07 tháng 3 2015

Thiền cho giấc ngủ an lành !


Chuẩn bị:
Thời gian:  Trước lúc ngủ, lúc cần có giấc ngủ hoặc cần thư thái sau một thời gian dài căng thẳng do công việc, mất ngủ …
Địa điểm: tại phòng ngủ gia đình, văn phòng cơ quan,… ( chọn được nơi yên tĩnh, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông là tốt nhất )
Thể trạng: với bất cứ thể trạng nào, nếu chúng ta còn có khả năng suy nghĩ.
Tư thế: bất cứ tư thế nào mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất ( có thể kiểu ngồi thiền, nằm với tư thế phù hợp … )
Áp dụng: cho tất cả các trường hợp gây mất ngủ ( căng thẳng công việc, suy nhược thần kinh, lo nghĩ quá nhiều, bệnh tật gây mất ngủ, mất ngủ mạn tính …).
Cách thức thực hiện như các bước dưới đây:

Các bước thực hiện như sau:

   - Thực hiện tư thế chuẩn bị thiền phù hợp cho giấc ngủ như nằm nghiêng, nằm ngửa, ngồi kiểu thiền, ngồi ghế dựa …
- Nhắm mắt lại và để điểm nhìn của mắt khi nhắm ở trạng thái tự do ( nghĩa là chỉ nhắm mắt rồi chuyển sang bước tiếp theo dưới đây )
- Quán sát hơi thở của mình. Khi hít vào niệm trong đầu là “ phồng”, khi thở ra niệm là “ xẹp “ ... ( Gọi tắt động tác quán sát và niệm là quán niệm ). Niệm là đọc thầm trong đầu ( không thành tiếng, không mấp máy môi ).
   - Cứ quán niệm như vậy đến khi ta thấy một chủ đề khác xâm nhập vào dòng cảm nhận của ta thì ta chuyển sang quán niệm chủ đề đó. Ví dụ: tiếng gà gáy ( niệm là " gà gáy, gà gáy, gà gáy... ), gió thổi ( gió thổi, gió thổi ... ) , đau ngón chân cái ( đau ngón chân cái, đau ngón chân cái ... ), hình ảnh thủa chăn trâu cắt cỏ ùa về, hình ảnh con rắn, nghĩ về trang blog của mình, công việc cần làm, công việc chuẩn bị làm, ... ( Lưu ý nên dùng từ ngắn gọn để niệm mới đuổi kịp sự dẫn dắt của Tâm, dần dần cảm nhận sẽ nhanh hơn, cái Ý  của ta sẽ bắt kịp với những thay đổi của Tâm ). Tâm của chúng ta sẽ dẫn dắt chúng ta liên tục, lúc thì theo âm thanh nhận được từ tai, lúc thì theo hương vị nhận được từ mũi, rồi cảm giác nhận được từ da, rồi những hình ảnh và suy nghĩ chợt ập đến trong đầu … rất, rất nhiều đối tượng xâm nhập, dẫn dắt tâm ta, chúng ta cần phải niệm từ phù hợp một cách liên tục nhưng không nên nhanh quá hoặc chậm quá ( niệm một cách đều đặn ). Trường hợp quá nhiều tiếng động ập đến mà ta không niệm kịp khi tâm dẫn dắt, ta chỉ cần niệm là:  lắng nghe, lắng nghe,…lắng nghe ... hoặc nhiều ý nghĩ ập đến quá thì niệm là: suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ ….
- Khi ta quán niệm mà không thấy xuất hiện các chủ đề xen vào thì thường là cảm nhận thấy hơi thở, ta quán niệm hơi thở, rồi các chủ đề Tâm dẫn dắt lại xuất hiện ta lại quán niệm tiếp ... Đến một mức độ nào đó ( chắc là tuỳ theo nhân duyên của mỗi người ) sẽ cảm thấy Ý của mình đuổi kịp với những dẫn dắt của Tâm. Đến đây theo kinh nghiệm thực tế và sự cảm nhận của duyên nghiệp với Phât Pháp mà tôi nhận thấy có hai ngã rẽ. Một là chúng ta tiếp tục quán niệm như vậy rồi dần dần rơi vào giấc ngủ, hai là Định Tâm và bước vào tầng sơ thiền ( theo thiền Phật Tứ Niệm Xứ ). Phương pháp định tâm để bước tiếp theo con đường thiền Phật tôi đang thực hành và trải nghiệm, sẽ truyền tải nội dung trong những bài sau. %

 Do thực hành và trải nghiệm thực tế của tự bản thân rồi viết lại, trong cách diễn giải còn nhiều sơ suất và chưa rõ ý, mong mọi người chỉ bảo. Có thể nghiệp lực hay duyên nghiệp mỗi người mỗi khác nên thời gian đạt được kết quả mong muốn có thể rất khác nhau, chúng ta cần kiên trì và tin tưởng ở phương pháp này bởi nguyên lý rõ ràng rằng: khi Ý chúng ta đuổi kịp sự dẫn dắt của Tâm chúng ta thì cũng tương tự như khi ta đang ngủ vậy, bởi khi ta ngủ tâm và ý của chúng ta là một ( không tạo nghiệp ) .

Quá trình tập Thiền có gì vướng mắc và kết quả như thế nào đề nghị quý vị viết phản hồi lại để chúng ta cùng nhau tìm ra cách thực hiện phù hợp nhất cho mỗi người.
    Chúc an lành và sức khoẻ đến với tất cả chúng ta !

Không có nhận xét nào: