27 tháng 7 2017

Đông bệnh hạ trị



      “Đông bệnh Hạ trị” là một phương pháp chữa bệnh độc đáo của Đông y, đã lưu truyền trong dân gian từ thời cổ đại. Phương pháp này cũng được đề cập trong sách “Bản thảo Cương mục” của Lý Thời Trân và trình bày một cách hệ thống trong sách “Trương Thị Y thông” của Trương Lộ. Tuy nhiên suốt một thời gian dài, tới hơn 1 thế kỷ, phương pháp này dường như bị lãng quên và ít được ứng dụng trên lâm sàng.
Những năm gần đây, “Đông bệnh Hạ trị” lại hưng khởi. Sau hàng loạt kết quả nghiên cứu lâm sàng, khẳng định tác dụng dự phòng và trị liệu rất hữu hiệu, đối với một số chứng bệnh thường phát tác trong mùa Đông, đặc biệt là các bệnh dị ứng, như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,… phương pháp “Đông bệnh Hạ trị” đã được chính thức áp dụng tại các bệnh viện ở nhiều nước.
Hàng năm, cứ tới kỳ “Tam phục” – giai đoạn nóng nhất trong năm, nhiều bệnh viện ở Trung Quốc và một số nước khác lại mở thêm các phòng khám chuyên khoa “Đông bệnh Hạ trị” để kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân. Do số người đến bệnh viện để “Đông bệnh Hạ trị” ngày càng gia tăng và tăng lên gấp bội trong giai đoạn này.
Theo đánh giá của giới y học, thời gian gần đây “Đông bệnh Hạ trị” trở nên thịnh hành, được đông đảo bệnh nhân ưa chuộng, do có 4 ưu điểm chủ yếu: Hiệu quả cao – An toàn – Kinh tế – Ít tác dụng phụ.

“Đông bệnh Hạ trị” là gì?

“Đông bệnh” là những chứng bệnh thường phát tác vào mùa Đông; “Hạ trị” là sớm tiến hành phòng ngừa, chữa trị ngay trong mùa Hạ; như vậy, “Đông bệnh Hạ trị” nghĩa là tiến hành chữa trị các chứng bệnh mùa Đông từ trong mùa Hạ.
Từ nhiều thế kỷ trước, Đông y đã nhận thấy: Một số chứng bệnh, như chứng ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính ở người già, hen phế quản (thể hư hàn), tiêu chảy lúc sáng sớm (ngũ canh tả), viêm khớp (thể hàn tý), viêm mũi dị ứng (thể phong hàn),… thường hay tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn trong những ngày giá lạnh mùa Đông.
Để chữa trị các chứng bệnh mạn tính nói trên, Đông y thực thi theo nguyên tắc “Cấp tắc trị tiêu, hoãn tắc trị bản” – bệnh cấp trị ngọn, bệnh hoãn trị gốc. Nghĩa là, trong thời gian bệnh phát tác mạnh, nói chung chỉ có thể tập trung vào việc khống chế các triệu chứng, nghĩa là chỉ có thể “chữa ngọn” (trị tiêu). Muốn chữa trị tận gốc (trị bản), cần tiến hành trị liệu ngay từ mùa Hạ, lợi dụng giai đoạn bệnh tình đang tạm ổn định.
Phòng trị sớm như vậy, thì khi tới mùa Đông, bệnh sẽ đỡ tái phát, hoặc giả có phát tác thì cũng nhẹ hơn. Thực tế lâm sàng cho thấy, khi tiến hành “Đông bệnh Hạ trị” như vậy, nói chung chỉ cần bỏ ra ít công sức, mà kết quả thu được lại rất khả quan, đặc biệt còn có thể trị được tận gốc cả một số chứng bệnh hiểm nghèo.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để bảo vệ sức khỏe, dự phòng và chữa trị bệnh tật có hiệu quả, cần dựa vào quy luật biến đổi của Âm Dương trong bốn mùa, để điều hòa Âm Dương trong cơ thể.
Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các loại “Đông bệnh” (bệnh mùa Đông) là “Dương hư”. “Dương hư” (còn gọi là “hư hàn”, “dương khí hư tổn”, …) là một trạng thái bệnh lý, hình thành do “Dương khí” trong cơ thể bị hư tổn, thiếu hụt, không đủ sức cân bằng với “Âm khí”, để duy trì “Âm dương cân bằng”. “Dương hư” thì “Âm hàn nội sinh” và “hàn tà” từ bên ngoài, cũng nhân cơ hội đó xâm nhập vào nhân thể, gây nên các chứng bệnh “Âm hàn”, thường hay phát tác vào mùa Đông.
Để chữa trị “Dương hư”, Đông y có nhiều biện pháp. Trong số đó, “Đông bệnh Hạ trị” là phương pháp hết sức độc đáo.
Theo Đông y, Âm Dương bốn mùa trong trời đất biến đổi theo quy luật “Xuân Hạ Dương khí đa nhi Âm khí thiểu; Thu Đông Âm khí thịnh nhi Dương khí suy”. Nghĩa là, Mùa Xuân mùa Hạ Dương khí nhiều mà Âm khí ít; mùa Thu mùa Đông Âm khí thịnh mà Dương khí suy. Dương khí và Âm khí trong nhân thể cũng biến đổi, thịnh suy theo quy luật như vậy.
Để thuận ứng với thiên nhiên – trời đất, y gia thời xưa không những chủ trương “Xuân Hạ dưỡng Dương, Thu Đông dưỡng Âm” (mùa Xuân mùa Hạ cần bồi dưỡng Dương khí, mùa Thu mùa Đông cần bồi dưỡng Âm khí), mà còn phát hiện ra phương pháp “Đông bệnh Hạ trị”: Phòng ngừa và chữa trị các chứng bệnh mùa Đông, bằng cách lợi dụng “Dương khí cực thịnh” của mùa Hạ, để bổ sung, tăng cường Dương khí và sức chống bệnh của nhân thể.

“Tam phục” – Dương khí cực thịnh

Y gia thời xưa nhận thấy, hằng năm đều có một giai đoạn Dương khí cực thịnh – nhiệt độ không khí lên cao nhất, khí hậu nóng bức nhất trong năm. Người xưa gọi đó là “Tam phục” hoặc là “Phục hạ”.
Tính theo Nông Lịch (thường quen gọi là “Âm lịch”), đó là giai đoạn từ sau tiết Hạ Chí tới tiết Lập Thu. Trong giai đoạn này, có 3 ngày đặc biệt, là 3 điểm mốc, khởi điểm của “sơ phục”, “trung phục” và “mạt phục”, gọi tắt là “Tam phục”; đó là những ngày Dương khí cực thịnh, là những thời điểm thuận lợi nhất, có thể lợi dụng Dương nhiệt của mùa Hạ, để bổ sung, bồi đắp Dương khí cho nhân thể và chữa trị các loại “Đông bệnh”, nhất là các bệnh đường hô hấp, liên quan mật thiết với tạng Phế của Đông y học.
Để tính “Tam phục”, chỉ cần một cuốn lịch có kèm theo ngày tháng tính theo Nông lịch. Cách tiến hành cụ thể theo trình tự sau:
  1. Mở lịch ra tìm ngày “Hạ Chí”;
  2. Tìm ngày “Canh” thứ 3 sau “Hạ Chí”, đó là khởi đầu của 10 ngày “sơ phục”;
  3. Tìm ngày “Canh” thứ 4 sau “Hạ Chí”, đó là khởi đầu của 10 ngày “trung phục”;
  4. Tìm ngày “Canh” thứ nhất sau “Lập Thu”, đó là khởi đầu 10 ngày “mạt phục”.
Thí dụ, năm 2012, giai đoạn “Tam phục” tương ứng như sau:
  1. Ngày 21/06/2012 – ngày Quý Sửu = “Hạ Chí”;
  2. Ngày 18/07/2012 – ngày Canh Thìn = “Sơ phục”;
  3. Ngày 28/07/2012 – ngày Canh Dần = “Trung phục”;
  4. Ngày 17/08/2012 – ngày Canh Tuất = “Mạt phục”.
Vì sao “Tam phục” đều khởi đầu bằng những ngày có thiên can là “Canh”? Theo phép “Thiên can hóa vận” trong “Vận khí học” (Y học khí tượng cổ đại): Ngày “Canh” tương ứng với hành Kim. Tạng Phế cũng có thuộc tính ngũ hành là “Kim”. “Đông bệnh” thường liên quan đến chức năng của tạng Phế, vì vậy người xưa đã chọn ngày “Canh” để tiến hiện phòng trị “Đông bệnh”.
Trong Đông y cổ đại, việc thực hiện các biện pháp chữa trị được tiến hành mỗi năm 3 lần (1 liệu trình): Đúng vào các ngày “Canh” nói trên. Tốt nhất trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Liên tục từ 3-5 năm.
Trong Đông y hiện đại, vẫn lấy những ngày “Canh” làm những khởi điểm của “Tam phục”, nhưng 3 lần chữa trị hằng năm không nhất thiết phải thực thi vào đúng ngày “Canh”, mà cũng có thể tiến hành vào 1 trong số 9 ngày tiếp sau trong mỗi phục.
Hiện tại, khá nhiều thầy thuốc Đông y còn nhận thấy, đối với “Đông bệnh” thực tế chỉ cần tiến hành chữa trị vào giai đoạn thời tiết nóng nhất trong năm (khoảng từ Tiểu Thử, qua Đại Thử, cho tới sau tiết Lập Thu vài ngày), cũng có thể mang lại kết quả khả quan.

Một số biện pháp cụ thể

Để thực hiện “Đông bệnh Hạ trị”, trong Đông y có nhiều biện pháp khác nhau, như uống thuốc, châm, cứu, đắp thuốc, dán cao, giác hơi, tắm thuốc, xông thuốc, ẩm thực liệu pháp, … Tuy nhiên, việc chữa trị cần tuân theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị”, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y.
Một số biện pháp tương đối thông dụng để tham khảo:
(1) Thuốc uống:
– Vào những ngày “Tam phục”, có thể sử dụng phương thuốc có tác dụng bồi bổ Dương khí, thành phần như sau: Đảng sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, cam thảo 3g, hoàng kỳ 12g, đương quy 10g, bạch thược 12g, sinh địa 10g, sơn thù 10g, kỷ tử 10g, đại táo 3 trái; sắc 2 nước, hợp 2 nước lại, chia ra 3 lần uống trong ngày, cách xa bữa ăn.
– Trong những ngày “phục”, cũng có thể dùng nhân sâm 10g, hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày.
– Đối với những người Tỳ Thận Dương hư, từ sau ngày Hạ chí, có thể uống 20-30 tễ thuốc bổ nguyên khí, như “Bát vị hoàn”, “Lý trung hoàn”, “Thung dung hoàn”, … Như vậy có thể tăng cường thể lực và nâng cao sức đề kháng đối với một số bệnh mạn tính trong mùa Đông.
(2) Đắp thuốc lên huyệt vị:
– Đối với những bệnh, như hen suyễn, ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính, hoặc một số chứng bệnh khác về phổi, vào 3 ngày “Tam phục” có thể dùng thuốc đắp, thành phần như sau: Dùng bạch giới tử, tế tân, huyền hồ sách – mỗi thứ 12g; tất cả tán nhỏ, trộn với nước gừng và đắp trên các huyệt “phế du”, “tâm du”, “cách du” hoặc trên các huyệt “phế du”, “bách lao”, “cao hoang”; sau đó dùng băng dính cố định lại.
– Nói chung, nếu sau 4-6 giờ thấy nóng rát hoặc đau nhức ở vùng huyệt thì gỡ thuốc ra. Nếu chỉ thấy hơi ngứa và nóng thì để thêm vài tiếng nữa hãy gỡ bỏ ra. Cách 10 ngày làm một lần như vậy, tổng cộng 3 lần trong 1 năm. Liên tục 3-5 năm, kết quả càng tốt.

13 tháng 7 2017

Luyện linh đan bồi bổ chân âm

Bước 1: lấy thuốc từ hiệu thuốc theo đơn 

Bước 2: chọn tách các vị thuốc ẩm, ướt do ngâm tẩm


Bước 3: cho các vị khô vào máy xay và xay kỹ 

Bước 4: dùng dây lưới mắt cỡ nhỏ dây cho hạt nhỏ rơi xuống, hạt to lại cho vào máy xay tiếp rồi dây, lần 1, lần 2, lần 3 ....đến hết 

Bước 5: cho các vị ẩm, ướt vào lò vi sóng và đặt ở chế độ sấy khô đến khi thuốc khô dòn thì cho vào máy xay để xay rồi dây lọc như trên.

Bước 6: khi đã dây xong hết thì dùng thìa đảo trộn đều thuốc trước khi thực hiện làm hoàn.

Bước 7: dùng một cái khay ( mâm ) để làm nơi pha trộn và vê viên hoàn

Bước 8: sử dụng găng tay nilon cho việc trộn bột thuốc và vê viên hoàn.

Bước 9: dùng mật ong để tạo kết dính 

Bước 10: một số dụng cụ để đảo, xúc, gạt, cắt ... Khi làm viên hoàn

Bước 10: đổ mật ong vào bát

Bước 11: xúc bột thuốc đổ lên trên lớp mật ong rồi đợi khoảng 10phuts cho mật ngấm vào bột thuốc, tiếp đó dùng tay, thìa để trộn đều cho bột thuốc ngấm mật ong đến độ kết dính vua phải cho vê và nặn hoàn ( vừa trộn vừa bổ sung mật ong nếu thấy bột chưa có độ dính kết phù hợp )

Bước 12: nặn viên hoàn theo kích cỡ ước lệ cho từng đơn thuốc và liều dùng sao cho phù hợp khi sử dụng.

Bước 13: sau khi nặn xọng các viên hoàn thì đợi khoảng 30phuts cho viên hoàn kết dính ồn định

Bước 14: đóng vào hộp hoặc lọ thuỷ tinh ( nếu mỗi viên hoàn có hộp nhựa riêng hoặc bao giấy gói riêng thì tốt nhất ). Vậy là quý vị đã có những viên thuốc hoàn để dùng điều trị chứng bệnh của mình một cách tiện lợi, thời gian sử dụng có thể được vài tháng hoặc lâu hơn nếu bảo quản tốt. Chúc quý vị luôn dồi dào sức khoẻ, bình an và may mắn ! 
 ( P/s : các hình ảnh trên được chụp lại khi tôi làm viên hoàn lục vị gia giảm để chữa chứng thuỷ suy yếu của mình )