12/10/12

CON ĐƯỜNG XA TẮP



   Trình tự trình bày lý luận về y học cổ truyền thường được truyền đạt theo hướng phân tích như sau:
Nguyên nhân gây bệnh  >>  vị trị, khu vực nhiễm bệnh >>> tác động qua lại giữa các đối tượng bị nhiễm bệnh ( bì mao, cơ, gân, xương, dây thần kinh, lục kinh, vệ dinh khí huyết, lục phủ, ngũ tạng ) >>>> các triệu chứng xuất hiện, biểu hiện trên bệnh nhân.
   Trên thực tế hành nghề cứu chữa bệnh cho người thì những người trong nghề lại phải bắt đầu dò tìm từ những triệu chứng để luận ra nguyên nhân gây bệnh rồi mới lập được phương thuốc chữa trị cho người bệnh, coi như bằng cách ngược lại hoàn toàn so với tư duy dẫn giải của lý thuyết. Tất nhiên là họ đã được trang bị những kiến thức theo lối tư duy phân tích lý thuyết và phải là người lĩnh hội được những điều căn bản lẽ huyền bí mà bao tiền nhân truyền lại !
   Vậy là, cái sở học và cái sở làm như hai người đi ngược chiều nhau trên cùng một con đường. Cái ta sờ thấy, nhìn thấy, nghe thấy ... như phần ngọn đầy ẩn dấu và biểu hiện. Cùng một hiện tượng mà có thể biết bao nguyên nhân dẫn đến, rồi từ một nguyên nhân có thể nảy sinh bao sự biến hoá dẫn đến vô vàn những hiện tượng biểu hiện ra ngoài ... con tạo như che mờ, phủ giấu sự thật để dẫn dắt ta đi đến những con đường vô đích ... ???
   Hàng " triệu chứng " bệnh xuất hiện từ hàng trăm, hàng ngàn loại bệnh khác nhau. Hàng trăm, hàng ngàn căn bệnh biểu hiện ra, hay nơi xuất phát ra là từ bao nhiêu vị trí, bộ phận trong cơ thể người bệnh ... Và vô vàn những nguyên nhân dẫn đến sự việc này ...
   Cứ luận vậy thì sở học và sở làm thật cách xa nhau như trời và đất sao ? Rất may rằng, các tiền nhân của chúng ta có rất nhiều danh y có niềm đam mê vô tân, sự kiên trì bền bỉ, niềm tâm huyết vì nhân thế vì con người thật bao la,  họ đã dày công nghiên cứu, thực nghiệm và ghi chép lưu lại cho hậu thế một cách rất chi tiết, tỉ mỉ. Có những trải nghiệm, kinh nghiệm mang tính bản năng sinh tồn không chỉ là của con người cũng được các bậc tiền nhân chúng ta nắm bắt và lưu truyền lại như việc những tộc người cổ xưa đã dày công theo dõi việc tìm kiếm đồ ăn của nhiều loài vật hoang dã ( đặc biệt là loài khỉ, vượn ) để vận dụng cho việc chữa bệnh, nuôi duỡng ở con người.
   Cái lý thuyết thâm sâu huyền bí theo phương dẫn dắt, lưu truyền và bổ khuyết cùng thời gian được chứng nghiệm bằng một nền tảng thực nghiệm đồ sộ trải dài hơn bất cứ lĩnh vực khoa học nào, ngành y học cổ truyền phương Đông đã tồn tại và không ngừng phát triển theo cuộc sống của loài người !

Không có nhận xét nào: