26/11/13

Định Ninh tôi học mạch


GIỚI THIỆU SÁCH “ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH”

            Bắt mạch là 1 trong 4 nội dung để khám bệnh theo Đông Y , Vọng (nhìn, quan sát), Văn (nghe, ngửi), Vấn (hỏi bệnh), Thiết (sờ nắn, bắt mạch). Trong chẩn đoán bệnh, có những trường hợp những triệu chứng của bệnh nhân (Vọng chẩn, Văn chẩn, Vấn chẩn) và mạch (Thiết chẩn) của bệnh nhân không tương quan với nhau, thì tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người Thầy thuốc phải bỏ chứng mà theo mạch hay là bỏ mạch mà theo chứng. Do đó bắt Mạch là một phần không thể thiếu trong khám bệnh theo Đông y.
            Tuy nhiên, bắt Mạch đúng là một chuyện rất khó, bởi vì nó tùy thuộc vào cảm nhận bằng đầu ngón tay của người Thầy thuốc. Bắt mạch phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài.
            Ngày xưa học nghề thuốc thì có Thầy cầm tay chỉ Mạch. Hiện nay, việc học Mạch càng khó khăn hơn, bởi vì thiếu thốn đủ thứ.
            Bởi thế nên tôi xin giới thiệu với các bạn quyển sách ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH của Cụ ĐỊNH NINH – LÊ ĐỨC THIẾP, một quyển sách mà tôi cho là dễ đọc, dễ hiểu và rất có giá trị. Quyển sách này do BS HUỲNH CẨM KHƯƠNG đánh máy lại trên nguyên tắc tôn trọng bản gốc và bản quyền của tác giả, một số hình ảnh do trên bản gốc quá mờ nên tôi xin phép được thay bằng ảnh khác. Chúng tôi làm công việc này không ngoài mục đích phổ biến một tài liệu rất có giá trị nhằm giữ gìn và phát triển nền y học Đông phương.
Xin được phép và biết ơn Cụ  Định Ninh!
         PGS.TS.LƯU THỊ HIỆP- Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Hồng đức 3

LỜI NÓI ĐẦU
            Tháng giêng năm 1979 tôi giải bài đề tài Định Ninh Tôi xem Mạch tại câu lạc bộ Viện Y Dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh.
           Tháng sáu năm 1980 đề tài này được câu lạc bộ YHDT của Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh cho ấn hành. Tất cả tôi nhận được nhiều khen thưởng và khích lệ.
Từ đó tôi gặp nhiều quý vị lương y cao niên bạn, và các quý vị lương y, bác sỹ cao học vặn hỏi: 
“Ông xem mạch như vậy, ông học mạch thế nào?”.
Đồng thời tôi nhận thấy các bạn tân tiến ham nghiên cứu y học cổ truyền đòi hỏi sách mạch của tôi khá nhiều.
            Lý do đó khiến tập sách Định Ninh Tôi Học Mạch ra đời để nói rõ phương thức học mạch của tôi, nhằm trả lời các bậc trên và đáp lại lòng mong muốn của các bạn tân tiến.
Mở đầu vào nghề khi tôi mới 18 tuổi đã có học trình phổ thông, phụ huynh tôi chỉ dạy sơ bộ về Âm Dương, Ngũ Hành, Ngũ Tạng, Lục phủ và Thập nhị kinh lạc. Sau mới dạy tôi học Mạch. Tôi cũng chỉ để tay trên bộ Mạch lần mò phỏng đoán nói dựa. Người ngoài nhìn cho là tôi đã biết xem Mạch, thực ra tôi chẳng hiểu gì.
            Tôi đọc các sách Mạch Việt văn của các vị tiền bối phiên dịch, tôi thấy ngắn gọn như cổ thư, khó tiếp thu.
            Tôi đọc mấy sách mạch Hán văn lại quá thâm uyên không tìm ra đầu mối gốc rễ. khi tôi đọc mạch pháp Y Học Nhập Môn ( tác giả Nam Phong Lý Diên) tôi mới tìm ra được nhưng phương thức bắt mạch cơ bản, rành mạch.
            Tôi nhìn thấy rõ một con đường học mạch khá dài, có phương thức thứ tự, không lộn xộn sau trước, không mơ màng chán nản trong tư tưởng. Tôi học mạch theo đường ấy như có người chỉ dẫn đi từ gần dần dần ra xa xa, rồi tới đích rất chính xác. Kèm theo đó trong khi tôi xem mạch cho người bệnh, tôi vẽ từng nét Mạch để suy luận và luôn luôn suy nghĩ về Mạch lý trong đầu óc. Nhờ vậy đến ngày nay tôi 80 tuổi cũng nắm chắc được ít nhiều trong Mạch học, để nói ra đây.
            Phương thức thứ tự này là đầu mối, là chủ chốt để học mạch. Những mạch gia thiên tài cao giỏi gấp mấy cũng không ngoài phương thức này trước khi thông đạt: những Nạn kinh mạch, Lư san mạch cũng phải qua trình độ này mới đọc được.
Ngoài ra Thời lệnh mạch, Kỳ kinh mạch, tôi còn đang học chưa dám bàn tới. Còn Thái tố mạch là mạch xem về vận số không thuộc phạm vi xem mạch biết bệnh, không nói đến.
            Nội dung ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH này chỉ trình bày phương thức thứ tự nói trên. Các bạn tân tiến ham học đọc hết mà suy luận có thể như bắt tay các bạn vào xem mạch để biết bệnh vậy.
            Sau 10 năm soạn thảo và 10 tháng viết ra, nay “Định Ninh Tôi Học Mạch” đã xong. Tôi thành tâm cống hiến tâm đắc này để quý vị tham khảo.
                                      Thành phố Hồ Chí Minh, Mùa thu năm 1981.
                                                      Lương Y Định Ninh Lê Đức Thiếp.

Trích đoạn: " .......
THIẾT CHẨN
1.ĐẠI CƯƠNG
1.1.ĐỊNH NGHĨA: 
            -Thiết chẩn: Xem xét bệnh bằng cách lấy 3 ngón tay của mình để vào cổ tay bệnh nhân xét mạch để biết .
1.2.5.QUAN HỆ GIỮA MẠCH VÀ KHÍ HUYẾT:
            -Mạch phải có khí huyết thì mạch mới có nguồn sin lực. Nếu mạch không có khí huyết thì mạch rỗng không vô dụng.
            -Khí huyết phải có mạch thì Khí huyết mới có đường hướng vận hành lưu loát. Nếu khí huyết không có đường mạch thì khí huyết vận hành hỗn tạp tán loạn.
            -Mạch là chủ của khí huyết, mà khí huyết là hơi sức và Tinh thần của mạch.
            -Mạch là bản thể của khí huyết, mà khí huyết là công dụng của mạch.
(Mạch là con đường để Khí Huyết lưu hành thì đường mạch là bản thể. Khi Khí Huyết đã vào đường mạch lưu hành thì Khí Huyết là công dụng của đường mạch. Ví như cái vỏ chai để đựng rượu thì vỏ chai là bản thể. Khi rượu đã đổ vào trong chai thì rượu là công dụng của chai).
            -Bởi những lẽ đó mà nói rằng : “Khí huyết thịnh thì mạch thịnh, nếu khí huyết suy thì mạch suy, khí huyết hòa thì mạch bình, nếu khí huyết loạn thì mạch bệnh”. Ta xem thấy mạch thịnh thì ta biết khí huyết của người ấy mạnh.
            -Ta xem thấy mạch suy thì ta biết khí huyết người ấy đã yếu.
            -Ta xem thấy mạch bình, ta biết khí huyết người ấy bình thường.
            -Ta xem thấy mạch bệnh ta biết khí huyết người ấy rối loạn.
            -Mạch vận hành khí huyết mà khí huyết cũng vận hành mạch vậy.
(Đọc các câu này ta lại suy luận về hai chữ Thể và Dụng nói trên. Ta thấy khí huyết thịnh thì mạch thịnh, cũng như chai đầy nước thì chai nặng. Khí huyết suy thì mạch suy, cũng như chai vơi nước thì chai nhẹ v.v…)
Như vậy thấy rằng, Mạch và Khí Huyết quan hệ với nhau rất là sâu rộng và mật thiết.

1.3.NGUỒN GỐC VẬN HÀNH CỦA MẠCH
            -Mạch sinh ra bởi Âm Dương, nhưng sở dĩ vận hành được là nhờ Động khí ở Thận trước.
            -Động khí là thế nào?-Động khí là cái khí của nó tự động nên cũng gọi động mạch (cái khí tự động trong mạch). Khí ở Thận chuyển động trước rồi từ đấy theo mạch chuyển động vận hành các kinh, khác nào như dây tóc của đồng hồ, dây tóc có chuyển vận thì các bánh xe nhỏ mới chạy.
            -Mạch vận hành mãi mãi là nhờ Thực phẩm nuôi dưỡng. Người ta ăn uống cơm nước vào, Tỳ Vị đem tiêu hóa, lọc lấy thanh khí nuôi dưỡng 12 kinh, lọc lấy “chất nhựa” nuôi dưỡng tạng phủ cơ thể. Kinh tạng nào cũng nhờ thanh khí và “chất nhựa” ấy (Tức Khí-Huyết) mà mạch vận hành mãi được. Khác nào như ta cho dầu vào các bánh xe của đồng hồ để cho nó chạy điều hòa.
            -Thân thể người ta lấy “vị khí” làm gốc.
            -Vị là nguồn sống của ngũ tạng và lục phủ, cho nên nói rằng “người ta khi có bệnh xem mạch thấy hãy còn Vị khí thì sống, nếu hết Vị khí sẽ chết” nghĩa là xem mạch “trung án” đi mạnh, có lực là mạch Vị khí còn, ngược lại Vị khí hết.
Tóm lại mạch vận hành bắt đầu nhờ động khí ở Thận, vận hành mãi mãi được nhờ cốc khí ở Vị (tỳ vị).
            -Thận thuộc thủy, Tỳ thuộc thổ. Bởi vậy nói : “Thận là tiên thiên, Tỳ là hậu thiên”.
            -Bệnh tật trong người, Nội thương Thất tình hay Ngoại cảm Lục dâm hay bệnh thuộc kinh lạc tạng phủ v.v…. đều theo sự lưu hành của Khí và Huyết báo hiệu ra đường mạch, muốn biết phải xem mạch.
Người thầy thuốc xem mạch biết được kinh lạc tạng phủ nào hư, kinh lạc tạng phủ nào thực rồi mới thành lập phương dược cho có quân thần tá sứ, mới quyết định được Huyệt đạo châm cứu và có phương hướng Bổ tả nông sâu. Vậy việc xem mạch là công việc cần thiết của người thầy thuốc.
            -Mạch nải y chi thủ vụ: Xem mạch là công việc đầu tiên của người thầy thuốc.

1.4.THỜI GIAN CHẨN MẠCH
            -Người xưa dạy: Thời gian chẩn mạch nên dùng những buổi sáng sớm (khoảng 5,6 giờ sáng, giờ Dần). Bởi khi ấy khí trời bình minh thanh sảng mà con người sau khi đã nằm nghỉ một đêm vừa mới thức tỉnh : Tâm tư chưa suy nghĩ gì, Tỳ vị chưa ăn uống gì, tay chân chưa hoạt động gì. Khí huyết cơ thể đang yên tĩnh, mạch máu đang lưu thông điều độ. Bấy giờ ta chẩn mạch chắc chắn sẽ thấu hiểu bệnh tình dễ dàng và chính xác. Nếu chẩn mạch sau giờ nói trên hay muộn hơn nữa, con người đã ăn uống, đã hoạt động, tinh thần đã suy tư hỗn tạp, khí huyết đã rung chuyển đường mạch nên không được chính xác bằng.
Thời gian ấy người bệnh phải giữ, nghĩa là cứ phải nằm yên tỉnh trên giường bệnh, để đợi thầy thuốc đến xem mạch. Còn người thầy thuốc cũng phải giữ thời gian ấy, nghĩa là tỉnh thức dậy đi xem mạch ngay.
            -Xét ra nguyên tắc xem mạch ấy, nếu tất cả người bệnh đều giữ như thế được, thật rất hay và rất tốt. Nhưng thấy rằng, như vậy thì chỉ những người có thời gian thong thả, có hoàn cảnh thuận tiện mới thực hiện được.
            -Ngoài ra những người bệnh phải cấp trị, những người có công tác đặc biệt và những bệnh viện, những dưỡng đường 8 giờ sáng mới mở cửa để thầy thuốc khám bệnh, làm sao có thể giữ được nguyên tắc thời gian ấy.
Nói tóm lại, việc chẩn trị bất luận nơi đâu, bất luận lúc nào, chỉ cần nằm yên tĩnh thì hơn.

1.5.THẤT CHẨN PHÁP (7 Nguyên tắc cốt yếu) ( xem tiếp ở phần up tiếp theo )

Không có nhận xét nào: