12/3/13

Làng thuốc quý Đại Yên Hà Nội



Đã có một thời, cả làng Đại Yên (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng thuốc, bốc thuốc Nam nhưng trước tốc độ đô thị hóa như vũ bão, những vườn thuốc ở Đại Yên dần bị thu hẹp và chẳng còn mấy người mặn mà với cái nghề vất vả, cầu kỳ mà lại thu nhập thấp này.
Xuôi ngõ 173 đường Hoàng Hoa Thám, ngay phía cuối con đường là cổng làng Đại Yên – làng thuốc có tuổi đời đã chục thế kỷ. Chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Thảo (62 tuổi), người gốc làng Đại Yên. Bà Thảo tâm sự, thế hệ bà từ khi 5, 6 tuổi đã thuộc lòng lịch sử làng, biết phân biệt từng loại lá với công dụng riêng của chúng.
Không ai dám chắc những mảnh vườn thuốc như thế này sẽ còn tồn tại bao lâu

Theo bà Thảo, lịch sử làng Đại Yên được ghi chép trong thần phả của làng (hiện đang lưu giữ tại đình Đại Yên). Làng này trước kia có tên là Đại Bi. Vào thời nhà Lý ở thế kỷ 11, có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường, mới 9 tuổi nhưng rất giỏi chữa bệnh bằng lá cây. Cô đã đi theo đội quân của Lý Thường Kiệt trong cuộc chiến chống quân Tống xâm lược. Khi quân sĩ của Lý thường Kiệt đột ngột đổ bệnh hàng loạt, Trần Ngọc Tường đã lặn lội đi tìm các loại lá và chữa khỏi bệnh cho hàng vạn quân sĩ, góp phấn không nhỏ cho thắng lợi của quân dân nước Việt.
Ngọc Tường được nhà vua phong là Ngọc Hoa công chúa, không ở lại trong cung mà về sống ở quê mẹ là làng Đại Bi, truyền lại nghề trồng lá thuốc và chữa bệnh cho dân làng. Dân làng tôn bà là Thành hoàng làng và lập đình thờ.
Những năm 1970, 1980, cả làng là vựa thuốc cung cấp cho Trường Đại học Dược Hà Nội, các chợ Cửa Nam, Đồng Xuân, phố Thuốc Bắc và cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ. “Từ nhiều thế kỷ trước, người Hà Nội đã biết đến Đại Yên là một làng thuốc nam nổi tiếng và duy nhất của toàn vùng. Đến nay thì chẳng còn mấy người mặn mà với nghề, đất cũng chẳng còn nhiều mà trồng cây thuốc, cả làng hiện chỉ còn vài người bám trụ với nghề bán lá thuốc thôi”, bà Thảo buồn rầu kể.
Cụ Nguyễn Thị Chính, nay đã 90 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi lấy lá thuốc về bán gần đình làng. Vừa bỏm bẻm nhai trầu, cụ vừa kể chuyện: “Tôi lấy chồng người làng Đại Yên từ năm 22 tuổi rồi theo các cụ trong gia đình đi lấy lá thuốc về bán trước cổng làng. Giờ già rồi, không còn sức đi hái lá thuốc nữa mà cũng chẳng còn đất mà trồng”.
Cụ Chính đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng còn nhanh nhẹn và vẫn có thể phân biệt được từng loại cây cũng như đặc tính chữa bệnh của chúng. Bên gánh hàng lá thuốc của mình, cụ chỉ: “Xả, hương nhu, lá bưởi dùng để đun nước xông, lá láng để đắp chân, cây mã đề dùng làm thuốc lợi tiểu, cầm máu, chữa ho lâu ngày, cây hương nhu có thể dùng tươi hoặc phơi khố, trị cảm năng, sốt, nhức đầu…
Cụ Chính đã 90 tuổi nhưng chiều nào cũng ra cổng làng bán vài mớ lá thuốc nam.

Hiện ở làng còn bà Nguyễn Thị Quế (73 tuổi) ở số nhà 30, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám và bà Nguyễn Thị Chinh (73 tuổi), ngách 68, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám là còn trồng thuốc nam. Bà Quế có một mảnh vườn trồng thuốc nam cách làng Đại Yên khoảng 300m, trồng đủ các loại cây như hương nhu, mã đề, sài đất, trinh nữ hoàng cung, lá mò, bưởi, lá diễn…
Bà Quế cho biết: “Nghề trồng cây thuốc cũng chẳng khác người nông dân trồng cây lúa, lắm vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao nên bây giờ người trẻ chẳng mấy mặn mà. Đất làng Đại Yên cũng dùng để xây nhà hết”.
Đứng trước cơn bão đô thị hóa, những vườn thuốc nam hiếm hoi còn sót lại ở Đại Yên có nguy cơ bị xóa sổ. Rồi đây, làng Đại Yên sẽ chẳng còn lấy một thước đất để trồng lá thuốc. Những vườn thuốc cuối cùng của Đại Yên đang “thoi thóp” và có nguy cơ mất đi.
Những giá trị văn hóa góp phần làm nên Hà Nội ngàn năm văn hiến đang ngày càng mai một. Gìn giữ những giá trị đó có lẽ không còn là trách nhiệm của những nghệ nhân tâm huyết mà cần ý thức của cả một cộng đồng. Có như vậy, thế hệ sau mới không khỏi thiệt thòi khi chỉ biết đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua sách vở.
Bài, ảnh: NGUYỄN LAN HƯƠNG

1/3/13

Vi khuẩn, một phần tất yếu của... nhân loại


Link: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/110691/vi-khuan--mot-phan-tat-yeu-cua----nhan-loai.html

Như chúng ta biết, động vật là nơi trú ngụ của vô số vi sinh vật. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, một số “kẻ sống bám” tí hon này có khả năng khiến con người lâm trọng bệnh, trong khi số khác lại đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hệ động – thực vật bình thường bên trong cơ thể chúng ta. 
Cơ thể người dung chứa nhiều vi sinh vật hơn tế bào
Cơ thể con người đầy ắp vi trùng. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, bên trong cơ thể bạn, số lượng tế bào vi khuẩn nhiều gấp 10 lần tổng số tế bào của con người. “Số lượng chính xác là bao nhiêu không quan trọng. Điều đáng lưu tâm là, các tế bào vi khuẩn trong cơ thể của chúng ta chắc chắn nhiều hơn các tế bào của con người", nhà vi sinh vật Martin Blaser đến từ Trường Dược, Đại học New York, nhấn mạnh.
Cơ thể con người chứa đầy ắp vi sinh vật. Ảnh minh họa: Scitech.com
Khi con người tiến hóa, những vi khuẩn này cũng tiến hóa cùng với chúng ta. Rất nhiều loại virus cũng gọi cơ thể con người là “nhà”.
Con người sinh ra không có vi khuẩn
Do có rất nhiều vi khuẩn sống bên trong cơ thể người nên có quan điểm cho rằng, chúng đã có mặt ở đó từ khi chúng ta chào đời. Tuy nhiên, sự thực không phải vậy. Theo chuyên gia Blaser, khi mới sinh ra, cơ thể con người không chứa vi khuẩn và chỉ dần dần “có” chúng trong vài năm đầu đời.
Trẻ em đón nhận đợt vi khuẩn đầu tiên khi đi qua khe sinh nở của người mẹ (đối với những phụ nữ đẻ thường). Tất nhiên, những đứa trẻ sinh mổ không nhận được vi sinh vật theo cách này. Trong thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ sinh mổ có hệ vi sinh vật rất khác so với trẻ sinh thường và có thể đối mặt với nguy cơ cao hơn bị mắc một số loại bệnh dị ứng nhất định và béo phì.
Theo ông Blaser, một đứa trẻ thu nhận được phần lớn thành viên trong hệ vi sinh vật của nó lúc 3 tuổi, thời điểm sự trao đổi chất, các hệ thống miễn dịch, nhận thức và sinh sản của trẻ đang trải qua quá trình phát triển mở rộng.
Vi khuẩn vừa có lợi vừa gây hại cho người
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong khi một số vi khuẩn có thể khiến bạn bị ốm, số khác lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của bạn và giúp bạn chống lại việc nhiễm trùng. Đôi khi, cùng một loại vi khuẩn có thể tạo ra cả 2 ảnh hưởng ấy.
Lấy ví dụ trường hợp của Helicobacter pylori, vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Vi khuẩn này từng được tìm thấy ở hầu hết mọi người trên Trái đất, nhưng sự phổ biến của chúng đã dần giảm xuống và hiện chỉ có khoảng một nửa dân số thế giới dung chứa chúng. Hầu hết số vi khuẩn này không gây ra triệu chứng, nhưng một số lượng nhỏ chúng phát triển thành các vết loét đau đớn trong đoạn có tính axit của đường tiêu hóa (một phát hiện đã được trao giải Nobel Y học năm 2005).
Vi khuẩn vừa có lợi, vừa gây hại cho con người. Ảnh: My Health News
Các nhiễm khuẩn do Helicobacter gây ra có thể chữa trị được bằng thuốc kháng sinh, nhưng ông Blaser và các cộng sự phát hiện, sự thiếu vắng loại vi khuẩn này dường như liên quan tới việc xuất hiện các bệnh thực quản, chẳng hạn như viêm thực quản trào ngược và một số bệnh ung thư thực quản. Mặc dù không phải tất cả các nhà khoa học đều tán đồng quan điểm này nhưng “có nhiều bằng chứng cho thấy Helicobacter vừa có lợi, vừa gây hại xét về mặt sinh học”, ông Blaser nói.
Kháng sinh có thể gây bệnh hen và béo phì
Penicillin là một đột phá quan trọng khi Alexander Fleming phát hiện ra nó vào năm 1928. Thuốc kháng sinh được ưa chuộng rộng rãi kể từ đó, nhưng việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn tới việc tăng các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh chết người, chẳng hạn như Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA).
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã thu được một số bằng chứng cho thấy, thuốc kháng sinh còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm ruột và béo phì.
Tất nhiên, có những thời điểm việc dùng thuốc kháng sinh là bất khả kháng, đặc biệt đối với một đứa trẻ bị bệnh rất nặng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Blaser quả quyết, nhiều bệnh thường gặp ở trẻ em, chẳng hạn như nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng cổ họng, sẽ tự biến mất.
Công dụng của các chế phẩm lợi khuẩn bị phóng đại
Việc công nhận vi khuẩn có thể hữu ích đối với con người đã dẫn tới một cơn sốt các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn, bao gồm các vi khuẩn sống được cho là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhiều người sử dụng chúng sau một đợt dùng thuốc kháng sinh. Nhưng liệu chúng có thực sự hữu ích?
"Quan niệm về việc lợi khuẩn giúp tái lập hệ vi sinh vật cơ bản sau khi dùng thuốc kháng sinh là đúng. Nhưng ý tưởng cho rằng, trong tổng số hàng ngàn vi sinh vật trong cơ thể chúng ta, chỉ sử dụng một loài chiết xuất từ bò hoặc bơ là quá ngây thơ”, nhà nghiên cứu Blaser nói. Theo ông, các chế phẩm lợi khuẩn hiện tại được quảng cáo quá tốt nhưng thực tế không mang lại nhiều lợi ích. Ông Blaser tuyên bố, ngành dược một ngày nào đó sẽ phát triển được các sản phẩm lợi khuẩn hữu dụng cho việc chữa trị bệnh tật, nhưng trong thời điểm hiện tại “vẫn còn là một lĩnh vực quá non trẻ”.
Tuấn Anh (Theo Live Science)