01 tháng 10 2012

LƯỠNG NGHI SINH ÂM DƯƠNG ( Thái cực đồ )




        ....( Tiếp theo bài: Vô cực sinh Lưỡng nghi ) ...Thế giới vật chất luôn vận động, biến đổi cũng như tư duy của loài người luôn phát triển, đổi mới…
        Thế giới vật chất, sự vật, hiện tượng không dừng lại ở ngưỡng phân chia đơn giản thành hai phần khác biệt ở ý niệm lưỡng nghi ( khái niệm âm dương sơ khai ban đầu ), nó bắt đầu đan xen, giao hòa và phối nhập rồi chia tách, biến hóa không ngừng … Từ những hạt vật chất đơn giản ban đầu hay những mầm sống đơn giản nhất chúng bắt đầu tác động, tiến hóa, chuyển hóa, dần dần tạo lên một thế giới vật chất đa dạng muôn màu: chất lỏng đan xen chất rắn, chất khí hòa lẫn vào chất lỏng, khi thì bay lên, lúc thì lắng xuống, lúc thì tối tăm khi lại sáng lòa, lúc thì nóng chảy lúc lại lạnh đóng băng dày… 


( mô phỏng lưỡng nghi đã biến hoá ) 

Sự biến chuyển ngày càng vi tế hơn, sáng chuyển sang tối, nóng chuyển sang lạnh, rắn hòa nhập với lỏng, khí hòa dần vào chất lỏng, chất này có trong lòng chất kia …
        Tư duy con người cũng tiến hóa, chuyển biến. Nhận thức và tư duy truyền lại qua các thế hệ và phát triển một cách nhanh chóng. Từ việc phân định thế giới quanh mình ra hai thái cực trong lưỡng nghi  thì con người bắt đầu quan sát tỉ mỉ hơn, quan sát sâu hơn và thậm chí là tác động vào vật quan sát để tìm hiểu, nắm bắt bản chất sự vật, hiện tượng. Họ đã nhận thấy thế giới vật chất không chỉ chia ra làm hai phần ( lưỡng nghi ) mà còn có những nấc trung gian ví như con người sinh ra thì có thời gian sinh sống rồi chết đi, trong một ngày đêm thì ánh sáng và bong tối được luân chuyển một cách dần dần, trong chất rắn cũng thấy có chất lỏng, hết mưa rồi lại nắng, chất này tan dần, biến mất thì chất khác lại dần hình thành và phát triển. Những thăng trầm, chuyển biến của xã hội loại người, những manh mún sơ khai dần đến hưng thịnh, rực rỡ  sau đó thì sụp đổ lụi tàn rồi lại nhen nhóm gây dựng … cứ như vậy con người tồn tại và phát triển, tiến hóa.  
    Qua quá trình quan sát, khám phá một cách sâu hơn, tư duy con người đã nhận thấy sự lồng chéo, đan xen của sự vật, hiện tượng, các quy luật bất biến của sự vật hiện tượng như việc có sinh và có tử, có phát triển sẽ có lụi tàn và đặc biệt họ đã nghiệm thấy những sự phát triển quá mức của sự vật, hiện tượng sẽ dẫn đến sự thay đổi …Và một học thuyết đã ra đời đó là thuyết ÂM DƯƠNG ( mô phỏng cho học thuyết âm dương là thái cực đồ ) .  
Trong đó, những khái niệm nguyên thủy mang tính bất biến của học thuyết thật cô đọng, thâm sâu và huyền diệu mà muôn đời sau loài người vẫn mải mê nghiên cứu nó, ứng dụng nó cho cuộc sống của mình trên rất nhiều lĩnh vực.



( Thái cực đồ ) 

Các quy luật cơ bản trong học thuyết ÂM DƯƠNG
1/ Âm Dương đối lập:
Âm dương là hai mặt đối lập nhưng trong một thể thống nhất của sự tồn tại của mọi sự vật hiện tượng.
Có ngày mới đến đêm, có sinh ra là có mất đi, có trên thì có dưới .....
2/ Âm Dương hỗ căn:
Âm Dương là hai phạm trù ẩn chứa trong mọi sự vật hiện tượng, nó nương tựa nhau giúp cho sự vận động không ngừng và tồn tại của các sự vật hiện tượng, khi Âm suy giảm thì Dương tăng, ngược lại khi Dương suy giảm thì Âm tăng. Trong âm có dương, trong dương có âm. Hai hình thể biểu trưng đan quyện tạo lên một hình tròn dầy biến hoá của Vũ trụ.
3/ Âm Dương tiêu trưởng:
Cái này dần được sinh ra và lớn lên thì cái kia dần thoái trào và thu hẹp lại rồi mất đi.
Hãy hình dung ở vị trí cao nhất ( trên nhất ) là Dương phát triển viên mãn ( Dương cực ) tương tự với vị trí thấp nhất ứng với thái cực Âm cực đại, ở điểm này bắt đầu có sự hình thành của cực đối lập. Có câu : Dương cực sinh Âm - Âm cực sinh Dương
4/ Âm Dương Bình hành:
Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều ẩn chứa hai mặt của Âm và Dương. Sự vận hoá đắp đổi không ngừng tạo lên vạn vật nơi Vũ trụ. Quá trình biến hoá trong mọi sự vật luôn tiến về thế cân bằng Âm Dương. Như hình tròn vô hướng luôn vận động không ngừng, nhưng Nội trong nó là hai Thái cực Âm Dương luôn cân bằng: có tiêu thì có trưởng, có Dương cực sinh Âm thì cũng có Âm cực sinh Dương, có trên thì cũng có dưới, có trái thời có phải ...

....................................................................................



Không có nhận xét nào: