QUY TRÌNH SỐ 1
KHÁM BỆNH Y HỌC CỔ TRUYỀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26 /2008/QĐ-BYT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. ĐẠI CƯƠNG
Cũng như y học hiện đại, khi một bệnh nhân đến điều trị bằng các phương pháp của y học cổ truyền, các thầy thuốc y học cổ truyền cũng phải thứ tự thực hiện các bước như:
1. Thăm khám bệnh nhân: y học cổ truyền gọi là Tứ chẩn.
2. Chẩn đoán bệnh: y học cổ truyền gọi là chẩn đoán Bát Cương, chẩn đoán tạng phủ, chẩn đoán bệnh danh
3. Đề ra phương pháp điều trị: y học cổ truyền gọi là Pháp điều trị.
II. CHỈ ĐỊNH
Tất cả các bệnh nhân khi đến điều trị bằng các phương pháp của y học cổ truyền.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH.
Những bệnh nhân mắc các bệnh không thuộc diện điều trị bằng các phương pháp của y học cổ truyền.
IV. CHUẨN BỊ:
1. Cán bộ y tế: y, bác sỹ, lương y đã được đào tạo theo quy chế.
2. Phương tiện:
* Bàn, ghế để thầy thuốc và bệnh nhân ngồi, giường để bệnh nhân nằm khi khám.
* Phòng khám cần thoáng, đủ ánh sáng tự nhiên.
3. Người bệnh
* Hồ sơ, bệnh án: Đúng theo mẫu bệnh án kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
* Tư thế bệnh nhân khi khám: Ngồi bên phải hoặc bên trái bàn của thầy thuốc
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH KHÁM BỆNH
Y học cổ truyền gọi là Tứ Chẩn.
Vậy Tứ Chẩn là gì? Tứ Chẩn là bốn phương pháp để khám bệnh của y học cổ truyền gồm: Nhìn (vọng chẩn), nghe ngửi (văn chẩn), hỏi (vấn chẩn), bắt mạch, sờ nắn (thiết chẩn), nhằm thu thập các triệu chứng chủ quan và khách quan của người bệnh.