22 tháng 9 2014

Sách cổ về mạch học

1/ Mạch pháp mật truyền 
Cách bắt mạch chữa bệnh: tạng phủ thực vị, lục phủ, chư mạch thể trạng, tam bộ chủ bệnh , luận ngũ tạng tứ mạch ứng bệnh, thất biểu mạch quyết, bát lý mạch quyết , ngũ tạng tứ mạch tri chứng dụng dược , tứ thời bình mạch, thất biểu mạch cát hung



Phép chẩn mạch chữa bệnh trong y học cổ truyền. Nội dung gồm các mục: Cứu tức mạch, Chẩn mạch, Mạch danh, Mạch biện bát điều [脈辨八條], Bảo nguyên huyền diệu phú, Bằng mạch dụng dược, Chân tàng mạch, Cát hung mạch thi


Sách y học, nói vai trò của khí mạch nhân thể mạnh mẽ hay suy khô có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh tật của con người. Gồm các phần: 1. Mạch bộ vị giải [脉部位觧]. 2. Tân san mạch trạng [新刊脉状 ]. 3. Mạch bộ vị [脉部位] . Sách không có Tựa, Bạt, không rõ tác giả, hiện chưa có so sánh khảo chứng, chưa rõ sách Việt Nam hay trích sao theo y thư nào


Nội dung: Dạy cách bắt mạch các bệnh. Phần đầu viết theo thể lục bát không chia đoạn mục. Mở đầu: ...Hoa hiên tứ nghiệp thừa nhà Sưu cầu kinh sách thánh hiền di thư Cổ kim chỉ thượng dư sư Nghiệp y tu ngoạn thi thư gia tường phần sau là văn xuôi ghi cách bắt mạch


Nội dung: Sách ghi chép các loại mạch và cách xem mạch. Cách xem mạch của các phái Đông Viên, Vương Thúc Hoà và Trương Thái Tổ




Nội dung: Ghi các bài dạy cách xem mạch chữa bệnh của hoàng giáp Đặng Xuân Bảng. Tờ đầu sách có dòng chữ do người sau ghi thêm vào: "Hành Thiện đệ nhị tiến sĩ Đặng Bảng tiên sinh tư tập. Môn đệ nhất trường hợp bái thụ". Nội dung: 1. Ghi các bài dạy cách xem mạch chữa bệnh, các bài thuốc và cách dùng thuốc. 2. Nghiệm luận tứ thời: nghiệm bàn về thời tiết 4 mùa ảnh hưởng đến bệnh tật vì theo tác giả: "Trời có 4 mùa, đất có 4 mùa, người có 4 mùa, đất có 4 mùa, chư kinh tinh trị, bất khả thừa thời, sai pháp truyền biến bất nghịch". 3. Gia truyền chư chứng chư phương dược trị: các bài thuốc gia truyền trị các các bệnh, như bài thuốc: Huyền vũ thang chủ trị thương hàn, 6 mạch trầm, đau đầu, ho đờm xuyễn, chân tay tê, ăn uống không tiêu, đại tiện tiểu tiện không thông ... 4. Linh khu tố vấn bộ mạch liệt: cách bắt mạch chữa bệnh: phù giả vi dương, trầm giả vi âm, trì giả vi âm v.v... 5. Thái tố mạch bí truyền toản yếu: bí truyền về cách xem mạch: thất biểu mạch hình chứng, Bát lý mạch thể chứng, cửu đạo mạch pháp luận... 6. Các bài thơ về mạch lý: Tứ mạch ca, Tứ mạch ứng bệnh thi, Phù mạch quyết, Lục mạch hầu thi


Những bài ca được viết bằng chữ Nôm mang tính tổng quát về những phương pháp xem mạch, và cụ thể ứng với từng loại bệnh: Thần mạch ca, Thất biểu mạch, Tổng luận chư hình chứng mạch, Mạch phù ...


17 tháng 9 2014

Vọng văn vấn thiết


Nhìn mà biết là Thánh
Nghe mà biết là Thần
Hỏi mà biết là Công ( giỏi hàng đầu )
Xem mạch mà biết là Xảo ( khéo )

10 tháng 9 2014

Nội dung thực hiện Thiền Phật chữa Tâm bệnh



Khắc chế tham sân si, cho Tâm ta tĩnh lặng

Cho đời người thư thái, giữa chốn thiên đường này !

( Các bài trước tôi viết chủ yếu về luận giải nguyên lý của Thiền Phật trong việc chữa trị Tâm bệnh và Thân bệnh nên mọi người đọc có thể chưa rõ cách thiền. Bài này tôi viết chi tiết cách thiền Phật để chữa Tâm bệnh mà mọi người có thể áp dụng thực hiện được ngay. Ai muốn xem lại các nội dung về nguyên lý của phép thiền này thì mời vào đề mục PHẬT PHÁP ở thanh đề mục phía trên của trang blog này )

1/ Bàn về Tâm Bệnh 
   Tâm bệnh là thế nào đây ? Một vấn đề mông lung và nan giải vì nói đến cái Tâm thì đã là quá trừu tượng rồi, mà quá trừu tượng thì rất khó nắm bắt cách thức hoạt động của Tâm, cái nguyên nhân gây ra Tâm bệnh và pháp chữa như thế nào ? Khi người bệnh cứ dấy lên sự lo âu hay giận dữ hận thù, nóng nảy vội vàng, ghen ghét đố kỵ ... chúng ta khuyên họ hãy bình tĩnh, điều hoà được không ? Xin thưa với các quý vị rằng chỉ có thể được trong chốc lát, thậm chí không thể được vì trong họ cái duyên khởi tạo nên thứ tình chí đó cứ ngùn ngụt che mờ trí huệ nơi họ, quyết dẫn dắt họ theo nghiệp quả đã định. Dứt ra khỏi tình trạng đó ư, có thể cả đời người không thể thoát hoặc có thể đến thời điểm duyên nghiệp viên thành, đó cũng chính là nghĩa thọ nghiệp khổ của con người chúng ta. Cái thời điểm duyên nghiệp viên thành ở đây thật rộng lớn và vi diệu theo thuyết nhân quả bởi chỉ một nhân tố rất nhỏ của sự vật hiện tượng cũng có thể làm con người ta ngộ ra được cái Tâm mình đang lạc lối như thế nào, hoặc gặp được pháp vi diệu, hoặc có thể phải trả giá bằng tiền bạc, sinh mạng, bằng bệnh tật ... 
   Xin thưa với quý vị, tôi đây là một con người bình thường, sống theo cuộc sống đời thường dân dã, không danh vọng, chức tước, tiền bạc thì chả dư giả ( chỉ tạm trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình trong cuộc sống đạm bạc thường ngày ), có điều thường đọc sách vở, chép ghi và ngẫm ngợi, tâm thường hướng tới việc thiện, tránh xa việc ác, đố kỵ, tham lam. Tôi cũng có thời gian dài may mắn thăm lễ chùa Hương hàng năm, và rồi thật may mắn trên con đường Tâm đạo là khi suy diễn sự sống chết và tò mò tìm hiểu cái ta là ai thì được dẫn dắt đến với Phật Pháp. Đến với Phật Pháp, bản thân tôi thấy luận về Pháp thật mông mênh, sách về kinh Phật, luận bàn thật vô lượng không kể hết, nhưng sau thời gian dài đọc ngẫm tôi cảm nhận và ý thức được rằng đạo Phật là đạo diệt khổ ban vui, giúp chúng sinh thoát kiếp khổ. Phần lý thuyết chính là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo còn phần thực hành là thiền quán ( Tứ Niệm Xứ ), tự nhận thấy rằng đạo Phật như là một môn khoa học về Tâm trong một sự trừu tượng bao hàm tất thảy mọi sự vật hiện tượng thuộc về thuyết nhân quả.
   Khi thực hành thiền quán ( Tứ Niệm Xứ ), mặc dù bản thân chỉ ở mức sơ khai chưa đạt đến tầng sơ thiền, nhưng tôi cảm nhận rõ rằng Tâm có những quy luật có thể nhận thấy rõ là những lo âu, buồn, vui, ganh ghét, đố kỵ, tức giận ... ( thất tình chí ) được khởi lên trong Tâm ta theo một cách thức dẫn dắt, lôi kéo ý chí và ý thức của chúng ta, rồi từ đó điều khiến cơ thể ta hành động. Quá trình này diễn biến rất nhanh khiến bình thường chúng ta không nhận ra, chỉ đến một mức nào đó trong luyện tập thiền quán chúng ta sẽ nhận thấy điều này. Ngoài những thứ thuộc thất tình chí còn có nhiều thứ khởi lên trong tâm ta từ các giác quan ( âm thanh, mùi vị, cảm giác, hình ảnh ... ), hay ảo giác, hồi ức, vọng tưởng, một điều gì đó như ta đã từng trải qua ... Tất cả những thứ này và thất tình chí ta gọi chung là duyên khởi. Các duyên khởi này tự xuất hiện trong Tâm, nhiều lúc ý chí chúng ta không kiềm soát và kiềm chế nổi bởi mức độ và tần suất của nó, nó khiến cơ thể chúng ta hành động để tạo nghiệp và chỉ khi tạo nghiệp rồi thì ý chí của chúng ta mới lại được các duyên khởi khác dẫn dắt để ngộ ra sự sai lầm hay sự đúng đắn của các hành động trước đây.
   Cũng qua luyện tập thiền quán tôi cảm nhận được cách thức mà thiền Tứ Niệm Xứ xoá bỏ được những duyên khởi dấy lên nơi Tâm, đó chính là quán niệm. Với phương thức niệm tên tất cả những gì chúng ta thấy, cảm nhận thấy chính là ta bắt ý chí, ý thức chúng ta nắm bắt những duyên khởi dấy lên ở Tâm ta và như vậy không còn chỗ trống để chúng ta chuyển ý nghĩ sang hành động của cơ thể, đương nhiên như vậy thì nghiệp quả được dẫn dắt từ Tâm sẽ không viên thành và cơ thể chúng ta sẽ được nghỉ ngơi. Chuỗi nghiệp quả bị cắt đứt sẽ kéo theo các duyên khởi dấy lên từ Tâm sẽ dần bị đoạn trừ. Dần dần Tâm ta ít các duyên khởi dấy lên và đến một thời điểm nảo đó khi ý chí chúng ta nắm bắt và niệm song hành với bất kỳ một duyên khởi nào dấy lên trong Tâm sẽ dẫn tới trạng thái Tâm tĩnh lặng ( định Tâm ). Với cách thức như vậy thì thiền Tứ Niệm Xứ chính là pháp chữa Tâm bệnh mà không vị thuốc cũng như pháp chữa nào khác hiệu nghiệm hơn.
   Cũng qua những chia sẻ ở trên, bản thân tôi cho rằng chúng ta hầu như ai cũng có Tâm bệnh, bởi chưa loại trừ hết tham sân si, chưa xoá bỏ hoàn toàn thất tình chí, vậy đều có Tâm bệnh và đều có nguy cơ khiến Thân bị bệnh bởi Tâm dẫn dắt Ý, Ý điều khiển Thân, Thân hành động. Trường hợp đạt trạng thái Tâim tĩnh lặng ( định tâm ) hoặc cao hơn nữa ta cũng phải luôn luôn tu tập và phòng chữa bệnh vì môi trường quanh ta xâm nhập vào các giác quan, bộ phận cơ thể từng giây, từng phút khiến tấm thân ta bị hư hoại dần mòn rồi đến lúc huỷ hoại ... vậy nên về cơ thể thì cõi Phật vẫn trong cõi sinh diệt. 


2/ Chuẩn bị:
Thời gian:  bất cứ lúc nào ( nếu thấy tinh thần bất an, khi tham sân si xuất hiện hoặc những lúc thư thái )
Địa điểm: bất cứ nơi nào ( chọn được nơi yên tĩnh, thoáng mát là tốt nhất )
Thể trạng: với bất cứ thể trạng nào, nếu chúng ta còn có khả năng suy nghĩ.
Tư thế: bất cứ tư thế nào mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất ( lưu ý người mới tập tránh khi đang làm việc, lái tàu xe, các công việc đòi hỏi độ tập trung cao ...  )
Bắt đầu: bất cứ khi nào ( với người mới tập nên vào giờ nghỉ ngơi, những người tập nhiều tự bản thân sẽ nhận thấy lúc nào cần thiền )
Áp dụng: cho tất cả các trường hợp. Tất cả chúng ta khi thiền sẽ phát hiện và cảm nhận thấy Tâm mình thay đổi, chuyển biến không ngừng như thế nào. Cách thức thực hiện như các bước dưới đây:

3/ Các bước thực hiện như sau:
   - Nhắm mắt lại , hướng mắt như thể nhìn vào điểm rất xa ( vô cực )
   - Quán sát hơi thở của mình. Khi hít vào niệm trong đầu là “ phồng”, khi thở ra niệm là “ xẹp “ ... ( Gọi tắt động tác quán sát và niệm là quán niệm ). Niệm là đọc thầm trong đầu ( không thành tiếng, không mấp máy môi ).
   - Cứ quán niệm như vậy đến khi ta thấy một chủ đề khác xâm nhập vào dòng cảm nhận của ta thì ta chuyển sang quán niệm chủ đề đó. Ví dụ: tiếng gà gáy ( niệm là " gà gáy, gà gáy, gà gáy... ), gió thổi ( gió thổi, gió thổi ... ) , đau ngón chân cái ( đau ngón chân cái, đau ngón chân cái ... ), hình ảnh thủa chăn trâu cắt cỏ ùa về, hình ảnh con rắn, nghĩ về trang blog của mình, công việc cần làm, công việc chuẩn bị làm, ... ( Lưu ý nên dùng từ ngắn gọn để niệm mới đuổi kịp sự dẫn dắt của Tâm, dần dần cảm nhận sẽ nhanh hơn, cái Ý  của ta sẽ bắt kịp với những thay đổi của Tâm ). Khi chúng ta gặp một vấn đề gì về Tâm thì mặc dù các chủ đề khác cứ xâm nhập rồi lướt qua thì vẫn thấp thoáng vấn đề chủ đạo mà tâm dẫn dắt ( ví dụ trường hợp với người có hận thù thì cái tâm trạng hận thù luôn lấp ló măc dù các tác động khác lên Tâm đang lướt qua, cái tâm trạng này sẽ hằn ghi thêm lên ý nghĩ và thôi thúc con người ta hành động trả thù, nếu hành động trả thù được thực hiện thì cái nghiệp mà Tâm dẫn dắt đã hoàn thành theo quy trình Tâm tác Ý - Ý khiến Thân - Thân hành động, cũng có thể việc trả thù không thực hiện được thì Thân ta cũng phải gánh nghiệp bệnh do sân hận gây ra ). Khi ta dùng Ý ( ý chí, ý nghĩ, ý tứ phân tích ) bám đuổi theo chủ để Tâm dẫn dắt bằng cách quán niệm thì Ý không đọng lại, lưu lại, không phân tích và truyền đạt tới Thân được và như vậy là vòng nghiệp không hoàn tất, đương nhiên nghiệp quả mà Tâm dẫn dắt không hoàn tất.  Khi duyên khởi về Tâm dấy lên, ví dụ là cảm giác bực tức, tức giận ta sẽ niệm “ tức giận, tức giận, tức giận ...,” hoặc nghi ngờ ta niệm là “ nghi ngờ, nghi ngờ, nghi ngờ ... “ Và mỗi lần thiền hoặc nhiều lần thiền như vậy thì ta sẽ nhận thấy rõ những chủ đề mà ta muốn gạt bỏ sẽ dần bị loại bỏ, giúp Tâm ta an bình hơn, tham sân si khó lòng mà xâm nhập và điều ý khiển thân chúng ta được, vận nghiệp cũng như sức khoẻ của chúng ta từ đó sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt lên.
- Khi ta quán niệm mà không thấy xuất hiện các chủ đề xen vào thì thường là cảm nhận thấy hơi thở, ta quán niệm hơi thở, rồi các chủ đề Tâm dẫn dắt lại xuất hiện ta lại quán niệm tiếp ... 
Các bước tập thiền trên nếu theo con đường dẫn dắt của Phật thì mới ở giai đoạn sơ khai, nhưng ánh sánh nhiệm mầu của Phật Pháp đã cho tôi niềm tin vào một con đường an lành phía trước. Việc thanh lọc Tâm giúp cho tâm bình an và cân bằng cảm xúc trong cuộc sống cùng việc loại bỏ được tác hại của các duyên khởi tham sân si nơi tâm giúp cơ thể an lành, tránh bệnh tật cũng như thay đổi các đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp khơi dậy những duyên khởi không tốt trong Tâm ta. 

   

09 tháng 9 2014

Nội dung thực hiện thiền Phật chữa Thân bệnh


Phật dạy rằng tài sản quý nhất của đời người là sức khoẻ
***********************************************************
                       ***********************************************************
                        ***********************************************************
Nào chúng ta cùng xua tan những khổ đau và cùng đón nghiệp lành !

( Các bài trước tôi viết chủ yếu về luận giải nguyên lý của Thiền Phật trong việc chữa trị Tâm bệnh và Thân bệnh nên mọi người đọc có thể chưa rõ cách thiền. Bài này tôi viết chi tiết cách thiền Phật để chữa Thân bệnh mà mọi người có thể áp dụng thực hiện được ngay. Ai muốn xem lại các nội dung về nguyên lý của phép thiền này thì mời vào đề mục PHẬT PHÁP ở thanh đề mục phía trên của trang blog này )

Chuẩn bị
Thời gian:  bất cứ lúc nào ( nên cách xa bữa ăn khoảng 2 giờ đồng hồ, không nên thực hiện ngay sau khi ăn xong )
Địa điểm: bất cứ nơi nào ( chọn được nơi yên tĩnh, thoáng mát là tốt nhất )
Thể trạng: với bất cứ thể trạng nào, nếu chúng ta còn có khả năng suy nghĩ. Mà tôi nhớ có câu danh ngôn của ai đó rằng: “ Ta đang suy nghĩ là ta đang tồn tại “
Tư thế: bất cứ tư thế nào ( lưu ý người mới tập tránh khi đang làm việc, lái tàu xe, các công việc đòi hỏi độ tập trung cao ...  )
Bắt đầu: bất cứ khi nào ( với người mới tập nên vào giờ nghỉ ngơi, những người tập nhiều tự bản thân sẽ nhận thấy lúc nào cần thiền )
Áp dụng: cho tất cả các trường hợp cảm thấy cơ thể có vấn đề nào đó không bình thường, kể cả trường hợp bình thường không cảm nhận thấy nhưng khi thiền mới cảm nhận thấy những vấn đề không bình thường. Tất cả chúng ta khi thiền sẽ phát hiện và cảm nhận thấy cơ thể mình như thế nào, chỗ nào đang có những hiện tượng gì và thực hiện như thế nào ở phần ngay dưới đây.

Các bước thực hiện như sau:
- Nhắm mắt lại , hướng mắt như thể nhìn vào điểm vô cực hoặc một điểm nào cảm thấy thoải mái nhất ( với trường hợp thiền ở tư thế  nằm, ngồi, còn các tư thế khác thì không câu lệ là nhắm mắt hay không chỉ cần chú ý tới những vị trí xuất hiện cảm giác không bình thường của cơ thể mình là được )
- Quán sát hơi thở của mình. Khi hít vào niệm trong đầu là “ Phồng”, khi thở ra niệm là “ xẹp “. Niệm là đọc thầm trong đầu ( không thành tiếng, không mấp máy môi ) 
- Dùng ý nghĩ của mình rà soát ( quán sát ) toàn bộ cơ thể từ đầu xuống đến vai, cánh tay, cẳng tay, các ngón tay, đến cổ gáy, ngực bụng, lưng, mông, đùi, chân, các ngón chân ( Hình dung động tác này như ta đang rà soát trên toàn bộ cơ thể để cảm nhận những cảm giác của cơ thể mình ở từng vị trí, không để sót vị trí nào vậy ). Khi Tâm và Ý ta đang thực hiện công việc này thì có nhiều sự xâm nhập từ bên ngoài vào khiến ta mất tập trung, ví dụ như tiếng gà gáy đêm, tiếng xe cộ đi lại, tiếng trẻ khóc, mùi đun nấu thức ăn, lo nghĩ đến công việc, hình ảnh thủa nhỏ ập đến … ngay lập tức ta niệm nội dung phù hợp với đối tượng xâm nhập như “gà gáy, gà gáy, gà gáy… “ hoặc “tiếng xe, tiếng xe, tiếng xe… “ khi hết tác động của dối tượng niệm thì ta lại quay về niệm hơi thở như lúc dầu, rồi tiếp tục quán sát cơ thể mình. Sau khi rà soát đi rà soát lại toàn bộ cơ thể như vậy nhiều lần, chúng ta sẽ nhận biết được khu vực nào, vị trí nào của cơ thể có vấn đề như đau nhức, ngứa, giật, chướng tức, nóng, lạnh, mỏi, tim đập nhanh mạnh, hồi hộp, choáng, nổi da gà, rợn tóc gáy, ù tai, nhức đầu, … chúng ta tập trung quán sát những vị trí ấy và niệm cụm từ tương ứng. Ví dụ như đau thắt lưng thì ta tập trung quán sát khu vực thắt lựng và niệm từ “ đau thắt lưng, đau thắt lưng, đau thắt lưng … “ cứ như vậy đến khi một vị trí nào đó trong cơ thể đau và kéo Tâm Ý ta đến thì ta lại chuyển sang quán sát và niệm cho vị trí đó ( ví dụ như đau đầu gối ta quán sát nó và niệm “ đau đầu gối, đau đầu gối, đau đầu gối … ). Hoặc giả sử có sự vật, hiện tượng, ý nghĩ nào chen vào tâm trí ta lúc này thì ta cũng niệm nó luôn rồi lại quay về vị trí đau mà cơ thể đang kêu cứu, giữa các khoảng trống không có các duyên khởi thì ta niệm hơi thở của mình, ... cứ quán niệm như vậy bất cứ khi nào ta thấy hiện tượng đau phản ánh vào tâm trí ta.
Và như vậy sau một thời gian chúng ta sẽ phát hiện thấy những phản ứng của cơ thể đối với những chỗ đau hoặc có thể có những phản ứng của cơ thể  mà chưa bao giờ chúng ta trải qua. Các vị trí cần quán niệm có thể chuyển dịch, thay đổi và mức độ đau cũng thay đổi trong quá trình chúng ta quán sát và niệm, hãy nắm bắt nó, nắm chặt từng thay đổi nhỏ nhất của nó và niệm để cơ thể chúng ta tự chuyển hóa cho nghiệp bệnh chấm dứt.

   Đây là một quá trình tuy diễn giải nguyên lý thì lòng vòng, nhưng thực hiện không phải là khó khăn, chỉ đòi hỏi sự  kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi của mỗi người. Trong quá trình thực hiện có thể có những hiện tượng khác thường, nhưng đừng sợ và đừng nản, hãy vững chí và nỗ lực, nghiệp lành luôn đợi chờ chúng ta ở phía trước !  
Chúc bình an đến với mọi người !



08 tháng 9 2014

Luận bàn về chữa trị thân bệnh và tâm bệnh từ Thiền Phật ( bài thứ nhất )


   Con người cũng như mọi sinh vật tự nhiên đều có khả năng tự bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của bất kỳ vật lạ nào hoặc sự mất cân bằng nào phát sinh nhằm bảo toàn tính toàn vẹn ( cân bằng ) của mình. Đây là phương pháp giúp cơ thể huy động khả năng tự điều chỉnh, cân bằng, nó không giải thích được bằng những logic khoa học thông thường, thậm chí cả những học thuyết cổ xưa như âm dương, ngũ hành, tạng tượng, thiên nhân hợp nhất ...
Cơ thể con người là một bộ máy tinh vi nhất mà thế giới tự nhiên tạo ra. Từ những suy nghĩ sơ đẳng thời xa xưa cho đến những nghiên cứu tinh vi, hiện đại nhất đều biết rằng tất cả các mầm bệnh, vi khuẩn, vi rút ... luôn tồn tại trong cơ thể đang sống cũng như môi trường xung quanh chúng ta. Trong mớ hỗn lộn vi rút, vi khuẩn, mầm bệnh đó thì có những vi rút, vi khuẩn có ích và cũng có loại có hại cho sự sống, cơ thể sống của con người. Mặt khác chúng ta cũng đều biết là cơ thể con người có những khả năng tự chống lại bệnh tật, chống lại sự xâm phạm của các loại mầm bệnh, vi rút, vi khuẩn. Đơn thuần, cơ thể chúng ta là như nhau, vi rút, vi khuẩn và mầm bệnh luôn bên cạnh rình dập để gây bệnh, rồi thấy mỗi người lại mắc nhiễm những căn bệnh khác nhau, vào những thời điểm khác nhau và với mức độ nặng nhẹ rất khác nhau ... Phải chăng do khả năng chống cự lại sự xâm nhập của mầm bệnh, tác nhân gây bệnh ở mỗi người và ở mỗi thời điểm là khác nhau ? Vậy làm cách nào để ta huy động được khả năng tự chống lại bệnh tật, chống lại sự xâm phạm của tác nhân gây bệnh này của cơ thể một cách hiệu quả nhất ?
Theo đông y học cổ truyền thì nền tảng và nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng dựa theo thuyết âm dương, cơ thể chúng ta với môi trường ( trong và ngoài cơ thể ) cũng không là ngoại lệ. Và theo thuyết âm dương thì khi mất cân bằng âm dương sẽ sinh biến, giống như cơ thể ta sẽ sinh bệnh vậy. Từ nền tảng của thuyết âm dương để triển khai chi tiết và quy nạp sự vật, hiện tương thì người xưa đưa ra thuyết ngũ hành với năm hành là : mộc, hoả, thổ, kim, thuỷ. Rồi từ hai học thuyết trên các danh y đã nghiên cứu và thiết lập ra học thuyết tạng tượng ( quy nạp các bộ phận, cấu tạo cơ thể theo thuyết ngũ hành và âm dương ), học thuyết thiên nhân hợp nhất ( điều hoà cơ thể với tự nhiên để dưỡng sinh, để sống hải hoà với môi trường quanh mình ). Khi cơ thể mất cân bằng ( sinh bệnh ), các y gia đã phân tích xem sự mất cân bằng ở đây như thế nào, ví dụ như Dương thắng, âm thắng, dương hư, âm hư, dương thịnh, âm thịnh, thuỷ suy hoả vượng, can mộc vượng quá khắc tỳ thổ, hay tỳ thổ hư sinh phế kim bệnh, thận thủy giao tâm hỏa ( phạm trù chính tà, hư tà, tặc tà, vi tà, thực tà )...vv... Từ đó đề ra bát pháp ( 8 phương pháp trị bệnh ) là: hãn, thanh, hạ, thổ, tiêu, hòa, ôn, bổ. Phưong tiện, cách làm và dụng cụ cho các pháp trị bệnh này là các vị thuốc đông dược, châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chôn chỉ, kéo giãn, giác hơi, đánh gió, xông ... Nói ngắn gọn lại là cần có sự tác động một cách khoa học từ bên ngoài đến cơ thể chúng ta để lấy lại cân bằng khi cơ thể chúng ta đang mất cân bằng ( bị mắc bệnh ). Về tây y thì nguyên tắc cũng vậy, nhưng mang tính chữa trị các triệu chứng cụ thể hơn là tổng thể cân bằng của cơ thể như đông y.
Tôi cứ nghĩ và định hướng trong thâm tâm rằng cơ thể chúng ta có khả năng phòng vệ chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, nhưng cũng có lúc nó thất bại trước tác nhân gây bệnh. Tất nhiên cơ thể chúng ta có cấu tạo như nhau nhưng môi trường ta sống tác động đến chúng ta khác nhau ( nói đến môi trường là bao gồm cả nội nhân, ngoại nhân, bất nội ngoại nhân, ...) nên bệnh tật mỗi người có khác nhau. Chung quy lại thì tất cả đều do môi trường xung quanh ta, trong ta xâm phạm, nó phá vỡ thế cân bằng của cơ thể dẫn tới bệnh tật, vậy làm cách nào để huy động khả năng tự phòng và chống lại bệnh tật của cơ thể mình ?
Tôi có xem tập sách viết về hệ miễn dịch và cách chống lại bệnh tật, ngoại nhân xâm phạm vào cơ thể của tác gỉa Đái Duy Ban và biết được rằng tự cơ thể chúng ta có rất nhiều cách để chống lại sự xâm phạm của các mầm bệnh ( nói chung cho các nguyên nhân sinh bệnh trong cơ thể ) ví dụ như: tống đẩy, tiêu hoá vi khuẩn, đồng hoá dị nguyên, kháng nguyên.vv ... Và tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều cơ chế, khả năng tự chống lại và tự chữa bệnh của cơ thể mà con người chúng ta chưa nghiên cứu ra, đặc biệt về các bệnh liên quan đến tâm bệnh.
Từ luận giải cơ chế tạo nghiệp ( Tâm - ý - thân ) dựa trên nền tảng thực hành thiền Tứ Niệm Xứ cùng sự dẫn dắt của duyên khởi mà Phật Pháp đem lại, tôi nhận ra rằng mọi bệnh tật, khổ đau, sung sướng, vui buồn ... liên quan đến thân thể, tâm hồn đều trong vòng nghiệp của mỗi người. Và cái mầm bệnh hay căn bệnh của mỗi người cũng tuân theo quy luật của vòng tạo nghiệp ( gọi là nghiệp bệnh ). Như đã nói ở phần đầu thì trong cơ thể ta, môi trường xung quanh ta luôn tồn tại tất cả các mầm bệnh và các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể ta rồi phát triển thành bệnh sau đó nó có thể huỷ hoại và chấm dứt sự tồn tại của cơ thể ta, đó là chu trình của nghiệp bệnh. Vậy làm thế nào để chấm dứt được chu trình tạo nghiệp bệnh này ?
Thử ngẫm lại mà xem, mỗi chúng ta khi cảm thấy cơ thể không bình thường ( có thể là đau, cảm giác khó chịu ở một chỗ nào đó, hoặc các sinh hoạt bình thường bị thay đổi do ảnh hưởng vì sức khoẻ, cơ thể có những biến đổi bất thường  ... ) thì chúng ta có chú ý đến một lát rồi bao công việc, sự việc khác cuốn hút chúng ta phải theo hoặc bắt buộc phải theo và quên đi hay bỏ qua những cảnh báo của cơ thể ( cũng có thể coi là tiếng kêu cứu của cơ thể ). Dần dần mức độ cảnh báo của cơ thể tăng lên, ta đi khám bệnh và ta biết là mình bị bệnh rồi bắt đầu chữa trị. Nếu gặp thầy gặp thuốc ta khỏi được còn không may thì chúng ta ra đi ... vậy là đời ta chấm dứt đồng nghĩa với nghiệp của bệnh đã hoàn thành, một kiếp khác giành cho chúng ta ... Trong chu trình của nghiệp bệnh này chúng ta có thể nhận thấy cơ chế, cách thức của nghiệp bệnh đã xảy ra như thế nào không ? Nguyên lý nào để chúng ta ngăn chặn, cắt đứt vòng tạo nghiệp của bệnh này ? Cách thức thực hiện để đạt được mong muốn này sẽ như thế nào ?.

Những câu hỏi này cứ ám ảnh tôi khi tôi nghiên cứu về Thiền Phật ( thiền quán hay thiền Tứ Niệm Xứ ). Từ những cảm nhận được dẫn dắt bởi ánh sánh của Phật pháp tôi đã nhận thấy con đường đi của Nghiệp ( nói chung ) là từ Tâm qua quá trình tạo tác Ý rồi Ý điều khiển Thân và Thân hành động, và tôi đã viết luận giải về Thân – Tâm – Ý ở các phần trước trong blog này ( mời xem ở đây: http://yhoccotruyenvn01.blogspot.com/2014/02/than-tam-y.html   và http://yhoccotruyenvn01.blogspot.com/2014/02/than-tam-y-bai-thu-hai.html ). Cũng từ sự soi sáng của Phật Pháp với câu kinh truyền lưu rằng: "Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm, chấm dứt lo âu, phiền muộn, tiêu diệt thân bệnh và tâm bệnh, đạt thánh đạo và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ ", trong tôi lại dấy lên những câu hỏi cần được luận giải là điểm bắt đầu để nhận ra của con đường là từ đâu ? nguyên lý và cách thức thực hiện nó như thế nào ?
Kết hợp khi thiền Tứ Niệm Xứ ở mức độ sơ khai tôi đã nhận thấy có hai yếu tố tác động lên chúng ta và tạo ra hai vòng nghiệp luôn có trong mỗi con người chúng ta, đây  như là điểm đầu của nhận thức về con đường Phật đã nói. 
- Yếu tố thứ nhất là: Tâm dẫn dắt Ý ( Tâm tạo tác ý - ý khiển Thân - Thân hành động ). Gọi đây là vòng tạo nghiệp thứ nhất.
- Yếu tố thứ hai là:  Môi trường quanh ta tác động lên Thân ( Tác nhân bên ngoài xâm phạm vào Thân - Thân kêu cứu qua Ý - Ý tác động lên Tâm - Tâm quay lại tác Ý - Ý khiển Thân - Thân hành động ). Gọi đây là vòng tạo nghiệp thứ hai.
Trong cả hai vòng  tạo nghiệp TÂM – Ý – THÂN trên thì Ý là mắt xích quan trọng nhất, tất cả chu trình của nghiệp đều phải đi qua Ý. Ý là cái của tự bản thân chúng ta, cái ý nghĩ, ý chí của chúng ta, là cái được rèn luyện được bồi đắp từ thực tế cuộc sống, từ trải nghiệm cuộc sống, từ những bài học truyền lại của loài người và có thể thay đổi theo ý chí của bản thân mỗi người. Vòng tạo nghiệp này sẽ thay đổi khi Ý thay đổi, đây là điểm mấu chốt để thực hiện thay đổi nghiệp  ( kể cả hai vòng nghiệp ) và cũng là điểm mấu chốt trong nguyên lý chữa trị Tâm bệnh và Thân bệnh.

05 tháng 9 2014

Chữa chứng ho ngứa họng bằng Thiền Tứ Niệm Xứ ( thiền quán )

P
   
   Chúng ta bị ho và rất ngứa họng, có người thỉnh thoảng lại bị ho kiểu ngứa họng. Thường gọi là viêm họng mà nguyên nhân gây ra thì rất nhiều. Phương pháp tôi trình bày đây áp dụng cho các loại ho có ngứa họng. Trong quá trình tự trị bệnh này mọi người sẽ tự nhận biết khi nào nó xuất hiện và giải pháp tiêu trừ mà không cần dùng thuốc, không cần một tác động nào ngoài ý chí, ý nghĩ của chính mình.
      Nội dung thực hiện như sau:  Khi thấy cảm giác bị ngứa họng, bạn bắt đầu dừng mọi việc lại, trước hết chúng ta chuyển sang tư thế thoải mái nhất, có thể là ngồi thiền, nằm nghiêng, tản bộ, đang ngồi ở ghế làm việc... và tập trung quán sát hơi thở của mình, khi hít vào ta đọc thầm trong đầu ( niệm ) là phồng, khi thở ra ta niệm là xẹp, thấy ngứa họng ta niệm là ngứa họng, ngứa họng ... và cố không ho ( kiểu như nhịn ho ). Cứ niệm như vậy thì cơn ngứa sẽ tăng lên rất nhanh, toàn bộ cơ thể  sẽ phản ứng rất mạnh, nước mắt trào ra, hai tai có thể ù đặc, và thậm chí có thể nôn, oẹ. Các tuyến nước bọt có thể tiết ra rất nhiều, ta có thể nuốt nước bọt vào và niệm là nuốt nước bọt, nuốt nước bọt, .... Đến khi tự bị ho hắt ra rất mạnh hoặc nôn ra, nước mắt nước mũi chảy ra thì ta dừng lại để rửa mặt, xúc miệng...  Tiếp đó ta quay lại thiền như lúc đầu, ngay lập tức thấy họng ngứa ngay, sau khoảng vài lần liên tiếp thực hiện như vậy thì ta thấy thở ra hít vào sẽ không ngứa nữa ... và sẽ không bị ngứa và ho trong khoảng mấy tiếng, khi thấy hiện tượng ngứa họng xuất hiện thì lại lập tức thiền như trên. Khoảng vài ngày sẽ khỏi ( nếu trước đó đã bị ho dài ngày ) và từ sau sẽ ngăn chặn ngay cơn ngứa họng đầu tiên, giúp chúng ta không bị mắc chứng ho viêm họng. 

   Đây là phương pháp chữa bệnh dựa trên nền tảng của Thiền Tứ Niệm Xứ và được tự bản thân tôi thực nghiệm, kiểm nghiệm, mọi người nếu mắc chứng bệnh trên thử thực hiện và phản hồi các tác động cũng như kết quả qua blog này để chúng ta cùng nhau lập ra được phương pháp chữa căn bệnh này một cách hữu hiệu nhất cho mỗi người. Sự chia sẻ của mọi người khi thực hiện phương pháp này là niềm vui rất lớn đối với tôi !


04 tháng 9 2014

Chống mệt mỏi, đau người, đau đầu do mất ngủ và ngồi lâu trên tàu hỏa bằng Thiền quán


Bạn đi tàu để thực hiện một công việc nào đó hay đi du lịch xa … Hẳn bạn cũng như mọi người đều rất ngại về vấn đề giấc ngủ và mệt mỏi cơ thể khi phải ngồi trên một con tàu lắc lư, gầm rú trong thời gian vài tiếng cho đến vài ngày. 




Mấy người bạn và bà con trong gia đình tôi thường nói đùa rằng lúc đi tàu thì mọi người vật vã như cá vật đẻ. 








Tôi nhận thấy mình nên áp dụng thiền tứ niệm xứ xem sao …
   Mấy ngày nghỉ lễ quốc khánh 2/9/2014 đại gia đình tôi tổ chức đi Sapa du ngoạn, và phương tiện đi lại được chọn là tàu hỏa sau khi đã phân tích rất nhiều khía cạnh như an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí, lượng người tham gia, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe. Thực chất thì nhược điểm chính của đi tàu là ảnh hưởng tới sức khỏe do thời gian đi lâu và tư thế trên tàu khi đi ( ngồi ghế cứng, ngồi ghế mềm, giường nằm ). Tùy theo nhu cầu mà mọi người trong gia đình lựa chọn, do chủ yếu là những người trẻ, trung niên nên mọi người chọn ghế ngồi cứng để tiết kiệm chi phí giành cho những chi tiêu khác của chuyến đi, một số người có tuổi và em nhỏ được bố trí giường nằm.

Vậy là mọi người đã xác định là mệt mỏi trong một đêm ở tư thế ngồi, nằm co ro, vật vã trong tiếng gầm rú và rung lắc của đoàn tàu. Đúng là như cá vật đẻ, tôi thấy mọi người nằm, ngổi nghiêng ngả, chui cả xuống gầm ghế,…sáng sau kêu đau mỏi nhừ người. Còn tôi thì bắt đầu thực hiện thiền tứ niệm xứ quán niêm hơi thở. Trước hết là chọn tư thế ngồi thật thoải mái ở vị trí ghế của mình ( lưng thẳng, hai chân cân đối, gập đầu gối cân bằng hai bên, đặt hai tay tư thế thõng xuống tự nhiên, hai bàn tay đặt khu vực đầu gối hoặc ngửa lên và chồng lên nhau giữa hai đùi ), sau đó thực hiện thiền quán niệm hơi thở và tứ niệm xứ. Các hình ảnh, suy nghĩ, âm thanh, hơi thở, sự đau mỏi của cơ thể, đặc biệt là sự rung lắc của tàu liên tục tấn công vào tâm cần được quán niệm ( thầm đọc lên trong đầu ), cứ như vậy đến một lúc tâm ta rơi vào tĩnh lặng ( những tác động trên được ta niệm song hành với việc nó tác động lên tâm ). Những lúc này cảm giác như ta đang ngủ nhưng tâm rất tỉnh táo, thi thoảng có cơn ngủ gật ập đến ( rất hiếm ). Khoảng vài tiếng đồng hồ ta suy nghĩ là cần phải lấy lại trạng thái bình thường để xoa bóp đôi chân thì tự cơ thể khiến ta tỉnh thức. Việc xoa bóp đôi chân và thay đổi tư thế giúp cơ thể  ta lấy lại cân bằng và tránh việc ứ tắc khí huyết gây đau mỏi. Xoa bóp vùng chân thực hiện theo nguyên tắc “ âm thăng dương giáng “ âm là phía trong và sau của chân, dương là phía ngoài và trước của chân, thăng là đưa lên, giáng là đưa xuống. Dùng bàn tay và các ngón tay xoa bóp vùng chân theo nguyên tắc trên khoảng 5-10 lần . Sau đó thực hiện động tác chải đầu từ trước về phía sau bằng các đầu ngón tay 5-10 lần. Đứng dậy vặn mình hoặc đi lại trên khoang tàu vài phút. Tiếp đó lại thực hiện thiền quán như trên cho đến khi hết buổi đêm. Sáng sau khi mọi người thức dậy, ai cũng kêu đau mỏi cơ thể, mệt mỏi, có người kêu đau đầu, tôi thì thấy cơ thể cũng như đầu óc mình tỉnh táo và khỏe mạnh bình thường như ngủ ở nhà vậy. Đấy là hôm đi lên Sapa, hôm về tôi cũng thực hiện như vậy và kết quả tương tự. Mọi người nằm, ngồi nghiêng ngả, ngủ gật ngặt ngẽo, rồi đau mỏi khắp người, thấy tôi chỉ ngồi im một tư thế mà hôm sau vẫn thấy bình thường nhưng không tin và thực hiện theo cách tôi nói. 
  Tự bản thân tôi thấy cách thiền này dễ thực hiện  rất hữu hiệu cho mọi người đi tàu xe trên nhưng chặng đường xa, giúp giữ gìn sức khỏe, ổn định tinh thần, vậy nên viết ra đây hầu mong giúp được ai đó khi gặp hoàn cảnh tương tự sẽ áp dụng, kết quả như thế nào xin phản hồi ý kiến qua trang blog này.