệu chứng bất túc " ? Phải chăng có sự lầm lẫn trong việc dịch nghĩa, hay ý tứ cổ nhân có điều gì khác ? Theo tôi ở đây không có gì là sai ở việc dịch nghĩa, nhưng nghĩa diễn giải chưa thấu có thể do dịch hết nghĩa thì rất dài dòng, tôi xin bổ sung nhưng ý phân tích của mình như sau: 
- " Bệnh nhân có triệu chứng bất túc, trong khi thế bệnh đang mạnh, đó là biểu hiện của tà khí đang thắng chính khi ... " sẽ luận ngay được rằng ở đây là tà khí thực, cũng có nghĩa rằng tà khí đang lấn át chính khí hay gọi là tà khí thực ( có câu: tà khí thực, chính khí hư ). Còn chính khí ở đây đang thua tà khí, nhưng trong trường hợp này Kỳ Bá có ý nói là chính khí không hư mà chỉ bị bất túc ( bị o ép, bị cản trở, bị ảnh hưởng ) do tà khí xâm phạm. Vậy nên trường hợp bệnh nhân trong ý này cần dùng phép tả là vậy ( tả cái tà khí thực ).
- Các trường hợp 2 và 3 thì đều thuộc chứng bất túc do hư, và hư thì bổ.
- Trường hợp 4, ở đây ý nói chính khí của người bệnh đang ở cái thế thắng tà khí, nhưng không đủ mạnh để đuổi bỏ, trừ bỏ được tà khí ( giống như trường hợp 1, nhưng tà khí ở đây có phần yếu hơn một chút ). Pháp tả được đưa ra ở đây để đuổi tà khí dựa trên nền tảng chính khí đầy đủ, mạnh mẽ ( có phần hữu dư do lệch lạc, ảnh hưởng bởi tà khí ).
Qua một số ý phân tích trên, tôi nhận thấy thời hậu thế sau này đã quy pháp bổ tả theo hư thực ( hư thì bổ, thực thì tả và tà khí thực, chính khí hư ) thì có phần dễ hiểu hơn khi cổ nhân vừa quy vào chứng hữu dư, bất túc và vừa luận theo hư, thực của chính khí và tà khí.

Không có nhận xét nào: