28/1/14

Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông và ngày Tết

Giữ gìn sức khỏe ngày Tết theo lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông

Nói về sức khỏe của con người, Hải Thượng Lãn Ông xác định: tinh thần và thể chất được luôn luôn khang kiện thì sẽ tận hưởng tuổi thọ ngoài 100. Từ thế kỷ 18, Hải Thượng Lãn Ông đã đúc kết những kiến thức cơ bản về sức khoẻ cho người dân thường:
1. Về tâm sinh lý con người cũng cần phải điều độ, thư thái vì:
Tức giận quá sẽ hạn can
Vui mừng quá hại tâm
Buồn lo quá hại phế
Kinh sợ quá hại thận
Suy nghĩ quá hại tỳ.

2. Về ăn uống:
Vệ sinh ăn uống trước tiên
Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng
Thức ăn dùng phải có chừng.
Ăn nhiều tán khí, biết phòng mới hay
Các vị mặn, nồng, đắng, cay
Ăn nhiều sinh bệnh chẳng sai đâu mà
Đắng nhiều hại phế, khô da
Mặn nhiều tâm lạnh, máu đà phải ngưng
Quá chua can động rút gân
Qua cay chai thịt, môi quăn hại tỳ
Ngọt nhiều cũng chẳng ích gì
Tỳ chen thận yếu, xương tê, tóc cằn”.

“Vừa chừng gia vị thì nêm
Hễ người táo nhiệt chớ quên kiêng dùng”

“Muốn cho ngũ tạng được yên
Bớt ăn mấy miếng nhịn thèm hơn đau
Ăn no thì chớ gội đầu”

“Luận về trầu thuốc rượu chè
Từng dùng thiết đãi bạn bè vui thay”.

Ăn uống điều độ, đúng cách sẽ khiến cho bạn có tuổi thọ cao và tinh thần làm việc tốt

Ông đả phá hút thuốc vì:
“Hút vào uất hoả hôi mồm
Họng khô, phổi ráo, tích đờm, sinh ho
Khí hao huyết tụt chẳng ngờ
Ung thư, kết hạch, nguy cơ có ngày.
Hại nhiều lợi ít rõ thay”.

Còn uống rượu thì sao?
Khi uống rượu:
“Rượu nồng tính nóng hơi cay
Dở chua, dở ngọt vị hay lạ thường.
Uống vào tai mặt đỏ bừng
Tâm thần rung động, bàng hoàng nói năng
Cường dương, trúng đởm chi bằng

Nhưng  uống rượu nhiều khi có hại:
“Rượu say mê muội tinh thần
Khiến người làm bậy, làm càn hại thay...”

“Say nhiều nôn mửa, bỗng dưng mê trầm
Hơi men nung nấu can tâm
Đau đầu thở huyết, họng sưng, mắt mờ
Biến sinh cước khí, ung thư
Phế suy, tâm hoảng, gan khô, da vàng
Lâu ngày thấp nhiệt huân chung
Biết nên vị thống, trường phong gân mềm”.

Tóm lại:

“Rượu làm khí lực hao mòn”. Hải Thượng Lãn Ông khuyên dùng rượu để sao tẩm thuốc, ngâm rượu thuốc,... Uống ít thì có thể tốt cho sức khoẻ nhưng uống nhiều sẽ rất có hại.

Với tấm lòng nhân ái, Hải Thượng Lãn Ông luôn “Mong đời người không có bệnh”. Phòng bệnh có rất nhiều biện pháp, nhưng cái gần gũi là ăn uống và sinh hoạt thì lại ít được quan tâm.

Ngày Tết đã cận kề, vui là điều quan trọng nhưng chúng ta hãy chú ý đến sức khoẻ ngay từ việc ăn uống. Một cơ thể khoẻ mạnh là cơ thể không có bệnh tật.


17/1/14

Luận âm dương và ý nghĩa của Thái cực đồ trong y học



Bài mở đầu ( ngày 17/01/2014 )
 Mỗi lần đọc sách về Đông y của các bậc đại danh y thời xưa tôi lại nhận thấy thấp thoáng hoặc trực diện các vấn đề về âm dương, thời gian trôi đi và quá trình tích lũy kinh nghiệm sống cũng như những phân tích và suy diễn cứ dần dần bồi đắp, tích tụ ... Và rồi rất nhiều vấn đề gợi mở khi đi sâu vào nghiên cứu những ẩn ý trong hình ảnh thái cực đồ. Thực ra thì hướng đi là phía trước, nhưng luận giải và viết ra thì vừa suy nghĩ vừa chép lại suy nghĩ của mình. Có những lúc ý tưởng chợt đến, thật bất ngờ và chuẩn xác ngay khi viết lại và có những lúc ý tưởng đến nhưng rất khó triển khai được cách diễn giải. 
Chính việc mò mẫm từng bước theo ý tưởng dẫn dắt và kinh nghiệm sống còn nhiều mặt hạn chế nên còn có nhiều vấn đề, khía cạnh được diễn giải theo suy diễn chủ quan khiến bản thân chưa thấy thấu tường, đạt lý. Mặc dù vậy, tôi vẫn đăng các bài viết của mình lên blog này thứ nhất là để mọi người tham khảo, thứ hai là xin lĩnh hội ý kiến, cao kiến của tất cả mọi người để chúng ta cùng nhau tìm ra những chân lý của các vấn đề một cách khoa học, đúng đắn nhất và cũng mong giúp ích được phần nào đó trong công việc của mỗi người !
Âm và dương là hai mặt của bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào trên thế gian này, đó là điều mà ai cũng biết. Từ xa xưa, loài người của chúng ta đã cảm nhận  thấy sự hiện diện của âm và dương rồi từ đó dùng biểu tượng, tượng hình để mô phỏng, mô tả cũng như diễn tả về âm dương. Chính cái trí tuệ mà con người được giới tự nhiên ban cho thật sâu sắc, nhưng phương pháp và cách thức thể hiện thật thô sơ của thủa sơ khai đã tạo lên một Thái cực đầy bí ẩn, mênh mông và mê hoặc ( đây là sự thật hay là điều ngược lại khi nói cách thức thể hiện hình tượng Thái cực đồ là thô sơ ? trong khi từng đường nét phân chia, từng mảng màu từng hình dạng hình học lại logic một cách huyền bí, hài hoà chứa đựng bao ẩn ý trong các lĩnh vực mà bao đời sau chưa thể lý giải hết được ? )...
( còn tiếp )

16/1/14

Bài ca thuốc giải biểu bằng chữ Hán



Nhiệt hà hoa tử tang nhĩ căn
Hàn ma sinh quế kinh bạch tía
Thấp phòng khương độc khoan thiên uy
Tang tang thổ mộc thương thương nũ
Lá lốt hy thiêm ngũ gia bì !


Các vị thuốc giải biểu trong bài ca này gồm:
Bạc hà, cúc hoa, mạn kinh tử, tang diệp, nhĩ hương thảo ( lá cây cối xay ), cát căn.
Ma hoàng, sinh khương, quế chi, kinh giới, bạch chỉ, tía tô.
Phòng phong, khương hoạt, độc hoạt, khoan cân đằng, thiên niên kiện, uy linh tiên, tang chi, tang ký sinh, thổ phục linh, mộc qua, thương truật, thương nhĩ tử, trinh nữ thảo ( hàm tu thảo ), lá lốt, hy thiêm, ngũ gia bì.
Ngoài gia còn một số vị như: sài hồ, thăng ma ( phát tán phong nhiệt ), tế tân ( phát tán phong hàn ), tần giao ( phát tán phong thấp )...

13/1/14

Bệnh đến từ đâu ? Điểm khởi phát bệnh !


- Nếu khởi bệnh bắt đầu từ các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào bên trong ( ngoại cảm tà khí ) thì tổn thương đầu tiên là phế, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, sởn gai ốc ( nỗi da gà ), gấy rét,  ... Nếu không chữa trị kịp thời sẽ dần dần xâm nhập các tạng phủ khác, dẫn đến bệnh nội thương, bệnh tình trở nên nặng và khó chữa trị.
- Nếu khởi bệnh bắt đầu do ăn uống không điều độ, lao lực quá mức ... Thường làm tổn thương tỳ vị, xuất hiện ăn kém, bụng đau chướng đầy, người mệt mỏi, đại tiện nhão nát ...
- Nếu khởi bệnh bắt đầu do rối loạn tình chí, căng thẳng tinh thần, hay lo nghĩ kéo dài .. Thường dẫn đến tổn thương tâm và can, xuất hiện các triệu chứng tinh thần mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, mắt thâm quầng ...
- Nếu khởi bệnh trên cơ thể đang mắc bệnh mạn tính dẫn đến suy nhược, ở người kết hôn sớm, tình dục quá độ... Thì đa phần ảnh hưởng đến thận. Trên lâm sàng xuất hiện các triệu chứng: lưng đau, gối mỏi, hình thể gầy mòn, tinh thần mệt mỏi, nam giới có thể di tinh, nữ giới có thể rối loạn kinh nguyệt ...

6/1/14

Một số bài thuốc ngâm rượu dùng để xoa bóp

Dùng một số vị thuốc đông y ngâm trong bình hoặc lọ kín với rượu sẽ cho ra những dược tửu xoa bóp hữu hiệu nhằm dự phòng và điều trị các chứng đau mỏi gân xương, cơ khớp… hay gặp trong những ngày đông lạnh giá.
Rượu thuốc (dược tửu) là một chế phẩm hết sức độc đáo của y học cổ truyền. Việc dùng rượu thuốc để trị bệnh và bồi bổ đã có từ lâu. Có loại rượu thuốc sử dụng để uống và có loại xoa bóp bên ngoài. Mỗi loại đều có những nguyên tắc bào chế và cách sử dụng riêng nên phải hết sức chú ý khi tự bào chế. Có thể mua rượu thuốc xoa bóp đã bào chế sẵn bán ở các nhà thuốc đông y hoặc các phòng khám y học cổ truyền. Cách này tuy tiện lợi nhưng sẽ khó cho người bệnh kiểm soát được chất lượng an toàn của quá trình ngâm rượu. Vì vậy trong dân gian nhiều gia đình có thói quen sử dụng thuốc đông y vẫn hay thiên về cách tự bào chế hơn. Chỉ những bài thuốc rượu nào quá phức tạp, vị thuốc khó tìm, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt họ mới tìm mua thành phẩm.
Khi tự bào chế rượu thuốc, phải biết rõ tên vị thuốc và quy cách, đề phòng loại cây cùng tên mà khác thuốc hoặc cùng thuốc mà khác tên. Đối với một số phương thuốc lưu truyền trong dân gian, nếu muốn bào chế phải hỏi kỹ thầy thuốc để tránh sử dụng nhầm gây hậu quả nguy hiểm. Trên tất cả, phải biết chọn dùng phối hợp những vị thuốc nào và phương cách chế biến ra sao thì mới mong có được những loại rượu thuốc xoa bóp vừa đơn giản lại vừa có hiệu quả như mong muốn:
Rượu thuốc ngô công: Dùng con rết nhà (ngô công) hay rết rừng loại lớn, nhiều chân, dài từ 7 – 13cm, đầu vàng, lưng đen, chân bụng đỏ vàng. Nếu rết to chọn một hoặc hai con; rết nhỏ lấy từ ba đến bốn con. Cồn 900 một lượng khoảng 150ml. Bắt được rết, lấy nước nóng già 70 – 80oC đổ vào. Sau đó đem rửa nhiều lần rồi cho vào ngâm với cồn. Thời gian ngâm từ 30 – 90 ngày, càng ngâm lâu càng tốt. Lọc, đóng chai. Rượu rết có tác dụng xoa bóp các trường hợp đau nhức, phong thấp, té ngã tụ máu. Rượu còn có thể xoa vào chỗ mụn nhọt mới mọc cho tan. Tẩm bông xoa lên chỗ rắn cắn để giải độc.
Rượu thuốc thảo dược: huyết giác 40g, đại hồi 12g, quế chi 12g, địa liền 20g, thiên niên kiện 20g, long não (tán bột) 15g, cồn 700 một lít. Tất cả các vị thuốc tán thành bột ngâm trong cồn khoảng một tuần. Mỗi ngày khuấy một lần, gạn lấy kiệt nước, cho thêm bột long não vào khuấy cho tan hết bột. Đóng chai. Loại rượu này giúp chữa sưng tấy, tụ máu, bầm tím, bong gân, nhức xương, đau khớp.
Tuyệt đối không được uống
Các loại rượu thuốc xoa bóp chỉ được dùng ngoài da, tuyệt đối không được uống bởi đa số các vị thuốc dùng làm rượu thuốc xoa bóp đều có tính độc. Nên dán nhãn lưu ý tác hại ngoài chai. Ngoài ra, khi sử dụng rượu thuốc để xoa bóp không nên bôi vào các vết thương đã chảy hay rỉ máu. Cách sử dụng tốt nhất là tẩm rượu vào bông hay miếng gạc, xoa lên chỗ đau sưng rồi xoa bóp.
Rượu huyết giác: Huyết giác 20g, quế chi 20g, thiên niên kiện 20g, đại hồi 20g, địa liền 20g, gỗ vang 40g. Các vị thuốc tán nhỏ, cho vào chai cùng với 500ml rượu trắng, ngâm khoảng một tuần, lấy ra vắt kiệt, bỏ bã. Rượu có công dụng tốt cho những trường hợp bị thương do đánh đập, té ngã, đau tức, bầm máu… Trong dân gian còn dùng chữa đau mỗi khi lao động nặng hoặc đi đường xa sưng chân.
Rượu thuốc long não: Long não 100g, cồn 900 khoảng một lít. Hòa tan long não vào cồn. Sau đó lọc, đóng vào chai. Loại rượu này có công dụng xoa bóp giúp đánh tan các chỗ tụ máu, nhức mỏi mình mẩy.
Rượu thuốc hồng hoa: Hồng hoa (cây rum) 12g, đào nhân 20g, xuyên khung 50g, đương quy 50g, thảo ô 20g, hạt tiêu 50g. Các vị thuốc tán vụn, ngâm với một lít rượu trắng, sau ba ngày dùng được. Rượu hữu hiệu với các chứng đau nhức, tê bại, máu ứ bầm tím, nhức mỏi.
Rượu thuốc ngải cứu: Ngải cứu 6g, đương quy 12g, độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, thiên niên kiện 10g, hồng hoa 8g, tô mộc 12g, nhục quế 8g, tần giao 12g, huyết giác 12g, mộc qua 10g. Các vị tán vụn, ngâm với 1.000ml rượu trắng, sau bảy ngày là có thể dùng được. Rượu có công dụng tốt để xoa ngoài khớp bị tê thấp hoặc những nơi đau nhức.
Rượu thuốc địa long: địa long ba con, phụ tử chế 12g, tam thất 6g, bạch chỉ 6g, chế xuyên ô 6g, tế tân 6g, mộc qua 10g, xuyên khung 10g, hồng hoa 10g, cẩu tích 10g, độc hoạt 10g, rết một con, mã tiền tử hai hạt. Các vị tán vụn, ngâm với 500ml rượu trắng, sau từ 7 – 10 ngày là được. Ngoài chữa trị các chứng nhức mỏi, trật gân… loại rượu này còn thích hợp xoa bóp làm giảm các chứng đau nhức ngày đông giá lạnh ở người già; phụ nữ sinh đẻ đau thắt lưng dùng xoa vào nơi đau và hai bàn chân cũng sẽ tránh khỏi tê thấp.
PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh - Giảng viên học viện y dược học cổ truyền Việt Nam