Bài mở đầu ( ngày 17/01/2014 )
Mỗi lần đọc sách về Đông y của các bậc đại danh y thời xưa tôi lại nhận thấy thấp thoáng hoặc trực diện các vấn đề về âm dương, thời gian trôi đi và quá trình tích lũy kinh nghiệm sống cũng như những phân tích và suy diễn cứ dần dần bồi đắp, tích tụ ... Và rồi rất nhiều vấn đề gợi mở khi đi sâu vào nghiên cứu những ẩn ý trong hình ảnh thái cực đồ. Thực ra thì hướng đi là phía trước, nhưng luận giải và viết ra thì vừa suy nghĩ vừa chép lại suy nghĩ của mình. Có những lúc ý tưởng chợt đến, thật bất ngờ và chuẩn xác ngay khi viết lại và có những lúc ý tưởng đến nhưng rất khó triển khai được cách diễn giải.
Chính việc mò mẫm từng bước theo ý tưởng dẫn dắt và kinh nghiệm sống còn nhiều mặt hạn chế nên còn có nhiều vấn đề, khía cạnh được diễn giải theo suy diễn chủ quan khiến bản thân chưa thấy thấu tường, đạt lý. Mặc dù vậy, tôi vẫn đăng các bài viết của mình lên blog này thứ nhất là để mọi người tham khảo, thứ hai là xin lĩnh hội ý kiến, cao kiến của tất cả mọi người để chúng ta cùng nhau tìm ra những chân lý của các vấn đề một cách khoa học, đúng đắn nhất và cũng mong giúp ích được phần nào đó trong công việc của mỗi người !
Âm và dương là hai mặt của bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào trên thế gian này, đó là điều mà ai cũng biết. Từ xa xưa, loài người của chúng ta đã cảm nhận thấy sự hiện diện của âm và dương rồi từ đó dùng biểu tượng, tượng hình để mô phỏng, mô tả cũng như diễn tả về âm dương. Chính cái trí tuệ mà con người được giới tự nhiên ban cho thật sâu sắc, nhưng phương pháp và cách thức thể hiện thật thô sơ của thủa sơ khai đã tạo lên một Thái cực đầy bí ẩn, mênh mông và mê hoặc ( đây là sự thật hay là điều ngược lại khi nói cách thức thể hiện hình tượng Thái cực đồ là thô sơ ? trong khi từng đường nét phân chia, từng mảng màu từng hình dạng hình học lại logic một cách huyền bí, hài hoà chứa đựng bao ẩn ý trong các lĩnh vực mà bao đời sau chưa thể lý giải hết được ? )...
( còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét