08 tháng 7 2024

CẢM NHẬN VỀ THIỀN


( Kẻ phàm phu này sống trong cõi Ta Bà, đam mê suy tư về con đường chỉ dạy của Phật ) 

Thiền chỉ đơn giản là nhận biết và ghi nhận !

Khi quý vị đứng, nhận biết là mình đang đứng. Khi đi, nhận biết mình đang đi … 

Khi nói, nhận biết mình đang nói, quan sát lời nói dù nhanh hay chậm . 

Khi giận dữ, chỉ cần nhận biết khi cơn giận đang diễn ra. Không đấu tranh hay né tránh, vì nếu muốn đấu tranh với cơn giận, bạn phải tạo ra sự giận dữ hơn nó, hoặc một tâm trạng nào đó mạnh hơn. Chỉ đơn giản biết mình đang giận, có mặt cùng nó vậy là đủ; né tránh hay tạo một cơn giận khác hay bất cứ một cách làm nào khác là bạn đã làm theo một sự khởi phát ( duyên khởi ) mới nơi tâm mà bỏ mất đi sự nhận biết và ghi nhận nó để thực hiện theo nó và như vậy quý vị đang bị nghiệp dẫn dắt ( gọi là không tỉnh giác hay là đang bị vô minh dẫn lối ).

Người ta nổi nóng đơn giản vì người ta không biết bản thân đang nổi nóng, bị dẫn dắt bởi những khởi phát nóng giận ở tâm, chỉ những người xung quanh hoặc người chịu ảnh hưởng là biết.

Thiền không chỉ là về sự im lặng, bạn phải đi vào cả sự ồn ào. Không chấp vào bất cứ điều nào. Môi trường tĩnh lặng rất tốt cho thiền vì giảm bớt những nhiễu động khởi phát nơi tâm do âm thanh, những phiền nhiễu đem đến, nhưng cuộc sống của chúng ta sao lúc nào cũng ở trong trạng thái như vậy được. Cũng như vậy với những xúc chạm trong cuộc sống thường ngày, trừ trường hợp quý vị là một nhà tu hành ở ẩn, xa lánh trần thế. Thiền giúp chúng ta không bám chấp vào một điều gì, Phật Hoàng Trần Nhân Tông có câu rất ngắn gọn nhưng nói lên đây đủ pháp hành thiền: ( Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ). Với mọi sự khởi phát nơi tâm đều được kiểm soát chính là giữ giới và khi đắc giới sẽ đạt được định rồi tuệ giác phát triển.   

Giận dữ với một âm thanh nào đó , thật ra không hẳn là chỉ với âm thanh đó mà là thứ đứng sau tạo ra âm thanh. ( kẻ nào đó thật bất lịch sự khi mở nhạc ồn ào vào lúc này...).Tiếng gió có thể ồn ào hơn cả âm thanh phát ra từ nhà hàng xóm , nhưng bạn không thể giận dữ với gió, vì bạn không tìm thấy đối tượng để tạo ra cơn giận. Trong tất cả mọi trường hợp vậy đều có một sự khởi phát sự tức giận từ tâm, với người bình thường chưa thực hiện thiền Tứ niệm xứ ( cảm nhận và ghi nhận ) sẽ không biết và nhận ra được điều này.

Chánh niệm và tỉnh giác !

Chánh niệm - rất nhiều người nói đến điều này. Chúng ta lạc vào một rừng những khái niệm, câu từ, nhưng cuối cùng có thể cũng chả biết thực hành Chánh niệm cụ thể như thế nào. Khi bạn quan sát nơi cơ thể, quan sát nơi tâm mình đang ở tình trạng, tâm trạng gì thì là bạn đang Tỉnh Giác, kèm một động tác ghi nhận những điều đó là Chánh niệm. Nếu bạn dùng ý chí để đưa một tâm trạng khác đề lên để lấn át tình trạng và tâm trạng hiện tại ( là một khởi phát của một duyên khởi dẫn dắt khác trong tâm rất nhanh và vi tế đến nỗi người bình thường chúng ta không nhận ra, hoặc do thực hiện sai về thiền là nhận biết và ghi nhận đã bỏ sót khởi phát duyên khởi này ) như vậy quý vị đã rời xa tỉnh giác và bị quy luật dẫn dắt tạo nghiệp của tâm lôi kéo lúc đó quý vị đã mất đi Chánh niệm và Tỉnh giác. 

Khi bạn luôn luôn tỉnh giác bạn sẽ nhận thấy Tâm dẫn dắt mình như thế nào và sẽ thấy vạn pháp duy tâm tạo: vui, buồn, giận, thương ... đều khởi phát từ nơi tâm và những khởi phát này không thường hằng ( không tồn tại vĩnh viễn ) rồi nó sẽ trôi đi và mất dạng, nhưng chúng lại có thể xuất hiện khi thời điểm và hoàn cảnh phù hợp xảy ra, hoặc chúng có thể bất chợt ập đến với tần suất dày đặc để thôi thúc ta hành động tạo nghiệp ( nghiệp lực ). Các khởi phát nơi tâm này nếu chỉ dừng lại nơi tâm mà không chuyển hóa thành hành động ở nơi thân thì nghiệp sẽ không hoàn tất ( hành động ở nơi thân ví dụ như đấm đá, cưỡng dục, giết người, chửi bới, nói xấu, nói dối hoặc thực hiện những việc tốt như bố thí, nói lời hay cho đời, làm việc tốt, quyết tâm chăm chỉ làm việc, mang tiền đầu tư ....)

Khi bạn nắm bắt kịp được những chuyển biến của tâm ( Chánh niệm và tỉnh giác ) thì sự khởi phát nơi tâm về một nội dung nào đó với mức độ dày đặc cũng không đẩy bạn tiến tới hành động nơi thân để tạo nhân quả và sau một thời gian những khởi phát đó sẽ biến mất, như vậy bạn đã đoạn diệt được nó. Khi thiền đến một mức cao, quý vị đã tinh tấn đến một mức độ tất cả các khởi phát nơi tâm xuất hiện đều được ghi nhận và không để chúng dẫn dắt hành động nữa, lúc đó tâm bạn sẽ rơi vào vô thức ( trạng thái ban đầu của định - sơ thiền ). 

Quá trình thiền tiếp tục Tâm chúng ta có những khởi phát dần trở về với não bộ lúc mới là phôi thai trong bụng mẹ. Tiếp đó chúng ta sẽ nhận biết và ghi nhận những khởi phát rất vi tế và thâm sâu của tâm có thể khác với những xúc cảm thông thường mà con người cảm nhận được, rồi vượt chút nữa là khai mở tâm thức và sẽ biết được những dữ liệu cảnh giới các kiếp trước ( điều này tại hạ chưa làm được)

............ ( còn tiếp )

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hay quá ạ! Tại hạ sẽ mở ra đọc và suy ngẫm

Nặc danh nói...

Ok