Sơ cứu khi rắn độc cắn là một trong những kỹ năng mềm vô cùng quan trọng, mỗi người phải tự trang bị kiến thức cho bản thân phòng khi cần thiết.
Trước tiên, chúng ta cần phân biệt vết cắn của rắn có độc và không độc.
- Với rắn không độc, vết cắn là những chấm nhỏ có hình vòng cung và đặc biệt không có dấu răng nanh lớn. Vết cắn của rắn độc có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại 1, 2 hay thậm chí 4 dấu răng do chúng có hai răng nanh độc ở hàm trên.
Có thể hình dung vết cắn của hai loại rắn theo hình vẽ minh họa dưới đây:
Phía trên là vết cắn của rắn độc với hai dấu răng độc lớn, phía dưới là rắn lành với vết cắn hình vòng cung.
Hình ảnh người thật khi bị rắn độc cắn, máu rỉ ra từ hai chỗ bị răng độc găm vào rất rõ:
Bên cạnh đó, cần quan sát phản ứng của nạn nhân. Nếu bị rắn độc cắn, nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu... Khi đó, cần thực hiện sơ cứu càng nhanh càng tốt, tuyệt đối không để chậm trễ vì nạn nhân có thể tử vong trong khoảng 90 phút. Dưới đây là các bước cần thực hiện:
- Để nạn nhân nằm yên và trấn an họ; cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn.
- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu.
Đối với nhóm rắn hổ, bạn cần:
- Bước 1: Buộc garô bằng bất kỳ loại dây nào có thể tìm thấy: dây chuối, dây quai nón... Chú ý phải dùng dây bản to để giảm tổn thương nơi buộc, tránh gây hoại tử. Có thể kiểm tra độ chặt sau khi buộc bằng cách luồn một ngón tay vào giữa các nếp băng.
- Bước 2: Rửa thật sạch vết rắn cắn bằng nước muối sinh lý để tẩy nọc, sau đó đến cơ sở y tế rửa lại bằng thuốc tím 1‰, cồn iôt 2%...
- Bước 3: Rạch rộng vết cắn theo hình chữ thập (+). Trước khi rạch phải sát trùng để tránh nhiễm trùng, tránh rạch đứt thần kinh, mạch máu và dây chằng. Độ sâu qua da đến cơ chảy máu là được, rạch rộng dài khoảng 1-2cm.
- Bước 4: Hút máu tại chỗ rắn cắn.
- Bước 5: Dùng thuốc đơn giản rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện cấp cứu hồi sức.
Đối với nhóm rắn lục, bạn cần:
Giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, hoại tử bằng cách băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Không nên buộc garô, rạch rộng, hút máu như phương pháp dành cho rắn hổ.
Trong nhóm rắn lục, cần lưu ý nhất là rắn lục đuôi đỏ - loài rắn cực độc sống chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, tất nhiên bao gồm cả Việt Nam.
May mắn hơn nạn nhân bị rắn hổ cắn, vết cắn do rắn lục có nguy cơ gây tử vong chậm hơn. Tuy nhiên, cũng cần cấp bách đưa người bị nạn đến nơi có điều kiện cấp cứu hồi sức và có kháng huyết thanh đặc biệt.
Nếu bắt được con rắn “thủ phạm”, bạn hãy mang nó đến chỗ bác sĩ cùng với bệnh nhân để có thể nhanh chóng xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp. Luôn ghi nhớ phương pháp sơ cứu để bảo vệ bản thân và mọi người khi cần thiết, bạn nhé!