22/5/14

BÁT CƯƠNG


QUY TRÌNH SỐ 6 
theo Quyết định số: 26 /2008/QĐ-BYT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
CHẨN ĐOÁN BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN ( Tám cương lĩnh )
I. ĐẠI CƯƠNG
Chẩn đoán y học cổ truyền là một mắt xích quan trọng trong chuỗi mắt xích thăm khám lâm sàng, chẩn đoán và điêù trị góp phần đáng kể vào kết quả trị liệu. Quá trình chẩn đoán được thực hiện tiếp sau các bước thăm khám lâm sàng. (Tứ chẩn: Vọng, Văn, Vấn, Thiết) và làm nền tảng cho mắt xích điều trị và dự phòng. Để công vệc chẩn đoán được chính xác đòi hỏi mắt xích khám lâm sàng (tứ chẩn) phải chính xác và đầy đủ không bỏ sót và bỏ qua bất cứ khâu nào, đồng thời cần tôn trọng tính khách quan trong quá trình thăm khám, dữ liệu thông tin về bệnh tật.
Để có một kết quả chẩn đoán đúng hợp lý và logic cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của quy trình chẩn đoán, nắm chắc cương lĩnh của bát cương nói riêng và hệ thống lý luận của y học cổ truyền nói chung đặc biệt là lý luận học thuyết âm dương và ngũ hành, bởi nó xuyên suốt toàn bộ lĩnh vực y học cổ truyền từ sinh lý, bệnh lý đến thăm khám lâm sàng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng.
II. CÁC BƯỚC CHUẨN BỊ
Để đảm bảo cho việc chẩn đoán được chính xác đầy đủ không bỏ sót cần tuân thủ các quy trình sau:
1. Xem và đọc kỹ các thông tin thu được từ việc khám bệnh.
Việc xem xét và thẩm định kỹ các thông tin (triệu chứng) thu đươc từ việc thăm khám là công việc quan trọng và cần thiết, bởi trên cơ sở của việc làm này sẽ giúp thầy thuốc thiết lập các mối liên hệ từ các thông tin rời rạc thành một hệ thống các thông tin có mối liên hệ với nhau tạo nên các hội chứng bệnh lý qua đó giúp thầy thuốc hướng đến việc lựa chọn một chẩn đoán phù hợp nhất và giúp cho việc chẩn đoán loại trừ.
2. Cần nắm vững tám cương lĩnh chẩn đoán (bát cương).
Nội dung tám cương lĩnh giúp cho các thầy thuốc trong khi chẩn đoán cần phải chỉ ra đươc vị trí nông sâu, tính hàn nhiệt, trạng thái hư thực và xu thế chung của bệnh thuộc âm hay dương, từ đó giúp cho viêc chẩn đoán nguyên nhân và đề ra các phương pháp chữa bệnh chính xác.
Nội dung của tám cương lĩnh đó là:
2.1. Biểu và lý
Biểu và lý là hai cương lĩnh chỉ vị trí nông sâu của bệnh tật, giúp đánh giá tiên lượng và đề ra phương pháp chữa bệnh thích hợp: bệnh ở biểu thì dùng phép hãn, bệnh ở lý thì dùng phép thanh, hạ, ôn, bổ…
2.1.1. Biểu chứng: Bệnh ở biểu là ở nông, ở ngoài, ở gân, xương, cơ nhục, kinh lạc, bệnh cảm mạo và bệnh truyền nhiễm ỏ thời kỳ đầu y học cổ truyền gọi là phần vệ, tương ứng với y học hiện đại là viêm long và khởi phát.
- Các biểu hiện lâm sàng của biểu chứng: phát sốt, sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, đau đầu, đau mình, ngạt mũi, ho, mạch phù.
2.1.2. Lý chứng: Lý là bệnh ở bên trong, ở sâu thường là các bệnh thuộc câc tạng phủ, bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng (ôn bệnh) ở giai đoạn toàn phát (tà khí đã vào phần khí, dinh và huyết)
- Các biểu hiện lâm sàng của lý chứng: sốt cao, khát, mê sảng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, nước tiểu ít sắc đỏ, táo bón hay ỉa chảy, nôn mửa, đau bụng, mạch trầm…
Biểu và lý còn kết hợp với các cương lĩnh khác như hư, thực, hàn, nhiệt và sự lẫn lộn giữa biểu lý.
2.2. Hàn và nhiệt
Hàn và nhiệt là hai cương lĩnh dùng để đánh giá tính chất của bệnh giúp cho thầy thuốc chẩn đoán loại hình của bệnh là hàn hay nhiệt để đề ra phương pháp chữa bệnh hợp lý (Bệnh hàn dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt dùng thuốc hàn, nhiệt thì châm, hàn thì cứu).
2.2.1. Hàn chứng: Sợ lạnh, thích ấm, miệng nhạt, không khát, sắc mặt xanh trắng, chân tay lạnh, nước tiểu trong dài, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng (biểu hàn) trắng dày (lý hàn), mạch trrầm trì (lý hàn) hoặc phù khẩn (biểu hàn).
2.2.2. Nhiệt chứng: Sốt, thích mát, mặt đỏ, tay chân nóng, tiểu tiện ít đỏ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô (vàng mỏng là biểu nhiệt, vàng dày là lý nhiệt), mạch sác (phù sác là biểu nhiệt, hồng sác là lý nhiệt).
Hàn chứng thường thuộc âm thịnh, nhiệt chứng thường thuộc dương thịnh. Hàn nhiệt còn phối hợp với các cương lĩnh khác, lẫn lộn với nhau, thật giả lẫn nhau.
2.3. Hư và Thực
Hư và thực là hai cương lĩnh dùng để đánh giá trạng thái người bệnh và tác nhân gây bệnh để trên cơ sở đó đề ra phương pháp chữa bệnh.
2.3.1 Hư chứng: Hư chứng là biểu hiện của chính khí (bao gồm các mặt: âm, dương, khí, huyết) suy nhược nên trên lâm sàng biểu hiện hư suy: âm hư, dương hư, khí hư và huyết hư. Do có hiện tượng hư nhược nên phản ứng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh bị giảm sút.
Những biểu hiện chính của hư chứng trên lâm sàng: bệnh thường mắc đã lâu, tinh thần yếu đuối, mệt mỏi, không có sức, sắc mặt trắng, người gầy, thở ngắn, hồi hộp đi tiểu luôn hoặc không tự chủ, tự ra mồ hôi (tự hãn) hoặc ra mồ hôi trộm (đạo hãn), chất lưỡi nhạt, mạch tế…
2.3.2. Thực chứng: Thực chứng là do cảm phải ngoại tà hay do khí trệ, huyết ứ, đàm tích, ứ nước, giun sán gây bệnh.
Những biểu hiện của thực chứng tên lâm sàng: bệnh thường mới mắc, ngực bụng đầy chướng, đau cự án, đại tiện táo bón, mót rặn, đại tiện bí, đái buốt, đái dắt, hơi thở thô và mạnh, phiền táo, rêu lưỡi vàng, mạch thực, hữu lực…
2.4. Âm và dương
Âm và dương là hai cương lĩnh tổng quát để đánh giá xu thế phát triển bệnh và những hiện tưọng hàn, nhiệt, hư, thực luôn luôn phối hợp và lẫn lộn với nhau.
Sự mất thăng bằng âm dương biểu hiện bằng sự thiên thắng (âm thịnh, dương thịnh) hay thiên suy (âm hư, dương hư, vong âm, vong dương).
2.4.1. Âm chứng và dương chứng:
- Âm chứng thường bao gồm các hội chứng hư và hàn phối hợp với nhau.
- Dương chứng thường bao gồm các hội chứng thực và nhiệt phối hợp với nhau.
2.4.2. Âm hư và dương hư:
- Âm hư: thường do tân dịch, huyết không đầy đủ làm cho phần dương nổi lên sinh ra chứng hư nhiệt “âm hư sinh nội nhiệt”: triều nhiệt, đau nhức trong xương, gò má đỏ, đạo hãn, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô, họng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác…
- Dương hư: thường do công năng (phần dương) trong cơ thể giảm sút đặc biệt là vệ khí suy làm cho phần âm vượt trội sinh chứng “dương hư sinh ngoại hàn”: sợ lạnh, chân tay lạnh, ăn không tiêu, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch nhược vô lực…
2.4.3. Vong âm vong dương:
- Vong âm: Là hiện tượng mất nước do ra mồ hôi hoặc ỉa chảy nhiều: khát thích uống nước lạnh, chân tay ấm, mồ hôi nóng và mặn không dính, lưỡi khô, mạch phù vô lực v.v…
- Vong dương: là kết quả của sự vong âm đến giai đoạn nào đó sẽ gây vong dương xuất hiện choáng, truỵ mạch còn gọi là “thoát dương”: người lạnh, tay chân lạnh, mồ hôi lạnh nhạt dính, không khát thích uống nước nóng, lưỡi nhuận, mạch vi muốn tuyệt v.v…
3, Cần nắm vững được sự phối hợp của các cương lĩnh, hiện tượng chân giả, bán biểu bán lý
3.1. Sự phối hợp giữa các cương lĩnh
3.1.1. Biêu lý hàn nhiệt:
- Biểu hàn: Sợ lạnh nhiều, sốt ít, đau người, không có mồ hôi, trời lạnh bệnh tăng lên, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn…
- Biểu nhiệt: Sợ lạnh ít, sốt nhiều, miệng hơi khát, lưỡi đỏ rêu vàng mỏng, mạch phú sác…
- Lý hàn: Người lạnh, tay chân lạnh, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dày, mạch trầm trì…
- Lý nhiệt: Người nóng, mặt đỏ, miệng khô khát, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dày, đại tiện táo, tiểu vàng, mạch sâc…
3.1.2. Biểu lý hư thực:
- Biểu hư: Sợ gió, tự ra mồ hôi, rêu lưỡi mỏng, mạch phù hoãn…
- Biểu thực: Sợ lạnh, sợ gió, đau mình, không có mồ hôi, rêu mỏng, mạch phù hữu lực…
- Lý hư, lý thực (xem phần bát cương)
3.2. Sự lẫn lộn (thác tạp) giữa các cương lĩnh
- Biểu lý lẫn lộn: Vừa có bệnh ở biểu vừa có ở lý
- Hàn nhiệt lẫn lộn: Bệnh vừa có chứng hàn vừa có chứng nhiệt
- Hư thực lẫn lộn: Bệnh vừa có cả hư vừa có cả thực
3.3. Hiện tượng chân giả
Là hiện tượng triệu chứng bệnh xuất hiện không phù hợp với bản chất, với nguyên nhân của bệnh. Có hai hiện tượng sau:
3.3.1. Chân hàn giả nhiệt: Bản chất của bệnh là hàn (chân hàn) nhưng biểu hiện ra bên ngoài là các triệu chứng thuộc về nhiệt (giả nhiệt). Ví dụ đau bụng ỉa chảy do lạnh (chân hàn) gây mất nước, mất điện giải dẫn đến sôt cao (giả nhiệt).
3.3.2. Bệnh nhiệt giả hàn: Nhiễm trùng gây sốt cao, vật vã, khát nước (chân nhiệt) bệnh diễn biến nặng gây sốc nhiễm trùng rét run, mạch nhanh tay chân lạnh, vã mồ hôi, huyết áp tụt (giả hàn).
3.4. Hiện tượng bán biểu bán lý: Bệnh tà không ở biểu mà cũng không ở lý, bệnh thuộc kinh thiếu dương, lúc nóng, lúc rét.

Không có nhận xét nào: