26 tháng 11 2013

Định Ninh tôi học mạch


GIỚI THIỆU SÁCH “ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH”

            Bắt mạch là 1 trong 4 nội dung để khám bệnh theo Đông Y , Vọng (nhìn, quan sát), Văn (nghe, ngửi), Vấn (hỏi bệnh), Thiết (sờ nắn, bắt mạch). Trong chẩn đoán bệnh, có những trường hợp những triệu chứng của bệnh nhân (Vọng chẩn, Văn chẩn, Vấn chẩn) và mạch (Thiết chẩn) của bệnh nhân không tương quan với nhau, thì tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người Thầy thuốc phải bỏ chứng mà theo mạch hay là bỏ mạch mà theo chứng. Do đó bắt Mạch là một phần không thể thiếu trong khám bệnh theo Đông y.
            Tuy nhiên, bắt Mạch đúng là một chuyện rất khó, bởi vì nó tùy thuộc vào cảm nhận bằng đầu ngón tay của người Thầy thuốc. Bắt mạch phải có một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài.
            Ngày xưa học nghề thuốc thì có Thầy cầm tay chỉ Mạch. Hiện nay, việc học Mạch càng khó khăn hơn, bởi vì thiếu thốn đủ thứ.
            Bởi thế nên tôi xin giới thiệu với các bạn quyển sách ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH của Cụ ĐỊNH NINH – LÊ ĐỨC THIẾP, một quyển sách mà tôi cho là dễ đọc, dễ hiểu và rất có giá trị. Quyển sách này do BS HUỲNH CẨM KHƯƠNG đánh máy lại trên nguyên tắc tôn trọng bản gốc và bản quyền của tác giả, một số hình ảnh do trên bản gốc quá mờ nên tôi xin phép được thay bằng ảnh khác. Chúng tôi làm công việc này không ngoài mục đích phổ biến một tài liệu rất có giá trị nhằm giữ gìn và phát triển nền y học Đông phương.
Xin được phép và biết ơn Cụ  Định Ninh!
         PGS.TS.LƯU THỊ HIỆP- Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Hồng đức 3

LỜI NÓI ĐẦU
            Tháng giêng năm 1979 tôi giải bài đề tài Định Ninh Tôi xem Mạch tại câu lạc bộ Viện Y Dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh.
           Tháng sáu năm 1980 đề tài này được câu lạc bộ YHDT của Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh cho ấn hành. Tất cả tôi nhận được nhiều khen thưởng và khích lệ.
Từ đó tôi gặp nhiều quý vị lương y cao niên bạn, và các quý vị lương y, bác sỹ cao học vặn hỏi: 
“Ông xem mạch như vậy, ông học mạch thế nào?”.
Đồng thời tôi nhận thấy các bạn tân tiến ham nghiên cứu y học cổ truyền đòi hỏi sách mạch của tôi khá nhiều.
            Lý do đó khiến tập sách Định Ninh Tôi Học Mạch ra đời để nói rõ phương thức học mạch của tôi, nhằm trả lời các bậc trên và đáp lại lòng mong muốn của các bạn tân tiến.
Mở đầu vào nghề khi tôi mới 18 tuổi đã có học trình phổ thông, phụ huynh tôi chỉ dạy sơ bộ về Âm Dương, Ngũ Hành, Ngũ Tạng, Lục phủ và Thập nhị kinh lạc. Sau mới dạy tôi học Mạch. Tôi cũng chỉ để tay trên bộ Mạch lần mò phỏng đoán nói dựa. Người ngoài nhìn cho là tôi đã biết xem Mạch, thực ra tôi chẳng hiểu gì.
            Tôi đọc các sách Mạch Việt văn của các vị tiền bối phiên dịch, tôi thấy ngắn gọn như cổ thư, khó tiếp thu.
            Tôi đọc mấy sách mạch Hán văn lại quá thâm uyên không tìm ra đầu mối gốc rễ. khi tôi đọc mạch pháp Y Học Nhập Môn ( tác giả Nam Phong Lý Diên) tôi mới tìm ra được nhưng phương thức bắt mạch cơ bản, rành mạch.
            Tôi nhìn thấy rõ một con đường học mạch khá dài, có phương thức thứ tự, không lộn xộn sau trước, không mơ màng chán nản trong tư tưởng. Tôi học mạch theo đường ấy như có người chỉ dẫn đi từ gần dần dần ra xa xa, rồi tới đích rất chính xác. Kèm theo đó trong khi tôi xem mạch cho người bệnh, tôi vẽ từng nét Mạch để suy luận và luôn luôn suy nghĩ về Mạch lý trong đầu óc. Nhờ vậy đến ngày nay tôi 80 tuổi cũng nắm chắc được ít nhiều trong Mạch học, để nói ra đây.
            Phương thức thứ tự này là đầu mối, là chủ chốt để học mạch. Những mạch gia thiên tài cao giỏi gấp mấy cũng không ngoài phương thức này trước khi thông đạt: những Nạn kinh mạch, Lư san mạch cũng phải qua trình độ này mới đọc được.
Ngoài ra Thời lệnh mạch, Kỳ kinh mạch, tôi còn đang học chưa dám bàn tới. Còn Thái tố mạch là mạch xem về vận số không thuộc phạm vi xem mạch biết bệnh, không nói đến.
            Nội dung ĐỊNH NINH TÔI HỌC MẠCH này chỉ trình bày phương thức thứ tự nói trên. Các bạn tân tiến ham học đọc hết mà suy luận có thể như bắt tay các bạn vào xem mạch để biết bệnh vậy.
            Sau 10 năm soạn thảo và 10 tháng viết ra, nay “Định Ninh Tôi Học Mạch” đã xong. Tôi thành tâm cống hiến tâm đắc này để quý vị tham khảo.
                                      Thành phố Hồ Chí Minh, Mùa thu năm 1981.
                                                      Lương Y Định Ninh Lê Đức Thiếp.

Trích đoạn: " .......
THIẾT CHẨN
1.ĐẠI CƯƠNG
1.1.ĐỊNH NGHĨA: 
            -Thiết chẩn: Xem xét bệnh bằng cách lấy 3 ngón tay của mình để vào cổ tay bệnh nhân xét mạch để biết .
1.2.5.QUAN HỆ GIỮA MẠCH VÀ KHÍ HUYẾT:
            -Mạch phải có khí huyết thì mạch mới có nguồn sin lực. Nếu mạch không có khí huyết thì mạch rỗng không vô dụng.
            -Khí huyết phải có mạch thì Khí huyết mới có đường hướng vận hành lưu loát. Nếu khí huyết không có đường mạch thì khí huyết vận hành hỗn tạp tán loạn.
            -Mạch là chủ của khí huyết, mà khí huyết là hơi sức và Tinh thần của mạch.
            -Mạch là bản thể của khí huyết, mà khí huyết là công dụng của mạch.
(Mạch là con đường để Khí Huyết lưu hành thì đường mạch là bản thể. Khi Khí Huyết đã vào đường mạch lưu hành thì Khí Huyết là công dụng của đường mạch. Ví như cái vỏ chai để đựng rượu thì vỏ chai là bản thể. Khi rượu đã đổ vào trong chai thì rượu là công dụng của chai).
            -Bởi những lẽ đó mà nói rằng : “Khí huyết thịnh thì mạch thịnh, nếu khí huyết suy thì mạch suy, khí huyết hòa thì mạch bình, nếu khí huyết loạn thì mạch bệnh”. Ta xem thấy mạch thịnh thì ta biết khí huyết của người ấy mạnh.
            -Ta xem thấy mạch suy thì ta biết khí huyết người ấy đã yếu.
            -Ta xem thấy mạch bình, ta biết khí huyết người ấy bình thường.
            -Ta xem thấy mạch bệnh ta biết khí huyết người ấy rối loạn.
            -Mạch vận hành khí huyết mà khí huyết cũng vận hành mạch vậy.
(Đọc các câu này ta lại suy luận về hai chữ Thể và Dụng nói trên. Ta thấy khí huyết thịnh thì mạch thịnh, cũng như chai đầy nước thì chai nặng. Khí huyết suy thì mạch suy, cũng như chai vơi nước thì chai nhẹ v.v…)
Như vậy thấy rằng, Mạch và Khí Huyết quan hệ với nhau rất là sâu rộng và mật thiết.

1.3.NGUỒN GỐC VẬN HÀNH CỦA MẠCH
            -Mạch sinh ra bởi Âm Dương, nhưng sở dĩ vận hành được là nhờ Động khí ở Thận trước.
            -Động khí là thế nào?-Động khí là cái khí của nó tự động nên cũng gọi động mạch (cái khí tự động trong mạch). Khí ở Thận chuyển động trước rồi từ đấy theo mạch chuyển động vận hành các kinh, khác nào như dây tóc của đồng hồ, dây tóc có chuyển vận thì các bánh xe nhỏ mới chạy.
            -Mạch vận hành mãi mãi là nhờ Thực phẩm nuôi dưỡng. Người ta ăn uống cơm nước vào, Tỳ Vị đem tiêu hóa, lọc lấy thanh khí nuôi dưỡng 12 kinh, lọc lấy “chất nhựa” nuôi dưỡng tạng phủ cơ thể. Kinh tạng nào cũng nhờ thanh khí và “chất nhựa” ấy (Tức Khí-Huyết) mà mạch vận hành mãi được. Khác nào như ta cho dầu vào các bánh xe của đồng hồ để cho nó chạy điều hòa.
            -Thân thể người ta lấy “vị khí” làm gốc.
            -Vị là nguồn sống của ngũ tạng và lục phủ, cho nên nói rằng “người ta khi có bệnh xem mạch thấy hãy còn Vị khí thì sống, nếu hết Vị khí sẽ chết” nghĩa là xem mạch “trung án” đi mạnh, có lực là mạch Vị khí còn, ngược lại Vị khí hết.
Tóm lại mạch vận hành bắt đầu nhờ động khí ở Thận, vận hành mãi mãi được nhờ cốc khí ở Vị (tỳ vị).
            -Thận thuộc thủy, Tỳ thuộc thổ. Bởi vậy nói : “Thận là tiên thiên, Tỳ là hậu thiên”.
            -Bệnh tật trong người, Nội thương Thất tình hay Ngoại cảm Lục dâm hay bệnh thuộc kinh lạc tạng phủ v.v…. đều theo sự lưu hành của Khí và Huyết báo hiệu ra đường mạch, muốn biết phải xem mạch.
Người thầy thuốc xem mạch biết được kinh lạc tạng phủ nào hư, kinh lạc tạng phủ nào thực rồi mới thành lập phương dược cho có quân thần tá sứ, mới quyết định được Huyệt đạo châm cứu và có phương hướng Bổ tả nông sâu. Vậy việc xem mạch là công việc cần thiết của người thầy thuốc.
            -Mạch nải y chi thủ vụ: Xem mạch là công việc đầu tiên của người thầy thuốc.

1.4.THỜI GIAN CHẨN MẠCH
            -Người xưa dạy: Thời gian chẩn mạch nên dùng những buổi sáng sớm (khoảng 5,6 giờ sáng, giờ Dần). Bởi khi ấy khí trời bình minh thanh sảng mà con người sau khi đã nằm nghỉ một đêm vừa mới thức tỉnh : Tâm tư chưa suy nghĩ gì, Tỳ vị chưa ăn uống gì, tay chân chưa hoạt động gì. Khí huyết cơ thể đang yên tĩnh, mạch máu đang lưu thông điều độ. Bấy giờ ta chẩn mạch chắc chắn sẽ thấu hiểu bệnh tình dễ dàng và chính xác. Nếu chẩn mạch sau giờ nói trên hay muộn hơn nữa, con người đã ăn uống, đã hoạt động, tinh thần đã suy tư hỗn tạp, khí huyết đã rung chuyển đường mạch nên không được chính xác bằng.
Thời gian ấy người bệnh phải giữ, nghĩa là cứ phải nằm yên tỉnh trên giường bệnh, để đợi thầy thuốc đến xem mạch. Còn người thầy thuốc cũng phải giữ thời gian ấy, nghĩa là tỉnh thức dậy đi xem mạch ngay.
            -Xét ra nguyên tắc xem mạch ấy, nếu tất cả người bệnh đều giữ như thế được, thật rất hay và rất tốt. Nhưng thấy rằng, như vậy thì chỉ những người có thời gian thong thả, có hoàn cảnh thuận tiện mới thực hiện được.
            -Ngoài ra những người bệnh phải cấp trị, những người có công tác đặc biệt và những bệnh viện, những dưỡng đường 8 giờ sáng mới mở cửa để thầy thuốc khám bệnh, làm sao có thể giữ được nguyên tắc thời gian ấy.
Nói tóm lại, việc chẩn trị bất luận nơi đâu, bất luận lúc nào, chỉ cần nằm yên tĩnh thì hơn.

1.5.THẤT CHẨN PHÁP (7 Nguyên tắc cốt yếu) ( xem tiếp ở phần up tiếp theo )

Tần Hồ mạch học




濒  湖  脉  学
TẦN HỒ MẠCH HỌC
 Tác giả: Lý Thời Trân


PHẦN I: TỨ NGÔN QUYẾT
I. KINH MẠCH DỮ MẠCH KHÍ

Nguyên văn                       Phiên âm

脉  乃 血 脉             Mạch nãi, huyết mạch
气  血 之 先             Khí huyết chi tiên
血 之 遂 道              Huyết chi toại đạo
气 息  应 焉             Khí tức ứng yên
其 像 法 地              Kỳ tượng pháp địa
血 之 府 也              Huyết chi phủ dã
心 之 侠 也             Tâm chi hợp dã
皮 之 部 也              Bì chi bộ dã

Dịch nghĩa:
Mạch là huyết mạch
Khí huyết dẫn đầu
Đường đi của huyết
Hơi thở ứng vào
Như dòng sông chảy
Dung nạp đều đều
Trong hòa tâm tạng
Ngoài khắp bì phu

Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về sinh lý của kinh mạch
Kinh mạch tức là đường mạch, còn gọi là huyết mạch, là bộ máy (khí quan) tự hình thành mộ hệ thống để vận chuyển tuần hoàn huyết dịch trong cơ thể con người. Sự vận hành khí huyết của toàn thân phải thông qua tác dụng “Tiên đạo” (dẫn đầu) của kinh mạch mới làm tròn được. Phàm chỗ nào có kinh mạch thì chỗ đó có khí huyết đến. Cho nên kinh mạch chẳng những là đường lưu thông của huyết dịch mà còn liên quan chặt chẽ nhịp nhàng với hơi thở (tức là hơi thở hít vào thở ra, một lần thở ra, một lần hít vào là nhất tức – một nhịp thở). Kinh mạch phân bố một cách hợp lý trong cơ thể người ta giống như những dòng sông lớn nhỏ chảy hoài và tồn tại trên mặt đất, bên trong trực tiếp phối hợp với tâm tạng, bên ngoài thì rải khắp giữa bì phu và cơ nhục, làm cho huyết dịch toàn thân đều được dung nạp, từ đó hình thành toàn bộ sự tuần hoàn của huyết dịch.

Nguyên văn                            Phiên âm

兹 水 于 肾                        Tư thủy vu thận
兹 生 于 胃                        Tư sinh vu Vỵ
阳 中 之 阴                        Dương trung chi âm
本 乎 赢 卫                        Bản hồ dinh vệ
赢 也 阴 血                        Dinh giả âm huyết
卫 也 阳 气                        Vệ giả dương khí
赢 行 脉 中                       Dinh hành mạch trung
卫 行 脉 外                       Vệ hành mạch ngoại

Dịch nghĩa
Tiên thiên nhờ thận
Hậu thiên vỵ tỳ
Âm nằm trong dương
Vốn là dinh vệ
Dinh là âm huyết
Vệ là dương khí
Dinh đi trong mạch
Vệ đi ngoài mạch

Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về sự sinh thành của mạch khí.
Sở dĩ mạch có thể đập không ngừng chủ yếu là nhờ có sự tồn tại của “mạch khí” là một thứ cơ năng của bản thân kinh mạch. Cơ năng này chẳng những nhận được sự cung cấp không ngừng của tiên thiên là “thận khí” và hậu thiên là “vỵ khí” để tồn tại mà còn phải phối hợp với dinh khí, vệ khí nữa, mới là căn bản nhịp đập của “mạch khí”. Nói về tính chất của “mạch khí”, nó thuộc về “âm khí trong dương”. Vì khí vốn thuộc dương song mạch lại thuộc âm mà khí tồn tại ở trong kinh mạch, chứ không phải “dương khí” đơn thuần, mà có một phần “âm khí” trong đó. Dinh khí và Vệ khí đều sinh ra từ ở Tỳ Vỵ, dinh khí có đầy đủ công năng để bảo vệ phần biểu của cơ thể. Dinh khí tồn tại trong huyết dịch cho nên dinh khí và âm huyết cùng vận hành trong kinh mạch. Vệ khí là một loại của dương khí, cho nên vệ khí đi ở bên ngoài kinh mạch. Như vậy, tác dụng tương hỗ trong, ngoài, âm, dương chính là duy trì hoạt động bình thường của “mạch khí”.

Nguyên văn                       Phiên âm

脉 不 自 行               Mạch bất tự hành
隋 气 而 至               Tùy khí nhi chí
气 动 脉 应               Khí động mạch ứng
阴 阳 之 义               Âm dương chi nghĩa
气 如 托 跃                Khí như thác dược
血 如 波 澜                Huyết như ba lan
血 脉 气 息                Huyết mạch khí tức
上 下 循 完                Thượng hạ tuần hoàn

Dịch nghĩa
Mạch không tự đi
Mà theo khí đến ‘
Khí động mạch ứng
Nghĩa âm dương âý
Khí tựa quạt vào
Huyết như sóng gợn
Huyết mạch nhịp nhàng
Tuần hoàn trên dưới
Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về ý nghĩa “vỵ khí” và “tông khí” dẫn dắt huyết lưu hành, kinh mạch vận động theo khí.
Bản thân kinh mạch không thể tự mình vận động đơn độc, nhất định phải theo sự vận động của “vỵ khí” và “tông khí ” mới vận động được. Cái nghĩa Kinh mạch vận động theo “vỵ khí” và “tông khí ” có thể khái quát là kết quả của tác dụng tương hỗ “âm kinh”, “dương khí”. Mạch thuộc âm, khí thuộc dương, âm mạch dương khí phối hợp với nhau, sinh ra sự vận động không ngừng. Sự vận hành của dương khí, có tác dụng cổ động như chiếc quạt gió, huyết dịch trong kinh mạch nhận được sự cổ động của dương khí tức là “vỵ khí” và “tông khí” liền dấy lên những làn sóng gợn, lên xuống lại qua, tuần hoàn vô tận.
Nguyên văn                       Phiên âm

十 二 经 中                 Thập nhị kinh trung
皆 有 动 脉                 Giai hữu động mạch
惟 手 太 阴                 Duy thủ thái âm
寸 口 手 决                 Thốn khẩu thủ quyết
手 经 属 肺                 Thủ kinh thuộc phế
上 系 行 益                 Thượng hệ hàng ích
脉 之 大 会                 Mạch chi đại hội
息 之 出 入                 Tức chi xuất nhập
一  呼 一 吸                 Nhất hô nhất hấp
四 之 为 息                 Tứ chi vi tức
日 夜 一 万                 Nhật dạ nhất vạn
三 千 五 百                 Tam thiên ngũ bách
一 呼 一 吸                 Nhất hô nhất hấp
脉 行 六 寸                 Mạch hành lục thốn
日 夜 八 百                 Nhật dạ bát bách
十 丈 为 隼                 Thập trượng vi chuẩn

Dịch nghĩa
Trong mười hai kinh
Đều có mạch đập
Riêng thủ thái âm
Mạch nằm thốn khẩu
Phế thuộc kinh này
Trên là cổ họng
Mạch tụ nơi đây
Vào ra nhị thở
Thở ra hít vào
Là bốn nhịp đập
Ngày đêm một vạn
Ba ngàn năm trăm
Nhất hô nhất hấp
Mạch đi sáu tấc
Đúng một ngày đêm
Tám trăm mười trượng

Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về ý nghĩa của “thốn khẩu” và quan hệ hô hấp với sự lưu thông của huyết mạch.
Kinh chính của toàn thân có 12 kinh mạch, mỗi một kinh mạch đều có chỗ có thể bắt được nhịp đập của mạch. Vậy tại sao tất cả đều chỉ bắt mạch ở bộ vị thốn khẩu nơi thuộc kinh mạch của Thủ thái âm phế? Kinh thủ thái âm là kinh mạch thuộc tạng phế, trên từ cổ họng nối liền với phế, là con đường chủ yếu thích hợp với hít thở không khí. Dinh khí, vệ khí của toàn thân và khí trời được hít vào đều hội họp ở Phế. Vì vậy, bộ vị “thốn khẩu” mà kinh mạch Phế đi qua đều có thể phản ánh được biến hóa thịnh suy của tạng khí các kinh. Cho nên nguyên nhân gọi “thốn khẩu” chủ yếu là bộ vị này dài tất cả là một thốn chín phân (Đồng thân thốn tức là lấy độ dài của một bộ phận nào đó trên cơ thể người ta làm tiêu chuẩn đo độ dài ngắn ở bộ vị nào đó ở bề ngoài cơ thể. Ví dụ: lấy khoảng cách giữa hai đầu vân ngang của đốt giữa thuộc ngón tay giữa định ra làm một thốn, dung để đo độ dài, ngắn, rộng hẹp ở tay, chân, lưng, bụng người đó thì gọi là “phép đồng thân thốn ngón giữa”. Chữ khẩu ở đây có ý nghĩa là ra, vào, đi, lại, vì thế mới gọi là “thốn khẩu”. Một lần thở ra, một lần hít vào của người bình thường không ốm đau, gọi là một nhịp thở (nhất tức). Người xưa đã tính trong một ngày đêm, người ta hít thở tất cả là một vạn ba ngàn năm trăm nhịp. Huyết dịch đi trong kinh mạch, mỗi một nhịp thở đi được chừng sáu thốn (tấc Trung Quốc), trong một ngày đêm đi tất cả được tám trăm mười trượng (Trượng: đơn vị đo lường của Trung Quốc). Số hô hấp này có chỗ chưa đúng với con số thống kê của ngày nay. Số hô hấp trong một ngày đêm của một người ở trạng thái bình thường ước chừng là hai vạn bốn ngàn đến hai vạn sáu ngàn nhịp. Nhưng một nhịp thở, mạch đập bốn lần về cơ bản vẫn đúng.

II. BỘ VỊ - CHẨN PHÁP (BỘ VỊ, PHƯƠNG PHÁP CHẨN MẠCH)

Nguyên văn                       Phiên âm

初 持  脉 时                   Sơ trì mạch thời
令 仰 其 掌                     Linh ngưỡng kỳ chưởng
掌 後 捞 骨                     Chưởng hậu cao cốt
是 味 关 上                     Thi vị quan thượng
关 前 为 阳                     Quan tiền vi dương
关 後 为 阴                     Quan hậu vi âm
阳 寸 阴 尺                     Dương thốn âm xích
先 後 推 寻                     Tiên hậu suy (thôi) tầm
寸 口 无 脉                     Thốn khẩu vô mạch
求 之 畀 外                     Cầu chị tý ngoại
是 味 反 关                     Thi vị phản quan
本 不 夙 怪                     Bản bất túc quái

Dịch nghĩa
Bắt đầu xem mạch
Bảo ngửa bàn tay
Chỗ mỏm xương quay
Là bộ quan đó
Trước quan là dương
Sau quan là âm
Dương thốn âm xích
Suy tìm sau trước
Thốn khẩu không mạch
Tìm chếch phía ngoài
Gọi là quan ngược
Không có gì lạ!

Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về sự khác nhau của ba bộ thốn, quan, xích.
Khi bắt đầu xem mạch, bảo người bệnh duỗi cánh tay ra, ngửa bàn tay lên, để bằng phẳng một cách rất tự nhiên. Trước hết phải xem đúng chỗ xương trâm quay nhô lên ở sau bàn tay, chính là chỗ bộ vị “mạch quan” ở đó. Ở trước “bộ quan” là “bộ thốn” thuộc dương. Ở sau “bộ quan” là “bộ xích” thuộc âm. Thầy thuốc úp bàn tay lấy mạch, trước hết đặt đầu ngón tay giữa vào “bộ quan”. Còn lại hai đầu ngón tay ở trước và sau đặt tự nhiên trên hai bộ vị của “bộ thốn” và “bộ xích”. Lúc này có thể xem mạch một cách cẩn thận. Có số ít người không có nhịp đập của mạch, ở bộ vị “thốn khẩu” thì tìm chếch nghiêng phía ngoài cánh tay, tức là phía trên “thốn khẩu”, có thể sờ thấy nhịp đập của mạch, đó gọi là “phản quan mạch” (mạch quan ngược). Có người chỉ có “phản quan” một tay, có người cả hai tay. Nói chung đều thuộc hiện tượng sinh lý, không lấy gì làm lạ.

Nguyên văn                       Phiên âm

心  肝 居 左                     Tâm can cư tả
肺 脾 居 右                      Phế tỳ cư hữu
肾 与 命 门                     Thận dữ mạch môn
居 两 尺 部                     Cư lưỡng xích bộ
左 为 人 迎                     Tả vi Nhân nghinh
右 为 气 口                     Hữu vi khí khẩu
神 门 决 踹                     Thần môn quyết đoán
两 在 关 後                     Lưỡng tại quan hậu
人 无 二 脉                     Nhân vô nhị mạch
不 死 不 救                     Bất tử bất cứu
左 大 顺 男                     Tả đại thuận nam
右 大 顺 女                     Hữu đại thuận nữ
男 女 脉 同                     Nam nữ mạch đồng
阳 弱 阴 盛                     Dương nhược âm thịnh
反 此 病 至                     Phản thử bệnh chí


Dịch nghĩa:
Tâm can bên trái
Phế tỳ bên phải
Thận với mạch môn
Ở hai bộ xích
Trái là nhân nghinh
Phải là Khí khẩu
Tên gọi Thần môn
Sau hai quan vị
Hai mạch đều không
Hết đường cứu chữa
Trái mạnh thuận nam
Phải mạnh thuận nữ
Nam nữ mạch cùng
Riêng xích thì khác
Dương yếu âm thịnh
Trái đó bệnh liền

Dịch theo lời giải:
Đoạn này nói về tạng phủ chủ yếu của ba bộ mạch và sự khác nhau về mạch tượng của nam và nữ.
Sự biến hóa khí cơ của tạng phủ đều có thể phản ánh trên “thốn khẩu”, đồng thời mỗi tạng phủ đều có bộ vị nhất định của nó. Như: “bộ thốn” ở tay trái thuộc tâm, “bộ quan” thuộc can (bao gồm cả đởm), “bộ xích” thuộc thận (bao gồm tiểu trường, bang quang). “Bộ thốn” tay phải thuộc phế, “bộ quan” thuộc tỳ (bao gồm cả vị), “bộ xích” thuộc mệnh môn (bao gồm cả đại trường). Đấy là nói chung về tạng phủ chủ yếu ở sáu bộ phận của hai tay trái và phải. Song còn một cách nói khác, “bộ thốn” ở tay trái gọi là “Nhân nghinh”, cứ chứng biểu ngoại cảm đều xem mạch ở chỗ này; “bộ thốn” tay phải gọi là “khí khẩu”, cứ chứng lý nội thowng đều xem mạch chỗ này. Cách nói này từ nguồn gốc “Mạch kinh” của Vương Thúc Hòa biên soạn, Các thầy thuốc đời sau do khong rút ra được chứng minh thực nghiệm trên lâm sang nên nhiều người tỏ ra không đồng ý. Vì thế, ở đây chỉ để tham khảo thôi. Ngoài ra, trong sách “Nội kinh” gọi động mạch ở hai bên cổ họng là “Nhân nghinh” ba bộ mạch ở hai tay trái và phải đều gọi là “Khí khẩu”. Đây là một trong những phương pháp xem mạch tứ toàn thân của người xưa. Sách “Mạch kinh” còn gọi “bộ xích” ở hai tay là “thần môn”, chuyên xem mạch để biến sự biến hóa của thận âm, thận dương ở bộ mạch này. Thận âm thận dương mạnh, chủ về thân thể cường tráng; thận âm thận dương yếu, chủ về thân thể hư suy. Nếu mạch ở “bộ xích” của hai tay đều không có, chứng tỏ rằng thận âm và thận dương suy kiệt, bệnh tình nghiêm trọng. Về giới tính nam nữ khác nhau thì âm dương cũng có thịnh suy khác nhau, cho nên phản ánh nhịp đập của mạch ở hai tay trái và phải cũng khác nhau một chút. Bên trái là dương, bên phải là âm, dương khí đàn ông thiên về thịnh, nên coi mạch tay trái đập to hơn là thuận, âm huyết của đàn bà thiên về thịnh, nên coi mạch tay phải đập to hơn là tốt. Hãy cùng so sánh “bộ thốn” và “bộ xích”, thốn là dương, xích là âm, dương khí của đàn ông thiên về thịnh, nên coi mạch thốn thịnh, mạch xích nhược là thích hợp. Âm huyết của đàn bà thiên về thịnh nên coi mạch xích thịnh, mạch thốn nhược là thích hợp. Nếu hai mạch ấy trái ngược nhau thì chứng tỏ rằng đã có bệnh biến.

Nguyên văn                       Phiên âm

脉  右 失 诊                     Mạch hữu thất chẩn
曰 浮 中 沈                     Viết phù, trung, trầm
上 下 左 右                     Thượng, hạ, tả, hữu
票 息 求 寻                     Tiêu tức cầu tầm
又 右 九 厚                     Hựu hữu cửu hậu
举 按 轻 重                     Cử án khinh trọng,
三 部 浮 沈                     Tam bộ phù trầm
各 厚 五 动                     Các hậu ngũ động


Dịch nghĩa
Bảy phép xem mạch
Rằng phù, trung, trầm
Trên, dưới, trái, phải
Quan sát suy tầm
Lại còn chín hậu
Ấn nhẹ nặng vừa
Phù trầm ba bộ
Đập quá 5 lần


Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về hai phương pháp xem mạch là “thất chẩn” và “cửu hậu”.
Cái gọi là “thất chẩn” trong phương pháp xem mạch là bảy thủ pháp xem mạch: phù, trung, trầm, thượng, hạ, tả, hữu. Phù, đặt tay nhẹ có thể quan sát được biểu chứng, ngoại cảm hay không. Trung, đặt tay vừa phải có thể quan sách được sự biết hóa về cơ năng của Tỳ, Vỵ. Trầm, ấn nặng tay có thể quan sát được có lý chứng nội thương hay không. Thượng, chỉ bộ thốn. Hạ, chỉ bộ xích. Tả tức tay trái. Hữu tức tay phải. Khi xem mạch chẳng những phải so sánh trên, dưới (thượng, hạ) mà còn phải cùng đối chiếu giữa tay trái và tay phải. Vận dụng thủ pháp “Thất chẩn” để quan sát tình hình của bệnh, tìm ra nguyên nhân của bệnh. Làm như vậy là tương đối toàn diện đối với quan sát và phân tích tật bệnh.
Trong pháp xem mạch còn có điều gọi là “Cửu hậu”. Tức là ba bộ thốn, quan, xích, mỗi khi xem một bộ, đều phải qua ba thủ pháp: ấn nhẹ tay để lấy mạch phù, ấn hơi nặng tay để lấy mạch trầm. Mỗi khi dùng một thủ pháp, đều phải quan sát kỹ lưỡng đến nhịp đập của mạch 5 lần trở lên. Một tay chia làm ba bộ: Thốn, quan, xích. Mỗi bộ lại chia làm ba hậy phù, trung, trầm “ba ba là chín” (tam tam đắc cửu). Đó gọi là cửu hậu. Chữ hậy ở đây có nghĩa là quan sát kỹ lưỡng cẩn thận.

Nguyên văn                       Phiên âm

寸  厚 胸 上                    Thốn hậu hung thượng
关 厚 膈 下                     Quan hậu cách hạ
尺 厚 于 脐                     Xích hậu vu tề
下 之 根 胯                     Hạ chi căn khóa
左 脉 候 左                     Tả mạch hầu tả
右 脉 候 右                     Hữu mạch hầu hữu
病 随 所 在                     Bệnh tùy sở tại
不 病 者 否                      Bất bệnh giả phủ

Dịch nghĩa:
Thốn từ ngực lên
Quan từ cách xuống
Xích đi từ rốn
Xuống đến gót chân
Mạch trái xét trái
Mạch phải xét phải
Bệnh theo cùng mạch
Không bệnh, bình thường

Dịch theo lời giải:
Đoạn này nói về quan sát bệnh biến toàn thân từ “Thốn khẩu”.
Phương pháp quan sát bệnh biến toàn thân ở “thốn khẩu” là: Phàm bệnh từ hung cách (vùng ngực) trở lên đến đỉnh đầu đều có thể quan sát ở “bộ thốn”. Phàm bệnh từ hung cách xuống đến rốn, đều có thể quan sát ở “bộ quan”. Phàm bệnh từ rốn xuống, đến gót chân, đều có thể quan sát ở “bộ xích”. Bệnh biến ở nửa người bên trái vẫn có thể quan sát từ ba bộ của tay trái. Bệnh biến ở nửa người bên phải vẫn cơ thể quan sát từ ba bộ của tay phải. Cho nên có thể nói: “trên quan sát ở trên, giữa quan sát ở giữa, dưới quan sát ở giữa, dưới quan sát ở dưới, trái quan sát bên trái, phải quan sát bên phải”, cũng có nghĩa là một bộ phận nào đó có bệnh, thì nhịp mạch đập phản ánh một cách tương ứng trên một bộ vị nào đó ở thốn khẩu. Nếu một bộ phận nào đó không có bệnh biến, tương ứng như vậy, nhịp mạch đập của bộ vị nào đó ở thốn khẩu cũng biểu hiện bình thường, không hề phát sinh biến hóa nào. Ví dụ: Sườn bên trái đau thì mạch quna ở tay trái liền biểu hiện huyền hoặc khẩn, đó chính là “bệnh theo cùng mạch”. Sườn bên phải bình thường thì mạch quan ở tay phải cùng không có sự biến hóa không bình thường, tức là “bất bệnh giả phủ” (không có bệnh thì mạch bình thường không có gì thay đổi, và ý nghĩa của “bất” (không) là như vậy).

III. NGŨ TẠNG BÌNH MẠCH (MẠCH BÌNH THƯỜNG CỦA NĂM TẠNG)

Nguyên văn                       Phiên âm

浮 为 心 肺                     Phù vi tâm phế
沈 为 肾 肝                     Trầm vi thận can
脾 胃 中 珠                     Tỳ vị trung châu
浮 沈 之 间                     Phù trầm chi gian
心 脉 之 浮                     Tâm mạch chi phù
浮 大 柔 散                     Phù đại nhu tán
肺 脉 之 浮                     Phế mạch chi phù
浮 涩 而 短                     Phù sáp nhi đoản
肝 脉 之 沈                     Can mạch chi trầm
沈 而 长 弦                     Trầm nhi trường huyền
肾 脉 之 沈                     Thận mạch chi trầm
沈 实 柔 软                     Trầm thực nhu nhuyễn
脾 胃 脉 来                     Tỳ vị mạch lai
总 宜 和 缓                     Tổng nghi hòa hoãn
命 门 元 阳                     Mạch môn nguyên dương
两 尺 同 踹                     Lưỡng xích đồng đoán

Dịch nghĩa:
Phù là tâm phế
Trầm là thận can
Tỳ vị ở giữa
Phù trầm trung gian
Phù của mạch tâm
Phù đại mà tán
Phế mạch mà phù
Phù sáp và đoản
Trầm của mạch can
Trầm mà trường huyền
Mạch thận mà trầm
Trầm thực và nhuyễn
Còn mạch vỵ tỳ
Vẫn nên hòa hoãn
Mệnh môn nguyên dương
Hai xích cùng đoán

Dịch theo lời giải:
Đoạn này nói về sự biểu hiện khác nhau của mạch tượng bình thường trong ngũ tạng.
Mạch tượng bình thường của ngũ tạng đều có thể thông qua ba hậu: phù, trung, trầm để quan sát. Bộ phù có thể quan sát tâm và phế, bộ trầm có thể quan sát thận và can. Giữa phù với trầm cũng chính là trung bộ có thể quan sát tỳ và vỵ. Song điều này cũng chỉ nói từ cái chung thôi, nếu phân tích kỹ, còn có chỗ khác nhau. Phù của mạch tâm,trong cái phù thấy rõ đại mà tán, tức là đầu ngón tay ấn hơi mạnh, mạch chạy thô đại (to); ấn mạnh hơn chút nữa thì thấy mạch đại mà nhuyễn tán (khuếch khoát đại nhuyễn tán). Phù của mạch phế, trong cái phù thấy rõ sáp (rít) mà đoản, tức là đầu ngón tay hơi ấn mạnh thì thấy nhịp đập của mạch có cảm giác trệ sáp; ấn mạnh hơn một chút nữa càng thấy rõ mạch có cảm giác đoản súc (ngắn mà dồn dập). Mạch can xuất hiện trầm, chẳng những mạch cho thấy hơi trường( dài), mà còn có mạch tượng huyền sức căng hơi lớn. Mạch thận cũng xuất hiện trầm, trong có cảm giác mạnh thực kiêm nhuyễn hoạt. Còn về mạch tượng của tỳ vỵ, vẫn cứ không nhanh không chậm (vừa phải), hòa hoãn là hơn cả.
Ở đoạn hai của “Bộ vị, phương pháp chẩn mạch” phần 2 đã nói: “Thận và Mệnh môn ở hai bộ xích”, tức là quan sát thận ở bộ xích bên trái (tả xích), quan sát Mệnh môn ở bộ xích bên phải (hữu xích). Nhưng kinh nghiệm của những thầy thuốc đời sau cho rằng: bộ vị (vị trí) của Mệnh môn ở giữa hai quả thận, về đại thể tuy có chia ra trái, phải, song trên thực tế, sự biến hóa thịnh suy của nguyên dương trong Mệnh môn, đều có thể phán đoán ra được ở cả hai bộ xích trái và phải.

Nguyên văn                       Phiên âm

春 弦 夏 洪                     Xuân huyền hạ hồng
秋 毛 冬 石                     Thu mao đông thạch
四 季 和 缓                     Tứ quý hòa hoãn
是 味 平 安                     Thị vị bình mạnh
太 过 实 强                     Thái quá thực cường
病 生 于 外                     Bệnh sinh vu ngoại
不 及 虚 微                     Bất cập hư vi
病 生 于 内                     Bệnh sinh vu nội
四 时 百 病                     Tứ thời bách bệnh
胃 气 为 本                     Vị khí vị bản
脉 贵 有 神                     Mạch quý hữu thần
不 可 不 沁                     Bất khả bất thấm

Dịch nghĩa:
Xuân huyền hạ hồng
Thu mao đông thạch
Bốn mùa hòa hoãn
Là mạch bình thường
Quá ư thực cường
Bên ngoài sinh bệnh
Hư vi bất cập
Bệnh phát ở trong
Bốn mùa trăm bệnh
Vị khí làm gốc
Mạch cốt có thần
Phải nên xem kỹ

Dịch theo lời giải
Đoạn này nói về mạch bình thường trong 4 mùa.
Khí hậu thay đổi cuả bốn mùa trong 1 năm có ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể con người ta. Để thích ứng với điều này, cơ năng sinh lý của con người phải luôn luôn tiến hành điều tiết để duy trì sức khỏe. Tác dụng điều tiết này cũng được phản ánh đầy đủ nhu thế trên nhịp đập của mạch.
Dương khí mùa xuân dần dần bốc lên, sức căng của mạch đập hơi mạnh một cách tương ứng, do đó thấy mạch huyền. Khí hậu của mùa hạ viêm nhiệt, nhịp đập của mạch đi về tràn đầy sung sức một cách tương ứng, do đó thấy mạch hồng. Dương khí mùa thu dần dần suy giảm, nhịp đập của mạch cũng khinh hư phù nhuyễn một cách tương ứng, do đó thấy mạch mao. Khí hậu mùa đông giá lạnh, nhịp đập của mạch chìm lặn có lực một cách tương ứng, do đó thấy mạch thạch. Bốn mùa trong một năm, dù có thấy mạch huyền, mạch hồng, mạch mao, mạch thạch, chỉ cần kèm theo mạch khí hòa hoãn thì điều này chứng tỏ sự phản ánh của cơ thể khỏe mạnh, mạch tượng bình thường. Trái lại, trong mạch đập khác nhau của mạch hồng, huyền, mao, thạch, đều xuất hiện tình hình thái quá mà mạch thực, nói chung là bệnh biến của ngoại cảm, tà khí hữu dư. Nếu trong các mạch huyền, hồng, mao, thạch xuất hiện mạch khí hư nhược tế vi (nhỏ yếu) thì phần nhiều là bệnh biến của nội thương, thuộc về chính khí bất túc. Tóm lại, bất luận xem mạch bốn mùa cũng được, hoặc các bệnh tật khác cũng được, điều căn bản nhất là phải xem trong nhịp đập của mạch có còn vị khí hay không.
Trong mạch có “vị khí”, tức là mạch đập “có thần”. Cái gọi là “có thần” chính là mạch đập hòa hoãn. Ví dụ: mạch tuy vi nhược nhỏ yếu nhưng nhịp đập vẫn đều đặn nhịp nhàng, thì đó gọi là có thần, có vị khí, điều này chứng tỏ chính khí của cơ thể vẫn tồn tại, bệnh biến tuy nặng nhưng vẫn dễ chữa. Nếu mạch đập không có thần, không có vị khí, chứng tỏ chính khí đã suy kiệt đến cực độ, cần phải chú ý nhiều hơn, không được coi thường, sơ suất.